Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đồ uống có cồn là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Tổn thương chính do sử dụng đồ uống có cồn gồm:
1. Rối loạn tâm thần kinh
Nhiễm độc: là hệ quả của việc sử dụng một lượng đồ uống có cồn đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn, phần lớn là biểu hiện rối loạn hệ thần kinh trung ương. Nhiễm độc cấp tính đồ uống có cồn kết hợp với các rối loạn hành vi liên quan có thể dẫn đến hành vi nguy cơ: quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn, chấn thương (khi đang điều khiển phương tiện, máy móc), bạo lực.
Gây nghiện: Đồ uống có cồn là một hợp chất có tác động tâm thần và khả năng gây nghiện đã được chứng minh ở người và động vật. Đồ uống có cồn có tác động gia tăng liều dùng dẫn đến việc tái sử dụng thông qua cơ chế giải phóng dopamine. Đồ uống có cồn cũng có tác dụng an thần, tác động trực tiếp lên não. Việc sử dụng thường xuyên đồ uống có cồn dẫn đến tình trạng thích nghi thần kinh là cơ chế của quá trình dung nạp khiến cho việc giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng sẽ dẫn đến các hội chứng “cai rượu” như tình trạng kích động, lo lắng.
Tác động đến sự phát triển của não: Đồ uống có cồn đã được chứng minh là tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não. Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác hại này của đồ uống có cồn. Ở vị thành niên, đồ uống có cồn có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập.
2. Tác động tới sự phát triển của bào thai (Hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai)
Hậu quả nặng nề của sử dụng đồ uống có cồn khi mang thai là dị dạng vùng sọ-mặt, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh bao gồm cả tàn phế về tâm thần.
3. Tổn thương đường tiêu hóa
Sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên dẫn đến tình trạng thiếu oxy của gan, phải tiếp xúc với các sản phẩm độc hại phát sinh trong quá trình chuyển hóa cồn của cơ thể. Chất cồn cũng có tác dụng làm tăng nồng độ lipopolysacharide là chất khi kết hợp với các hợp chất độc hại nêu trên gây tổn thương gan dẫn tới xơ gan. Cồn cũng làm trầm trọng thêm các tổn thương do vi rút viêm gan C gây ra. Sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên là nguyên nhân của các tổn thương ở tụy (viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính).
4. Gây ung thư ở người
Đồ uống có cồn và ethanol chứa trong đó được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư do đã có đầy đủ bằng chứng về khả năng gây ung thư của đồ uống có cồn trên người: gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Mối liên hệ này là tuyến tính, có nghĩa là lượng uống càng tăng thì nguy cơ gây ung thư càng lớn.
5. Gây tổn thương hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hệ quả có hại của việc sử dụng đồ uống có cồn cấp tính hoặc mạn tính tới hệ miễn dịch. Người nghiện đồ uống có cồn thường bị suy giảm miễn dịch và có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm phổi, lao, HIV) cao hơn.
6. Bệnh tim mạch
Tác động của đồ uống có cồn đối với nhóm bệnh này bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực. Có một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng đồ uống có cồn ở mức thấp (hai ngày một đơn vị cồn) có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Tuy nhiên sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ nặng lại liên quan với tăng nguy cơ bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim), làm trầm trọng bệnh tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ. Ở những quốc gia mà bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, gánh nặng bệnh tật (tính bằng số năm sống khoẻ mạnh mất đi) do đồ uống có cồn vượt qua những lợi ích của việc sử dụng đồ uống có cồn ở liều thấp mang lại.
7. Chấn thương có chủ định và không có chủ định
Sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ nặng làm tăng nguy cơ tự tử và bạo lực. Nguy cơ các chấn thương không chủ định (do tai nạn) cũng gia tăng cấp số nhân theo mức gia tăng của lượng đồ uống có cồn tiêu thụ.
D.Hải
(Theo Tổ chức HealthBridage Canada)