7 thay đổi thường gặp khi ngừng dùng thuốc tránh thai

05-11-2022 12:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Các tác dụng phụ của việc ngừng dùng thuốc tránh thai cũng có thể phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng dùng. Có thể có trường hợp hai người uống cùng một loại thuốc nhưng những trải nghiệm khi dừng thuốc lại khác nhau. Tuy nhiên, một số thay đổi phổ biến có thể xảy ra với cơ thể khi ngừng uống thuốc tránh thai.

Các phương pháp tránh thai bằng nội tiết tố như thuốc viên, miếng dán, vòng hoặc thuốc tiêm hoạt động bằng cách tắt tín hiệu hormone giữa não và tuyến yên và buồng trứng để ngăn ngừa rụng trứng khiến người phụ nữ không thể mang thai.

Các hormone đó và quá trình rụng trứng sẽ hoạt động trở lại khi bạn ngừng dùng chúng, điều này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn.

Dưới đây là một số triệu chứng có thể gặp phải khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố.

1. Có thể mang thai ngay sau khi ngừng uống thuốc tránh thai

Theo BS. Bùi Thị Phương (Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội), đối với hầu hết phụ nữ, quá trình rụng trứng đều đặn sẽ tiếp tục trong vòng một hoặc hai tháng và 80% số người có thể mang thai trong vòng 12 tháng sau khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố. Bao gồm cả thuốc tránh thai, dụng cụ tử cung và các hình thức tránh thai bằng nội tiết tố được tiêm.

Nếu không có ý định mang thai, hãy sử dụng bao cao su hoặc một loại biện pháp tránh thai khác ngay sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai.

7 thay đổi thường gặp khi ngừng dùng thuốc tránh thai - Ảnh 2.

Có thể mang thai ngay khi ngừng uống thuốc.

2. Thay đổi cân nặng

Khi sử dụng biện pháp ngừa thai chủ yếu chỉ có progestin như tiêm, vòng tránh thai nôi tiết tố hay uống thuốc, chị em phụ nữ có thể tăng cân nhẹ. Vì vậy, cân nặng có thể giảm nhẹ nếu ngừng dùng thuốc tránh thai.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ việc thuốc tránh thai sử dụng trước đó khiến hormone trong cơ thể thay đổi, gây tăng cân

3. Da có thể nổi mụn

Các vấn đề về mụn thường gặp sau khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố vì một số lý do:

  • Thuốc tránh thai kết hợp (loại phổ biến nhất), kết hợp estrogen và progestin, làm giảm mụn ở nhiều người vì chúng có thể làm giảm nồng độ androgen trong cơ thể, một loại hormone sản xuất dầu trên da.
  • Ngừng sử dụng thuốc tránh thai làm tăng mức độ testosterone, một loại hormone gây ra mụn.
  • Quay trở lại chu kỳ tự nhiên có nghĩa là nội tiết tố liên tục thay đổi và làn da có phản ứng với mụn.

Nếu quyết định ngừng sử dụng thuốc, có những cách khác để kiểm soát mụn nội tiết tố như thay đổi sữa rửa mặt, giữ gìn vệ sinh cá nhân, giảm căng thẳng hoặc bổ sung probiotic.

4. Đau lưng và chuột rút

Khi trứng chuẩn bị rụng hàng tháng, nang trứng trên buồng trứng chứa trứng có thể trở thành thai nhi bắt đầu phát triển. Khi nang trứng vỡ giải phóng trứng và chất dịch xung quanh, nó có thể gây kích ứng, gây chuột rút và đau thắt lưng. Thậm chí có người có thể cảm thấy nhói nhanh ở một bên của bụng dưới khi trứng trưởng thành và giải phóng khỏi buồng trứng. Mặc dù những cơn đau này tạo cảm giác khó chịu nhưng chúng có thể cho bạn biết thời điểm rụng trứng.

Nếu cơn đau ngày càng nặng hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ vì biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố có thể làm mất đi các triệu chứng của một số bệnh như lạc nội mạch tử cung.

5. Tăng ham muốn tình dục

Đừng ngạc nhiên nếu ham muốn tình dục của bạn tăng lên sau khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai. Mặc dù nghiên cứu đã phát hiện ra tác động có thể là rất ít, nhưng các biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể ngăn chặn ham muốn tình dục.

Vì vậy, khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai, ham muốn tình dục của bạn có thể tăng lên trong thời kỳ rụng trứng, khi có khả năng dễ thụ thai nhất.

7 thay đổi thường gặp khi ngừng dùng thuốc tránh thai - Ảnh 4.

Ngừng sử dụng thuốc tránh thai làm tăng ham muốn tình dục.

6. Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

Một trong những lợi ích lớn nhất của viên uống tránh thai là điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc tránh thai khiến cho chu kỳ kinh nguyệt đi qua nhẹ nhàng và giảm đau liên quan đến kỳ kinh nguyệt.

Trước khi dùng thuốc tránh thai, có thể chu kỳ kinh nguyệt của bạn rất ổn định. Tuy nhiên, sau khi ngừng sử dụng các biện pháp này, bạn có thể phải mất vài tháng để chu kỳ trở lại bình thường. Do sự tác động của việc hormone bị thay đổi khi ngừng thuốc, nếu như trước kia, chu kỳ kinh nguyệt của bạn không ổn định thì giờ đây rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn kinh nguyệt có thể lặp lại hoặc chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể kéo dài. Thậm chí, một số trường hợp bị mất nguyệt san, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian nữa, khi cơ thể đã thích nghi với sự thay đổi, chúng sẽ xuất hiện trở lại. Sau hai hoặc ba tháng, kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bình thường

7. Ngực của bạn có thể cảm thấy hơi khác

Nhiều người cho biết ngực bị đau nhức trước kỳ kinh vì sự tăng vọt của progesterone trước kỳ kinh sẽ kích thích sự phát triển của các tuyến sữa, có thể gây đau. Vì thuốc tránh thai điều chỉnh mức độ hormone nên chúng có thể làm giảm triệu chứng này. Vì vậy, bỏ thuốc có thể có nghĩa là ngực của bạn bắt đầu nhạy cảm hơn một chút sau khi rụng trứng, BS. Bùi Thị Phương cho biết.

Tuy nhiên, căng tức ngực cũng có thể là một tác dụng phụ của việc uống thuốc. Nếu ngực của bạn cảm thấy siêu nhạy cảm vào những thời điểm nhất định trong tháng khi bạn đang thực hiện biện pháp tránh thai, nó có thể biến mất sau khi bạn ngừng sử dụng.

8. Làm gì để kiểm soát các tác dụng phụ khi ngừng dùng thuốc tránh thai?

Giống như cảm giác hơi hụt hẫng khi lần đầu tiên bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố, bạn sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng khi dừng lại. Tuy nhiên, cơ thể sẽ điều chỉnh khá nhanh, thường là trong vòng vài tuần.

Trong thời gian chờ đợi, cần ăn uống và luyện tập khoa học. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ và làm trầm trọng thêm bất kỳ triệu chứng khó chịu nào mà bạn có thể phải đối mặt. Vì vậy, hãy ưu tiên thư giãn và chăm sóc bản thân trong khi cơ thể bạn cân chỉnh lại.

Ngừng thuốc tránh thai hoặc biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố có thể là một biện pháp điều chỉnh. Và trong khi các tác dụng phụ tạm thời đôi khi có thể ít nhưng chúng đều là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã sẵn sàng cho bước tiến lớn tiếp theo, đó là chuẩn bị mang thai.

Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, những điều ít được chú ýDùng thuốc tránh thai khẩn cấp, những điều ít được chú ý

SKĐS - Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp như 'kế hoạch B' để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, có nhiều băn khoăn xung quanh việc dùng loại thuốc này…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết.


Khánh Anh
Ý kiến của bạn