7 tác động từ lão hóa dân số đến thế giới hiện đại

23-03-2016 16:26 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khác với bùng nổ dân số, lão hóa dân số nhanh thực sự trở thành mối lo ngại cho nhiều quốc gia, như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Canada và Australia... với số dân trên 65 tuổi ngày một đông, phát sinh cả tích cực lẫn bất lợi, như một số tác động dưới đây vừa được tạp chí TopTen của Mỹ cập nhật trong số đầu năm 2016 vừa qua.

1. Tạo ra thế giới ôn hòa

Một trong những lợi thế của hiện tượng dân số già đáng kinh ngạc là làm cho mọi người trên hành tinh trở nên ôn hòa hơn, hòa bình hơn. Đơn giản, khi về già con người kiềm chế, ít có những hành động thái quá, bạo lực, chính trị sẽ ổn định hơn, ít xảy ra những cuộc cách mạng chính trị và hành động khủng bố. Ngoài ra, nhiều chính phủ bắt đầu ưu tiên nhiều hơn đến nhóm người cao niên, dành nhiều chi phí cho lương hưu, chăm sóc người cao tuổi hơn là chi cho quốc phòng, nhất là ở các quốc gia ổn định chính trị, an ninh bền vững. Ngoài ra, do thiếu lao động trẻ nên việc tăng cường cho quân đội cũng không cần thiết. Tất cả những điều này sẽ tạo ra một thế giới yên bình hơn.

Tạo ra thế giới ôn hòa

2. Euthanasia

Một vấn đề đạo đức lớn các nước phải đối phó khi dân số lão hóa nhanh, đó là cái chết êm dịu hay an tử. Nếu một ai đó mắc bệnh nan y, đau đớn trong trong nhiều năm muốn chấm dứt cuộc đời để khỏi phải chịu những cơn đau hành hạ thì Euthanasia được xem là giải pháp tình thế được dư luận quan tâm. Euthanasia có thể hiểu là chết êm dịu tự nguyện. Vấn đề này đặt ra hai câu hỏi: một là đạo đức và hai: pháp lý. Tại một số quốc gia như Canada, những người đàn ông cao tuổi có tỉ lệ tự tử cao hơn so với dân số chung của cả nước, tượng tự, ở Mỹ tỉ lệ này cũng rất đáng ngại. Có rất nhiều lý do, nhiều người cảm thấy những năm tháng ở phía sau đáng sợ, do bệnh tật nên họ tìm cách quyên sinh, đôi khi lại theo những cách khủng khiếp. Euthanasia sẽ là giải pháp tình thế ít gây đau, tốt hơn so với giải pháp tự sát.

Euthanasia

Quốc gia đi đầu cho phép những người có bệnh nan y áp dụng Euthanasia là Bỉ sau vụ một cặp song sinh bị điếc và mù đã chọn Euthanasia để ra đi êm thấm hồi năm 2013. Với cách áp dụng này của Bỉ, nhiều quốc gia khác cũng đang muốn học  Bỉ để áp dụng đạo luật này.

3. Gia tăng di cư

Trong khi tỉ lệ sinh đẻ ở các nước đang phát triển đang tăng mạnh, như: châu Phi, châu Á (trừ Nhật Bản và Trung Quốc), châu Mỹ Latin và Caribbê thì ở các nước phát triển tỉ lệ này lại giảm. Trong bối cảnh này trái ngược, đã xuất hiện những làn sóng di cư mới nhằm cân bằng nhân khẩu chung trên quy mô toàn cầu.   Nhập cư cũng là điều cần thiết để cứu vãn nền kinh tế cho cả các nước đã phát triển lẫn đang phát triển nên rất nhiều chính phủ chấp nhận. Trong thực tế, những người nhập cư là động lực không nhỏ giúp cho nền kinh tế sở tại phát triển như Mỹ chẳng hạn. Dân số lão hóa là một trong những nguyên nhân gián tiếp làm tăng di cư. Xu hướng ủng hộ việc nhập cư hiện đang tranh cãi tại nhiều nơi. Người di cư muốn đến các nước đã phát triển để tìm việc làm, còn các nước đang phát triển lại thiếu nhân lực, sự cân bằng này âu cũng là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề dư luận lo ngại chính là an ninh, đặc biệt là tình trạng khủng bố ngày càng phát triển táo tợn và bức xúc.

4. Buộc chính phủ phải tăng thuế

Với việc gia tăng người cao niên, chính phủ phải có thêm chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe hưu trí. Vì vậy, để có tiền, chính phủ phải tăng thuế. Ví dụ, Quốc hội Mỹ hiện đang rất đau đầu về vấn đề tăng thuế để chăm lo cho nhóm dân số cao niên ngày càng tăng. Cho dù tranh luận gay gắt thì việc tăng thuế cuối cùng đã được xem là bài toán “không giải không được” một khi dân số bị lão hóa. Ví dụ: Nhật Bản chẳng hạn, quốc gia có dân số lão hóa cao nhất thế giới, 25% dân số thuộc diện cao niên nên năm 2014, Nhật Bản đã phải tăng thuế doanh thu từ 5% đến 8%. Điều này đồng nghĩa, chi phí hàng hóa tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ tăng theo tỉ lệ lão hóa dân số.

5. Nguy cơ vỡ quỹ lương hưu

Những năm đầu của thế kỷ 20, khi lập kế hoạch lương hưu người ta cóp tính đến yếu tố tuổi thọ của con người, nhưng thời điểm này tuổi thọ thường ngắn, không dài như hiện nay. Vì vậy một số quốc gia đã bị “cháy” quỹ lương hưu. Theo dự toán, đến năm 2033 lương hưu tại Mỹ sẽ bị cạn kiệt, thanh toán buộc phải cắt giảm, trong khi đó chi phí cho các khoản chăm sóc y tế lại tăng. Vì lý do này, các nước có tốc độ dân số lão hóa nhanh cần phải có những giải pháp ngay từ bây giờ để tránh lặp lại những bài học các nước phát triển đã từng vấp phải.

6. Xuất hiện nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao niên

Điều này không có gì là bất ngờ, bởi dân số càng già thì nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe  càng tăng. Chẳng hạn ở Canada, chăm sóc sức khỏe được tài trợ bởi chính phủ cho nhóm cao niên chiếm tới 45% “thị phần” chi phí chăm sóc sức khỏe chung, chưa kể mức độ tốn kém. Hoặc  tại Mỹ có tới 25% tất cả các dịch vụ chăm sóc y tế được chi vào cuối đời của một con người, nhất là sau 65 tuổi trở ra.

Người cao niên đã không phải là một gánh nặng lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, bởi đến nay, lão hóa của xã hội đã được “kìm chân”. Vì vậy để bắt kịp mức tăng trưởng dân số, những nước có mức độ lão hóa dân số nhanh cần đi trước đón đầu, đầu tư cho lĩnh vực y tế để thỏa mãn nhu cầu khi dân số già nhanh.

Lão hóa dân số không hẳn là ảm đạm bởi nó là quy luật và cũng có những lợi ích cố hữu. Ví dụ như ở Đức, các nhà khoa học phát hiện thấy nhiều điều thú vị, người dân đầu tư ngày càng nhiều hơn cho y tế, tạo thêm công ăn việc làm. Con cháu được thừa kế tốt hơn cho cuộc sống tương lai, vì vậy không phải tất cả những tác động của lão hóa dân số đều là màu xám tiêu cực.

7. Tai nạn giao thông gia tăng

Khi tham gia giao thông, đặc biệt là điều khiển các phương tiên cơ giới, như xe máy, ôtô, người cao niên ít khi đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Theo Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), tỉ lệ  gây tai nạn giao thông ở nhóm cao niên ngày càng tăng, trung bình, 15 người cao niên bị tử vong và 500 người  khác bị thương hàng ngày do tai nạn xe hơi ở Mỹ, như: tử vong do va chạm, gãy xương, chấn thương sọ não và nhiều sự cố nan y khác.

Trong thực tế, đây là vấn đề đang được các hãng sản xuất ôtô quan tâm tìm cách để cho ra đời những phương tiện giao thông an toàn hơn cho nhóm người cao niên. Ví dụ, hãng Toyota, của Nhật đang có kế hoạch phát triển một hệ thống xe có khả năng giao tiếp với nhau để tránh tai nạn hoặc xe tự lái của Google. Cả Toyota lẫn Google hy vọng các tiến bộ này sẽ cho phép người cao niên duy trì sự độc lập khi tham gia giao thông với mức độ an toàn cao nhất.


KHẮC HÙNG
Ý kiến của bạn