Hà Nội

7 tác dụng phụ của gây tê tuỷ sống và cách khắc phục

18-10-2023 12:44 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Gây tê tủy sống là một thủ thuật được áp dụng nhiều trong phẫu thuật để giảm đau một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đau và những rắc rối sau mổ khiến người bệnh lo lắng. Vậy gây tê tủy sống có tác dụng phụ gì, cách khắc phục thế nào?

Gây tê tủy sống được chỉ định chủ yếu trong các phẫu thuật chi dưới từ vùng thắt lưng trở xuống trong đó có phẫu thuật tiêu hóa (ruột thừa, trĩ…), phẫu thuật tiết niệu (u bàng quang, u phì đại tuyến tiền liệt, ung thư dương vật), phẫu thuật sản phụ khoa (u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u âm đạo, âm hộ…) và sinh mổ.

Ưu điểm của gây tê tủy sống so với gây mê toàn thân

- Hạn chế được các biến chứng của gây mê: Hầu hết thuốc mê đều có tác động bất lợi lên hệ thống tim mạch và hô hấp. Đồng thời, đặt nội khí quản có thể dẫn đến nhiều tai biến, đặc biệt ở các bệnh nhân có bệnh lý nền về hô hấp trước đó, việc đặt và rút nội khí quản có thể thúc đẩy cơn co thắt phế quản.

- Người bệnh luôn tỉnh táo: Tạo thuận lợi cho việc theo dõi tình trạng người bệnh trong phẫu thuật, người bệnh có thể than phiền về các bất thường của cơ thể trong quá trình phẫu thuật, giúp nhân viên y tế có thể xử trí kịp thời.

- Giảm đau: So với gây mê, tác dụng giảm đau của gây tê tủy sống có thể kéo dài thêm nhiều giờ sau phẫu thuật, giúp cho bệnh nhân cảm thấy dễ chiu ngay sau phẫu thuật.

Gây tê tủy sống có tác dụng phụ gì, khắc phục thế nào? - Ảnh 1.

Trước, trong và sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân luôn được theo dõi sát các chỉ số huyết áp, tần số nhịp tim, độ bão hòa oxy trong máu... để phát hiện và xử trí kịp thời các biểu hiện bất lợi của bệnh nhân.

Tác dụng phụ khi gây tê tủy sống có thể gặp phải

Gây tê tủy sống là một phương pháp vô cảm có nhiều ưu điểm và đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Tuy gây tê tủy sống có nhiều biến chứng và tác dụng phụ nhưng hầu hết đều có thể điều trị được nếu phát hiện và xử trí kịp thời.

Dưới đây là những tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải:

- Buồn nôn, nôn ói

Ngay sau khi thuốc tê được tiêm vào cột sống, bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, thậm chí là nôn mửa. Đây là phản ứng khá phổ biến nhưng sẽ nhanh chóng biến mất khi thuốc tê hết tác dụng, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bệnh nhân.

- Đau nhức đầu

Nguyên nhân đau đầu là do dịch não tủy rò rỉ qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, tăng áp lực não tủy, khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức đầu. Đặc biệt là vùng xung quanh trán, sau mắt hoặc đáy hộp sọ.

Nhiều bệnh nhân còn đau xuống vùng cổ. Những cơn đau có thể kéo dài hoặc đau từng cơn, đau nhói. Tác dụng phụ này thường xuất hiện vài ngày sau gây tê và sẽ biến mất sau khoảng vài ngày.

- Biểu hiện run

Run sau gây tê tủy sống là một phản ứng rất thường gặp. Ngoài ra nhiệt độ ở phòng mổ luôn thấp hơn thân nhiệt của bệnh nhân rất nhiều nhằm để phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ, do đó khiến bệnh nhân càng bị mất nhiệt hơn. Tuy nhiên run này là lành tính và sẽ biến mất hoàn toàn sau vài giờ.

- Biểu hiện ngứa

Thuốc gây tê có thể khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu do tác dụng của thuốc giảm đau được thêm vào trong thuốc tê. Tình trạng ngứa sẽ giảm dần và hết sau khoảng 1-2 ngày. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân ngứa nghiêm trọng và kéo dài.

- Suy hô hấp và tuần hoàn nhẹ

Nếu thuốc gây tê di chuyển cao hơn trong tủy sống so với dự định thì bệnh nhân có thể bị phong bế cột sống. Trường hợp này thường xảy ra với các bệnh nhân béo phì, lùn, có tiền sử dị ứng thuốc gây mê, gây tê.

Khi bị tác dụng phụ này, bệnh nhân sẽ có biểu hiện khó thở, tê cánh tay, cử động cánh tay, vai và thân yếu. Kèm với đó là cảm giác buồn nôn, nôn mửa. Nếu được xử trí kịp thời để điều chỉnh nhịp tim và huyết áp thì tình trạng này cũng sẽ ổn định và không đáng lo ngại.

Gây tê tủy sống có tác dụng phụ gì, khắc phục thế nào? - Ảnh 2.

Vị trí tiêm thuốc gây tê tủy sống.

- Có thể nhiễm trùng

Bất cứ hành động nào đưa vật thể bên ngoài vào cơ thể và phá vỡ hàng rào da bao bọc đều có nguy cơ gây ra nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiễm trùng do gây tê tủy sống hiện nay rất hiếm gặp, nhờ vào sự tuân thủ vô trùng rất cao ở phòng mổ.

- Đau lưng

Trước đây có nhiều quan niệm rằng gây tê tủy sống sẽ làm xuất hiện hoặc nặng nề thêm tình trạng đau lưng. Nhưng các nghiên cứu trên thế giới gần đây đã làm sáng tỏ điều này cho gây tê tủy sống. Theo các nghiên cứu, kim sử dụng trong gây tê tủy sống càng lúc càng có đường kính rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu quá trình gây tê tủy sống có làm tổn thương dây chằng ở thắt lưng thì vẫn có khả năng gây ra đau lưng cho bệnh nhân, mặc dù điều này khá ít gặp.

Tùy từng người mà có thể đau nhẹ, đau âm ỉ, cũng có người đau dữ dội, cơn đau kéo dài, liên tục. Bởi vậy, bệnh nhân cần hợp tác tốt với hướng dẫn của bác sĩ gây mê và không di chuyển, cử động trong quá trình gây tê tủy sống.

Ngoài các tác dụng phụ kể trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải một vài triệu chứng khác như: tê bì chân tay, bí tiểu...

Hạn chế tác dụng phụ của gây tê tủy sống

Trong quá trình gây tê tủy sống, nếu cảm thấy khó chịu hay đau ở bất cứ đâu nên nói ngay với bác sĩ để được kiểm tra các thiết bị, ống truyền thuốc hoặc các vấn đề khác liên quan đến thuốc tê.

Để hạn chế việc rò rỉ dịch não tủy, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ thì khi bác sĩ tiêm tê tủy sống, bệnh nhân phải hợp tác tốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân nên nằm yên, không dịch chuyển, có thể làm lệch mũi tiêm.

Sau khi phẫu thuật với phương pháp gây tê tủy sống, bệnh nhân nên nghỉ ngơi trên giường trong một ngày đầu, tránh nhấc đầu khỏi giường và nên sớm tập vận động chân. Ngoài ra nên uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bồi bổ để hồi phục sức khỏe.

Khi thấy các dấu hiệu bất thường như: khó thở, đau hoặc sưng đỏ ở vị trí tiêm tê, nhức đầu dữ dội, yếu tay chân, tiêu tiểu khó thì nên đến báo cho bác sĩ ngay lập tức; nếu đã xuất viện về nhà thì nên quay lại bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.

Hiện nay, gây tê tủy sống đã trở thành phương pháp vô cảm phổ biến trên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây, việc phối hợp các thuốc giúp gây tê tủy sống mang lại hiệu quả giảm đau rất tốt cho người bệnh trong và sau mổ 24 giờ.

Không những thế, người bệnh có thể vận động và rời phòng theo dõi sau mổ sớm, thuận lợi cho người nhà chăm sóc. Qua đó giúp tâm lý người bệnh thoải mái, ổn định và nhanh hồi phục hơn, hạn chế sử dụng các thuốc đường toàn thân và các tác dụng phụ của thuốc.

Tiến bộ về giảm đau sau mổ và gây têTiến bộ về giảm đau sau mổ và gây tê

SKĐS - Mỗi cuộc phẫu thuật dù lớn hay nhỏ đều phải có kíp gây mê hồi sức. Nhiệm vụ của bác sĩ gây mê hồi sức là làm cho người bệnh không đau và duy trì an toàn các chức năng sống của cơ thể trong và sau cuộc phẫu thuật.


ThS. BS. Nguyễn Thị Dung
Ý kiến của bạn