7 thức uống 'đại kỵ' cho lá phổi càng uống, càng ho, càng đờm, càng khó thở

19-05-2025 11:15 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Những đồ uống hàng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng lớn đến lá phổi của bạn. Đặc biệt là những đồ uống yêu thích của người Việt như: trà sữa, đồ uống lạnh, rượu bia,...

Mỗi hơi thở là sự sống. Tuy nhiên có những thứ bạn đang uống hàng ngày lại vô tình "bóp nghẹt" chính lá phổi của mình… Lá phổi là cơ quan hô hấp quan trọng bậc nhất – đảm nhiệm việc trao đổi oxy nuôi toàn bộ cơ thể. Khi phổi bị kích thích, viêm hoặc tiết nhiều đờm, cơ thể lập tức phản ứng bằng ho, khò khè, khó thở – như một hồi chuông cảnh báo.

Đồ uống đại kỵ với lá phổi

Rất nhiều người không biết rằng những thứ đồ uống tưởng chừng vô hại như ly trà sữa, lon nước ngọt lạnh hay rượu bia… lại chính là kẻ thù thầm lặng của hệ hô hấp. Dưới đây là 7 thức uống "đại kỵ" với người có bệnh về phổi – đặc biệt là những ai mắc viêm phế quản mạn, hen suyễn, COPD, ung thư phổi hoặc đang trong mùa ho - cảm.

7 thức uống 'đại kỵ' cho lá phổi càng uống, càng ho, càng đờm, càng khó thở- Ảnh 1.

ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm - Khoa Nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội

1. Nước đá, đồ uống lạnh kẻ thù đường hô hấp trên

Niêm mạc mũi họng vốn rất nhạy cảm. Khi bạn uống nước đá hoặc đồ uống lạnh, niêm mạc mũi họng sẽ bị co mạch đột ngột, làm giảm lưu lượng máu, cản trở cơ chế bảo vệ tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Tăng tiết đờm nhầy.
  • Kích thích phản xạ ho.
  • Làm nặng triệu chứng ở người viêm phổi, hen, giãn phế quản.

Đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già và người đang ốm cần tuyệt đối tránh uống đồ uống lạnh.

2. Nước ép đóng chai

Các loại nước ép trái cây đóng chai thường chứa hàm lượng đường cao và chất bảo quản. Khi bạn uống nhiều nước ép đóng chai có thể gây ra các vấn đề như:

  • Tăng sinh đờm.
  • Làm môi trường hô hấp dễ nhiễm khuẩn.
  • Gây béo phì – yếu tố nguy cơ cho ngưng thở khi ngủ và khó thở mạn tính.
  • Bạn cần biết rằng ngay cả "nước cam ép 100%" cũng có thể chứa đường bổ sung.
7 thức uống 'đại kỵ' cho lá phổi càng uống, càng ho, càng đờm, càng khó thở- Ảnh 2.

Đồ uống lạnh có thể làm tăng tiết đờm nhầy và kích thích phản xạ ho.

3. Trà sữa – Đồ uống chứa nhiều yếu tố gây hại cho lá phổi

Trong trà sữa có rất nhiều chất ảnh hưởng đến lá phổi của bạn. Sữa nhiều béo bão hòa có trong trà sữa sẽ gây kích thích tiết nhầy. Hoặc các loại trà, cà phê có trong trà sữa sẽ có nhiều caffeine khiến niêm mạc đường hô hấp bị khô. Với lượng đường có trong trà sữa cũng như các topping đi kèm sẽ làm tăng đờm và viêm.

Người bị hen phế quản, viêm phế quản mạn, COPD uống trà sữa nhiều sẽ thấy rõ: cảm giác ho, khò khè nặng hơn hẳn.

4. Rượu bia

Cồn làm yếu hệ miễn dịch tại lá phổi, tăng nguy cơ viêm phổi và lao phổi. Ngoài ra đồ uống có cồn còn làm mất nước khiến đờm đặc dẫn đến tình trạng ho và nghẹt kéo dài. Bên cạnh đó, khi tiêu thụ đồ uống có cồn khiến viêm đường hô hấp, lâu ngày làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản và phổi.

Người uống rượu bia thường xuyên còn làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh hô hấp.

7 thức uống 'đại kỵ' cho lá phổi càng uống, càng ho, càng đờm, càng khó thở- Ảnh 3.

Đồ uống có cồn làm yếu hệ miễn dịch tại lá phổi, tăng nguy cơ viêm phổi và lao phổi.

5. Nước ngọt có ga – "bọt ngọt" gây hại phổi

Các loại đồ uống có gas gây đầy hơi, trào ngược dạ dày – yếu tố gây ho mãn tính. Nồng độ đường cao và gas làm kích ứng niêm mạc hô hấp. Ngoài ra, đồ uống có gas còn làm tăng nguy cơ viêm mạn tính – "mồi lửa" cho COPD và hen.

6. Sữa bò nguyên kem làm tăng đờm cho lá phổi

Dù giàu dinh dưỡng, nhưng sữa bò nguyên kem chứa casein và chất béo bão hòa – làm tăng sinh đờm ở một số người. Người bệnh cảm giác khó nuốt đờm, ho kéo dài sau khi uống sữa. Người mắc bệnh phổi nên lựa chọn các loại sữa ít béo, sữa hạt.

7. Uống các loại nước "detox" sai cách

Có nhiều người đang uống detox để giảm cân, thải độc nhưng lại sai phương pháp. Nhiều công thức sử dụng chanh – gừng – mật ong theo liều cao, sai thời điểm. Điều này có thể gây kích ứng dạ dày, làm trào ngược dạ dày và gây ho. Ngoài ra còn có một số loại chứa thảo dược gây dị ứng hô hấp nhẹ đến nặng. Do vậy nếu muốn uống detox bạn cần lắng nghe cơ thể và tham khảo bác sĩ trước khi dùng thường xuyên.

7 thức uống 'đại kỵ' cho lá phổi càng uống, càng ho, càng đờm, càng khó thở- Ảnh 4.

Nước ấm, trà thảo mộc hoa cúc, nước gừng loãng rất tốt cho lá phổi của bạn.

Uống gì tốt cho lá phổi?

Những đồ uống kể trên được xem là kẻ thù của lá phổi. Vậy, người bệnh phổi nên uống gì?

  • Nước ấm rất tốt cho lá phổi của bạn
  • Nước gừng loãng, trà thảo mộc nhẹ (hoa cúc, tía tô).
  • Sữa ít béo, sữa hạt (óc chó, hạnh nhân).
  • Nước ép tươi không đường, pha loãng.

Lá phổi không có dây thần kinh đau. Chúng âm thầm chịu đựng, đến khi biểu hiện ra bên ngoài thì tổn thương đã quá sâu. Bạn có thể không bỏ thuốc ngay, không điều trị dứt điểm ngay, nhưng hãy bắt đầu bằng điều đơn giản nhất: Đừng tiếp tục uống những thứ tăng gánh nặng cho lá phổi. Một hơi thở thông suốt là một ngày sống dễ dàng hơn.

Bài tập 2 phút giúp thanh lọc và cải thiện chức năng phổiBài tập 2 phút giúp thanh lọc và cải thiện chức năng phổi

SKĐS - Những nguyên nhân chủ quan và khách quan như ngồi nhiều, ô nhiễm môi trường... đều làm giảm chức năng phổi, gây ra mệt mỏi, giảm sức bền, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để khắc phục, bạn có thể thực hiện bài tập 2 phút mỗi ngày dưới đây.


Ý kiến của bạn