Theo nghiên cứu đăng tải trên Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cho biết uống trà được coi là thói quen tăng cường sức khỏe từ thời cổ đại. Nghiên cứu y học hiện đại đã và đang cung cấp cơ sở khoa học về tác dụng của trà. Bằng chứng ủng hộ lợi ích sức khỏe của việc uống trà ngày càng mạnh mẽ hơn với mỗi nghiên cứu mới được công bố trên các tài liệu khoa học.
1. Lợi ích sức khỏe của trà
Các chất dinh dưỡng và khoáng chất có trong trà có thể góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể. Mặc dù uống trà không phải là giải pháp hoặc phương pháp chữa trị cho bất kỳ tình trạng sức khỏe nào nhưng mọi người có thể dễ dàng kết hợp trà vào chế độ ăn uống lành mạnh.
Giảm cholesterol
Trà đen chứa theaflavins và thearubigins (chất chống oxy hóa), có lợi cho sức khỏe của cơ thể. Một nghiên cứu cho thấy chúng giúp làm giảm tình trạng tăng cholesterol máu (cholesterol cao) khi được tiêu thụ trong chế độ ăn uống.
Giảm nguy cơ tăng đường huyết
Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng theaflavin và thearubigin trong trà đen cũng góp phần làm giảm nguy cơ tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao.
Giảm nguy cơ ung thư
Trà xanh và trà đen chứa polyphenol quan trọng, là các vi chất dinh dưỡng có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật. Các polyphenol có trong các loại trà này liên quan đến việc điều chỉnh lành mạnh sự phát triển và tồn tại của tế bào ung thư dẫn đến nguy cơ mắc ung thư thấp hơn.
Chất lượng giấc ngủ tốt hơn và giảm nguy cơ trầm cảm
Một số loại trà, bao gồm cả trà hoa cúc, được dùng để giúp mọi người thư giãn vào cuối ngày giúp ngủ ngon hơn và thư giãn. Nghiên cứu cho thấy trà hoa cúc giúp phụ nữ sau sinh ngủ ngon hơn và giảm bớt chứng trầm cảm.
Tập trung và tỉnh táo hơn
Cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu chính xác tác động của caffeine lên chức năng nhận thức. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ caffeine có trong một số loại trà, với liều lượng thấp và thường xuyên, có thể giúp tập trung và tỉnh táo hơn.
2. Uống quá nhiều trà có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Một số loại trà có hàm lượng caffeine cao như trà đen và trà xanh nên có một số điểm cần lưu ý khi uống trà vì tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gặp các triệu chứng như nhịp tim nhanh hơn, run cơ, đau đầu, căng thẳng, lo lắng, mất ngủ.
Rối loạn giấc ngủ
Uống quá nhiều trà có thể cản trở giấc ngủ vì sự hiện diện của caffeine trong trà có ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ do caffeine can thiệp vào hormone melatonin, ảnh hưởng đến mô hình giấc ngủ.
Hấp thụ chất dinh dưỡng thấp
Tăng lượng caffeine thực sự có thể cản trở quá trình tiêu hóa và làm giảm sự hấp thụ dinh dưỡng. Trà có một thành phần gọi là tannin, cản trở sự hấp thụ sắt từ thực phẩm chúng ta ăn. Đây là lý do tại sao nên uống trà giữa các bữa ăn là tốt chứ không phải trong bữa ăn.
Tăng sự bồn chồn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống trà thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng và lo âu. Tác dụng làm dịu của trà chủ yếu là do các thành phần hoạt tính của nó, chẳng hạn như l-theanine, được phát hiện có tác dụng tăng hoạt động sóng alpha trong não, dẫn đến thư giãn.
Tuy nhiên, thói quen uống trà để giải tỏa căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng và lo lắng. Lý do là tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến bồn chồn. Cách tốt nhất để đối phó với các triệu chứng này là giảm lượng trà uống vào và thay thế trà thông thường bằng các loại trà tốt cho sức khỏe như trà hoa cúc, trà trắng hoặc trà xanh.
Ợ nóng và khó chịu
Sự hiện diện của caffeine trong trà làm trầm trọng thêm sự hình thành acid trong dạ dày dẫn đến ợ nóng, đầy hơi và khó chịu. Hơn nữa, nó cũng gây ra chứng trào ngược acid trong cơ thể khi uống quá nhiều.
Không tốt khi mang thai
Việc thường xuyên tiêu thụ quá nhiều trà có thể gây hại cho cả mẹ và bé. Việc tiêu thụ nhiều caffeine có thể làm tăng nguy cơ biến chứng. Do đó, thai phụ nên dùng trà không chứa caffeine hoặc trà thảo mộc trong thời kỳ mang thai.
Tuy uống lượng nhỏ thường an toàn nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ quá 300mg caffeine mỗi ngày. Phụ nữ nhạy cảm với caffeine nên giới hạn lượng caffeine tiêu thụ ở mức 100mg mỗi ngày.
Đau đầu
Thói quen uống trà khi căng thẳng có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau đầu. Việc uống quá nhiều trà hoặc bất kỳ nguồn caffeine nào cũng dẫn đến khó chịu và đau đầu. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi nhịn ăn gián đoạn.
Buồn nôn
Uống trà, đặc biệt là trà sữa có thể gây buồn nôn, nguyên nhân là do chất tannin có trong trà gây kích ứng mô tiêu hóa và dẫn đến đầy hơi, khó chịu, đau dạ dày.
3. Tham khảo hàm lượng caffeine trong trà
Uống trà vừa đủ mang lại lợi ích cho sức khỏe nhưng tiêu thụ quá nhiều lại có những ảnh hưởng không tốt. Tiêu thụ trà thảo mộc hoặc trà xanh ở mức độ vừa phải được coi là an toàn trong thời kỳ mang thai và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Điều quan trọng cần nhớ là tiêu thụ quá nhiều caffeine từ bất kỳ nguồn nào cũng có thể ảnh hưởng xấu đến một số người.
Tuy có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trà xanh và nguy cơ mắc một số loại bệnh thấp hơn nhưng nên tránh tiêu thụ quá nhiều trà, nhất là những loại có hàm lượng caffeine cao. Tham khảo hàm lượng caffeine trong một số loại trà khác nhau dưới đây để có lựa chọn tốt cho sức khỏe:
- Trà đen: 40–60mg caffeine mỗi cốc.
- Trà xanh: 25–40mg caffeine mỗi cốc.
- Trà ô long: 12–55mg caffeine mỗi cốc.
- Trà trắng: 6–60mg caffeine mỗi cốc.
- Trà thảo mộc (bao gồm cả trà chanh, trà hoa cúc và trà dâm bụt): 0–5mg caffeine mỗi cốc.
Mặc dù có nhiều lợi ích khi thêm trà vào chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày của chúng ta, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến nghị những người có sức khỏe bình thường cũng không nên uống quá 4 cốc mỗi ngày. Ngoài ra những người có tình trạng bệnh lý, phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc nên uống trà thế nào là phù hợp với cá nhân.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh giác 5 loại trà thảo dược có thể tương tác với thuốc điều trị.