Quản lý mức đường huyết chính là chìa khóa để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra ở người bệnh đái tháo đường. Vì lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực, tổn thương dây thần kinh, cắt cụt chi và tổn thương thận…
1. Tầm quan trọng của việc đếm carb trong dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường
Mặc dù các mục tiêu quản lý bệnh đái tháo đường có thể khác nhau, nhưng có một số loại thực phẩm được coi là tốt và xấu dựa trên cả giá trị dinh dưỡng của chúng và vị trí của chúng trên chỉ số đường huyết. Trong đó, điều quan trọng là phải tính đến tải lượng đường huyết (GL).
Giống như chỉ số đường huyết, GL đo lường cách thức thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu dựa trên hàm lượng carb. GL từ 10 trở xuống được coi là thấp, 11 đến 19 là trung bình và 20 trở lên là cao.
Một cách tiếp cận tốt để quản lý bệnh đái tháo đường là đếm lượng carbohydrate. Trong quá trình tiêu hóa, cơ thể phân hủy carbohydrate thành glucose, là một loại đường và một số loại carbs, cụ thể là carbs đơn, có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
2. Lượng calo cũng quan trọng trong chế độ ăn kiêng của bệnh đái tháo đường
Với người bệnh đái tháo đường, duy trì cân nặng hợp lý giúp hạn chế tình trạng kháng insulin. Do đó, điều quan trọng là phải chú ý đến lượng calo nạp vào hàng ngày. Ngay cả khi đang quản lý số lượng carbohydrate cơ thể tiêu thụ mỗi ngày, người bệnh đái tháo đường vẫn có thể tiêu thụ quá nhiều calo từ nguồn chất béo và protein, có thể dẫn đến tăng cân.
BS. Đỗ Thu Huyền (Bệnh viện Nội tiết) cho biết, chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện lượng đường trong máu và giảm 58% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, cân nặng hợp lý không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường mà còn giúp ích cho sức khỏe tim mạch. Đối với người bệnh đái tháo đường, đây là điều hết sức quan trọng vì đái tháo đường và tim mạch luôn song hành với nhau.
3. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho người bệnh đái tháo đường
Để theo dõi quá trình kiểm soát đái tháo đường, hãy bắt đầu với 7 lựa chọn thân thiện với bệnh đái tháo đường. Từ đó có thể giúp giữ lượng đường trong máu ở mức mục tiêu và cung cấp dinh dưỡng để khởi động.
3.1 Bột yến mạch để làm đầy chất xơ
Bột yến mạch chứa beta-glucan, một chất xơ hòa tan tốt cho tim mạch. Điều này làm cho yếm mạch trở thành một thực phẩm tuyệt vời để ngăn ngừa sự tăng vọt của lượng đường trong máu. Beta-glucan trong bột yến mạch cũng đã được chứng minh là cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cảm giác no. Hãy chọn loại yến mạch cắt nhỏ hay yến mạch kiểu cũ vì bột yến mạch ăn liền có thể chứa nhiều đường.
Một nửa chén yến mạch khô chứa 150 calo, 27g carbs, 5g protein và 2,5g chất béo. Số lượng carb có vẻ hơi cao nhưng là một loại carb phức hợp, có nghĩa là nó được cơ thể tiêu hóa chậm hơn và cung cấp lượng đường được giải phóng ổn định hơn vào máu
Một phần tiêu chuẩn với người bệnh đái tháo đường là ½ chén bột yến mạch nấu chín. Hãy ăn vào bữa sáng, có thể thêm vào sinh tố…
3.2 Cá hồi cung cấp axit béo omega-3
Cá hồi là một nguồn giàu chất dinh dưỡng quan trọng. Một khẩu phần cá hồi đã nấu chín chứa 155 calo, 0 carbohydrate, 21,6g protein và 6,91g chất béo. Cá hồi cũng giàu vitamin D và việc bổ sung một lượng vitamin D lành mạnh là rất quan trọng. Mức độ thấp của vitamin này có liên quan đến bệnh đái tháo đường typ 2.
Cá cũng là một nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào. Axit béo omega-3 trong cá béo, như cá hồi, có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường vì sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
3.3 Hạnh nhân
Hạnh nhân là một thực phẩm bổ dưỡng khác cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Cứ 28,3g hạnh nhân không ướp muối chứa 172 calo, 5,76g protein, 15,3g chất béo và 5,78g carbs. Hạnh nhân có GL là 1,9.
Hạnh nhân cũng chứa nhiều vitamin E (với 6,67mg trong một khẩu phần) và một nguồn magiê tốt (với 76,8 mg trong mỗi khẩu phần). Hạnh nhân cũng chứa chất xơ, một chất dinh dưỡng quan trọng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường vì nó có thể cải thiện lượng đường trong máu bằng cách làm chậm tốc độ hấp thụ đường.
BS. Huyền cho biết bệnh đái tháo đường khiến người bệnh có nhiều khả năng có LDL cao hoặc cholesterol xấu. Vì vậy thêm các loại hạt vào chế độ ăn uống là một lựa chọn thông minh. Trong đó, hạnh nhân là một nguồn chất béo không bão hòa tuyệt vời, có thể giúp giảm cholesterol LDL và tăng HDL hay mức cholesterol tốt.
Có thể thêm hạnh nhân vào món salad hoặc một chút bơ hạnh nhân ăn cùng với táo như một món ăn nhẹ. Không nên sử dụng các loại hạt đóng gói sẵn có thể chứa thêm đường và muối.
3.4 Các loại đậu cung cấp chất đạm từ thực vật
Đậu là một nguồn cung cấp chất xơ hòa tan tuyệt vời và một nguồn protein rẻ tiền có chỉ số đường huyết thấp, khiến chúng trở nên lý tưởng để ngăn ngừa sự thay đổi lớn về lượng đường trong máu. Hàm lượng chất xơ cao hơn trong thực phẩm có lợi cho việc làm chậm sự gia tăng mức đường huyết vì cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phân hủy các thực phẩm dạng sợi.
Một khẩu phần ½ cốc đậu đen có khoảng 19g carbohydrate, 110 calo, 1g chất béo và gần 7g protein.
3.5 Cam cung cấp chất xơ hòa tan tốt cho người bệnh đái tháo đường
Cam là một nguồn cung cấp pectin, một chất xơ hòa tan đã được chứng minh là làm giảm mức cholesterol LDL. Cam là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và có GL là 4.
Một quả cam không phải là thực phẩm ít carb. Nó chứa khoảng 18g carbs, cộng với 72 calo, 1,45g protein và ít hơn 0,2g chất béo. Cam cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng khác, bao gồm cả vitamin C. Một lưu ý là người bệnh đái tháo đường hãy chọn ăn cả trái cây thay vì nước ép trái cây để có thêm chất xơ và chất chống ôxy hóa có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào cũng như giảm bất kỳ ảnh hưởng nào đến lượng đường trong máu.
3.6 Cải xoăn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất
Trong số tất cả các loại rau xanh có thể thưởng thức trong chế độ ăn kiêng dành cho bệnh đái tháo đường, cải xoăn là lựa chọn thông minh. Cải xoăn cung cấp một loạt các chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin A, C, E và K, sắt, canxi và kali.
Thêm vào đó, nó chứa ít calo và carbs. Một chén cải xoăn sống chứa khoảng 9 calo, 1,1g carbs và ít hơn 1g protein và chất béo. GL rất thấp, khoảng 1 hoặc 2.
3.7 Socola đen tăng cường lượng flavonoid
Hạn chế đường là điều quan trọng khi kiểm soát bệnh đái tháo đường. Vì vậy, nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng socola là một phần của chế độ ăn uống thân thiện với bệnh đái tháo đường.
Một nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều sô cô la nhất có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn 31% và giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ so với những người ăn ít nhất.
Một nghiên cứu khác cho thấy, ăn khoảng 10g bột ca cao giàu flavonoid mỗi ngày (khoảng 1,5 thìa canh) có thể làm giảm mức cholesterol LDL và chất béo trung tính ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng sôcôla cũng chứa chất béo và đường, vì vậy hãy hạn chế ăn một miếng vuông nhỏ (khoảng 28g) mỗi ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?