Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được BHXH Việt Nam thanh tra, kiểm tra là 8.118 đơn vị. Thanh tra phát hiện có tới hơn 17.786 người lao động chưa được đóng, đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, số tiền truy đóng thiếu lên tới hơn 40 tỷ đồng.
Cơ quan BHXH đã phát hiện hơn 24.400 lao động không đóng bảo hiểm đúng mức quy định, số tiền truy đóng lên tới gần 24,9 tỷ đồng. Trước khi thanh tra, kiểm tra số tiền DN các loại bảo hiểm là hơn 1.146 tỷ đồng. Thế nhưng trong quá trình thanh tra, kiểm tra và trước khi có kết luận, các DN đã nộp lại hơn 661 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm.
Tính đến hết tháng 7/2018, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT ước khoảng 7.200 tỷ đồng.
Cơ quan BHXH đã lập biên bản vi phạm hành chính với 407 DN, ban hành 364 quyết định xử phạt hành chính với số tiền phạt lên tới hơn hơn 11,2 tỷ đồng. Đến nay, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu là hơn 2,9 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 7/2018, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT ước khoảng 7.200 tỷ đồng, bằng 3,6% số phải thu.
“Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam thường xuyên chỉ đạo BHXH các địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành. Chúng tôi sẽ quyết liệt thanh tra những DN nợ tiền từ 3 tháng trở lên. Đối với những DN nợ kéo dài hơn 6 tháng, cơ quan BHXH sẽ tiến hành thanh tra đột xuất”, ông Mai Đức Thắng cho biết.
Cũng theo ông Mai Đức Thắng, để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH đang quyết liệt triển khai thanh tra đóng. Cơ quan BHXH đang tiến hành thanh tra những DN có số nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Khi thanh tra, các DN đã khắc phục số nợ tương đối tốt và có lộ trình trả nợ rõ ràng. Thực tế, việc tăng cường đôn đốc đóng, thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý hình sự việc trốn đóng BHXH, BHYT có hiệu quả khi nhiều DN đã tự giác nộp khoản nợ BHXH, BHYT ngay khi bị thanh tra, nhắc nhở.
Ông Thắng cho rằng, việc xử lý hình sự đối với các DN nợ đọng BHXH, BHYT là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, không thể sử dụng nó liên tục vì nếu khi xử lý hình sự, chủ DN bị bắt thì DN đó đồng nghĩa với đóng cửa, người lao động sẽ bị mất việc làm và cơ quan BHXH cũng không thu được nợ.
Do đó, cơ quan BHXH chủ trương, chỉ khi tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều lần mà các DN vẫn cố tình nợ, đặc biệt là những DN làm ăn có lợi nhuận nhưng vẫn cố tình nợ thì sẽ khởi tố hình sự.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tăng cường phối hợp các bộ, ngành trong việc chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện, nhất là nâng cao hiệu quả phối hợp với cơ quan công an tại địa phương, chuyển hồ sơ của các DN sang cơ quan điều tra. Đồng thời, tăng cường, phối hợp các ngành chức năng nhằm triển khai hiệu quả các điều luật hình sự về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.