7 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc chống trầm cảm

22-05-2025 06:00 | Thông tin dược học

SKĐS – Khi dùng thuốc chống trầm cảm, cần phải dùng thuốc theo chỉ dẫn ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe hơn. Một số sai lầm trong quá trình dùng thuốc khiến việc điều trị thất bại, làm nặng thêm các triệu chứng của trầm cảm…

Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà người bệnh thường mắc phải khi dùng thuốc chống trầm cảm và cách tránh chúng:

1. Đột ngột dừng thuốc chống trầm cảm khi cảm thấy khỏe hơn

Sau khoảng hai tháng dùng thuốc chống trầm cảm, một số người có thể thấy tâm trạng của họ được cải thiện. Một số triệu chứng trầm cảm thậm chí còn thuyên giảm… nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên ngừng dùng thuốc, đặc biệt là khi chưa có ý kiến từ bác sĩ. Nhìn chung, nên dùng thuốc chống trầm cảm trong ít nhất sáu tháng đến 1 năm để ngăn ngừa tái phát (triệu chứng trầm trọng hơn hoặc quay trở lại thành trầm cảm).

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm, một số người có thể cần dùng thuốc chống trầm cảm vô thời hạn để kiểm soát các triệu chứng. Việc ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột có thể khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng cai thuốc, đặc biệt là trong trường hợp đã dùng thuốc hơn một tháng. Các triệu chứng cai thuốc có thể bao gồm lo lắng, chóng mặt, các triệu chứng giống cúm, đau đầu, mất ngủ, buồn nôn và mệt mỏi, cùng nhiều triệu chứng khác.

Người bệnh nên làm: Tiếp tục dùng thuốc theo liều lượng được kê đơn. Trường hợp muốn ngừng dùng thuốc chống trầm cảm hoàn toàn, hãy trao đổi với bác sĩ. Họ sẽ chỉ cho bạn cách ngừng dùng thuốc an toàn theo thời gian bằng cách giảm dần liều thuốc.

7 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc chống trầm cảm- Ảnh 1.

Một số sai lầm trong quá trình dùng thuốc khiến việc điều trị thất bại, làm nặng thêm các triệu chứng của trầm cảm…

2. Không thông báo khi gặp tác dụng phụ với bác sĩ

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc chống trầm cảm bao gồm:

  • Khô miệng
  • Buồn nôn
  • Táo bón
  • Mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Bồn chồn hoặc lo lắng
  • Tăng cân, thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ hết sau vài tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc. Nhiều tác dụng phụ ban đầu cũng biến mất khi tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, tác dụng phụ có thể vẫn tồn tại.

Nghiên cứu cho thấy các tác dụng phụ khó chịu có thể khiến những người bị trầm cảm khó tuân thủ chế độ dùng thuốc. Việc bỏ liều hoặc ngừng thuốc đột ngột sẽ gây ra hậu quả, bao gồm làm thuốc chống trầm cảm kém hiệu quả hơn hoặc gây ra các triệu chứng cai thuốc.

Người bệnh nên làm: Thay vì bỏ liều hoặc ngừng thuốc, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang gặp tác dụng phụ của thuốc. Nếu tác dụng phụ không hết trong vòng vài tuần, bác sĩ có thể lựa chọn giảm liều thuốc hoặc chuyển sang loại thuốc khác có thể hiệu quả hơn với bạn.

3. Lạm dụng rượu hoặc ma túy khi đang dùng thuốc chống trầm cảm

Lạm dụng ma túy hoặc rượu có khả năng gây ra vấn đề cho chứng trầm cảm mà còn không an toàn cho những người dùng thuốc chống trầm cảm.

Uống rượu trong khi dùng thuốc chống trầm cảm có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn ngủ, kém tỉnh táo và mất phối hợp. Sử dụng các loại thuốc như cần sa, cocaine, amphetamine, heroin hoặc ketamine giải trí trong khi dùng thuốc chống trầm cảm có thể khiến các triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, dùng các loại thuốc như methylenedioxymethamphetamine (MDMA, hay thuốc lắc) cùng với một số thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) có thể làm tăng nguy cơ mắc một tác dụng phụ hiếm gặp, nhưng đe dọa đến tính mạng được gọi là hội chứng serotonin.

Người bệnh nên làm: Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang lạm dụng rượu hoặc ma túy. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm cách ngừng những thói quen này.

4. Không thông báo các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung khác mà bạn đang dùng

Không cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc theo toa, không kê đơn hoặc thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng có thể gây ra vấn đề cho bạn. Thuốc chống trầm cảm có thể tương tác tiêu cực với nhiều loại thuốc và thực phẩm bổ sung khác nhau, chẳng hạn như ibuprofen và St. John's wort, có thể khiến bạn bị bệnh nặng hơn.

Người bệnh nên làm: Trước khi nhận đơn thuốc chống trầm cảm, điều rất quan trọng là bạn phải nói với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc và thực phẩm bổ sung nào mà bạn đang sử dụng. Bên cạnh đó, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung mới nào, hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo không có bất kỳ tương tác thuốc tiềm ẩn nào.

7 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc chống trầm cảm- Ảnh 2.

Thuốc chống trầm cảm có thể tương tác tiêu cực với nhiều loại thuốc và thực phẩm bổ sung khác nhau.

5. Không nói với bác sĩ về các tình trạng sức khỏe khác mà bạn mắc phải

Một số thuốc chống trầm cảm có thể gây ra vấn đề cho những người mắc một số bệnh lý về sức khỏe tâm thần hoặc thể chất. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm cần được kê đơn cẩn thận (nếu có) cho những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực vì chúng có thể gây ra cơn hưng cảm ở một số người.

Người bệnh nên làm: Nếu bạn có các tình trạng sức khỏe khác mà bác sĩ kê đơn không biết, hãy chắc chắn cho họ biết. Khi cung cấp càng nhiều thông tin cho bác sĩ thì họ càng có thể giúp bạn tốt hơn, tránh được các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

6. Chỉ dựa vào thuốc chống trầm cảm để kiểm soát các triệu chứng trầm cảm

Mặc dù thuốc chống trầm cảm có thể rất hữu ích trong việc kiểm soát chứng trầm cảm, nhưng chúng không nên là công cụ duy nhất của bạn để kiểm soát tình trạng sức khỏe tâm thần này. Thuốc có hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với nhiều biện pháp can thiệp để giải quyết một đợt trầm cảm.

Người bệnh nên làm: Một phương pháp điều trị bao gồm cả thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý - hay còn gọi là "liệu pháp trò chuyện" sẽ mang lại hiệu quả hơn so với việc sử dụng riêng từng phương pháp này. Đối với người có ý định bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm, có thể cân nhắc bắt đầu liệu pháp tâm lý với một chuyên gia sức khỏe tâm thần trước đó.

Việc thay đổi lối sống hỗ trợ cải thiện tâm trạng là một thành phần quan trọng khác trong việc kiểm soát chứng trầm cảm. Điều này có thể bao gồm các chiến lược như cung cấp cho cơ thể bạn các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các loại hạt hoặc thử tập thể dục ít nhất 30 phút, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe… từ 3-5 ngày một tuần.

7. Không nói với bác sĩ nếu thuốc chống trầm cảm không có tác dụng

Nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm theo chỉ dẫn nhưng không thấy cải thiện triệu chứng, điều này không có nghĩa là bạn đang làm sai. Một số thuốc chống trầm cảm có tác dụng với người này tốt hơn những người khác, mà người bệnh cần phải thử nghiệm để tìm ra phương án điều trị nào hiệu quả nhất với bạn.

Trong trường hợp người bệnh đã thử nhiều loại thuốc chống trầm cảm nhưng không có tác dụng nhiều, có thể bạn đã bị trầm cảm kháng trị (TRD). Những người bị TRD có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ các lựa chọn dựa trên bằng chứng khác như liệu pháp tâm lý, kích thích từ xuyên sọ lặp đi lặp lại, liệu pháp sốc điện hoặc kích thích dây thần kinh phế vị.

Người bệnh nên làm: Nếu thuốc chống trầm cảm dường như không có tác dụng với bạn, hãy cho bác sĩ biết. Bác sĩ có thể giúp người bệnh tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho bạn.

Đối với người bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm, có thể mất một thời gian để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất. Tuy nhiên, có một số sai lầm phổ biến mà người bệnh nên tránh như không được ngừng dùng thuốc đột ngột (vì điều này có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc) mà cần phải trao đổi với bác sĩ trước; cung cấp trung thực về bất kỳ tác dụng phụ, tình trạng bệnh lý và các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng.

Ngoài ra, hãy chắc chắn người bệnh không lạm dụng rượu hoặc ma túy giải trí trong khi dùng thuốc chống trầm cảm. Cuối cùng, đừng chỉ dựa vào thuốc chống trầm cảm, hãy trao đổi với với bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học vì liệu pháp trò chuyện kết hợp với thuốc chống trầm cảm là cách hiệu quả nhất để điều trị chứng trầm cảm.

Rối loạn lo âu và trầm cảm – kẻ thù thầm lặng của cuộc sống hiện đạiRối loạn lo âu và trầm cảm – kẻ thù thầm lặng của cuộc sống hiện đại

Trong nhịp sống hiện đại đầy áp lực, có những "kẻ thù vô hình" đang lặng lẽ gặm nhấm sức khỏe tinh thần của hàng triệu người – đó chính là rối loạn lo âu và trầm cảm.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Nguyên nhân nào khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở giới trẻ? | SKĐS

DS. Nguyễn Phương Thu
Ý kiến của bạn