7 rủi ro khi dùng thực phẩm chức năng phụ nữ cần biết

01-05-2015 09:48 | Dược
google news

SKĐS - Dùng thực phẩm chức năng không hoàn toàn an toàn như bạn tưởng. Thay vào đó, bạn nên bổ sung các vi chất từ thực phẩm tự nhiên sẽ không để lại tác dụng phụ.

Thực phẩm chức năng là tên gọi trở nên quá phổ biến trong xã hội hiện nay. Từ những loài thực phẩm đơn giản ban đầu đến những loại sản xuất đa dạng, phong phú đều được người dân sử dụng đông đảo. Nó có tác dụng hỗ trợ chức năng một số bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, thậm chí tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật. Nhưng liệu điều đó có đúng như những gì chúng ta biết.

An toàn hay rủi ro khi dùng thực phẩm chức năng? Chúng tôi sẽ cung cấp cho độc giả những điều hạn chế khi sử dụng thực phẩm chức năng trước khi quyết định dùng một loại nào đó.

1. Vitamin D: Dùng quá nhiều gây hại thận

Ai cũng biết chức năng quan trọng của vitamin D đối với sự chắc khỏe của xương. Vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ canxi trong cơ thể. Bổ sung vitamin D trở nên rất phổ biến và bằng nhiều phương thức từ uống thuốc, sử dụng các thực phẩm từ sữa, ăn những loại hoa quả giàu vitamin D,...đều có tác dụng lớn trong việc bảo vệ xương và ngăn ngừa những căn bệnh về xương. Nhưng nhiều trường hợp, phụ nữ sau tuổi mãn kinh vẫn giữ được sức khỏe thì cũng không thực sự cần thiết phải bổ sung chúng.

Bác sỹ Y khoa JoAnn Manson, Giám đốc Bộ phận Y tế dự phòng tại Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital bang Boston cho biết: “ Xu hướng sử dụng nhiều thực phẩm chức năng vitamin D càng ngày tăng rõ rệt. Nhiều hơn chưa hẳn sẽ tốt cho sức khỏe”. Trong một báo cáo được xuất bản trên tạo chí Annals of Internal Medicine của một nhóm nghiên cứu Hoa Kỳ - The US Preventive Service Task Force cho biết, từ những kết quả thông qua các cuộc thử nghiệm với phụ nữ có sức khỏe tốt cho dù dùng liều thấp bổ sung vitamin D cũng chưa chắc cần thiết để ngăn chặn loãng xương.

Nên bổ sung vitamin D từ thực phẩm tự nhiên thay vì dùng thực phẩm chức năng chứa vitamin D

Nên bổ sung vitamin D từ thực phẩm tự nhiên thay vì dùng thực phẩm chức năng chứa vitamin D

Tùy vào cơ thể của mỗi người mà vitamin D có tác dụng, đặc biệt với phụ nữ trên 65 tuổi bị thiếu vitamin D, có tiền sử bị bệnh loãng xương, chấn thương mô xương. Những trường hợp đó đều phải được bổ sung vitamin D theo quy định của các bác sỹ.

Nguy cơ sử dụng quá liều vitamin D mang lại rất nhiều tác hại. Đối với người khỏe mạnh, nồng độ vitamin D có trong máu cao hơn 100 nanogrram trên ml, có thể gây ra sự dư thừa canxi, dẫn đến bệnh sỏi thận. Một báo cáo khác cũng cho kết quả với 17% phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ sỏi thận khi bổ sung canxi hàng ngày và uống vitamin D so với những người chỉ dùng thực phẩm thức ăn chứa canxi.

Viện Y khoa Hoa Kỳ khuyên bổ sung vitamin D có độ tuổi từ 1-70 là 600 IU/ ngày (IU đơn vị chuẩn quốc tế), 800 IU cho 81 tuổi trở lên, bao gồm cả những loại cá hồi, cá ngừ, sữa, nấm, ngũ cốc trong chế độ ăn.

2. Canxi: Dư thừa trong động mạch

Canxi là cội nguồn cho sức khỏe của xương và trái tim, nhưng bổ sung quá liều thì không phải đã tốt. Bác sỹ Y khoa Denise Millstine - Giám đốc tại Mayo Clinic ở Scottsdale bang Arizona, Mỹ khuyến khích: “ Bổ sung canxi từ chế độ ăn uống thì tốt hơn nhiều”.

Từ rất nhiều kết quả ở các cuộc thí nghiệm, canxi được hấp thụ nhiều hơn khi sử dụng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Viên Y tế Quốc Gia cung cấp thông tin cần thiết để bổ sung canxi: 1000 mg/ngày với phụ nữ 19-50 tuổi, 1.200 mg/ngày cho phụ nữ 51 tuổi trở lên. Sữa chua chứa khoảng 207 mg canxi trong 112 gr sữa, bằng 1/5 khuyến cáo bổ sung canxi hàng ngày. Bên cạnh đó, nguồn canxi tốt nhất có sữa, pho mát, ngũ cốc, nước và trái cây.

Việc hạ canxi máu hoặc tăng canxi máu sẽ được phát hiện thông qua các xét nghiệm và được điều trị cụ thể dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.

3. Vitamin tổng hợp: Không thể thay thế một chế độ ăn uống lành mạnh

Nhiều người có thói quen uống bổ sung vitamin vì nghĩ rằng chế độ ăn uống có rau xanhhoa quả không cung cấp lượng vitamin thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, quan niệm đó hoàn toàn sai lầm.

Vào tháng 10/2013, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học Archives of Internal Medicine cho biết, họ đã kiểm tra gần 40000 phụ nữ trong vòng 19 năm và những phụ nữ nào sử dụng vitamin tổng hợp có nguy cơ tử vong so với nhưng phụ nữ chỉ bổ sung vitamin thông qua chế độ ăn uống hợp lý. Vitamin tổng hợp có rất ít hoặc hầu như không có tác dụng chống lại bệnh ung thư, hay bệnh tim lẫn đột tử.

Nhưng cũng không thể nào phủ nhận hoàn toàn lợi ích mà vitamin tổng hợp mang lại. Một cuộc nghiên cứu mới đây nhất vào 1/2015 trên Tạp chí Dinh dưỡng, hơn 8000 đàn ông và phụ nữ trên 40 tuổi, phụ nữ thiếu hụt vitamin từ 3 năm trở lên có nguy cơ mắc bệnh tim, thì bổ sung vitamin tổng hợp vô cùng có lợi. Đối với phụ nữ trước khi sinh được khuyến khích dùng vitamin tổng hợp kèm Axit Folic để ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh. Trong nhiều trường hợp được chỉ định bởi bác sỹ, vitamin còn dùng với những người kém hấp thu vitamin và khoáng chất.

Điều chúng tôi muốn nói với bạn là những người có một cơ thể khỏe mạnh, không có bất cứ triệu chứng bệnh tật thì thực phẩm chức năng không thể thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

4. Bổ sung dầu cá: chọn dầu cá hay thay thế bằng dầu lanh

Giàu axit béo omega-3, dầu cá được “chào mời” như một phương thuốc giảm bệnh tim. Tuy nhiên những bằng chứng trong những năm gần đây đã phát hiện những nguy cơ khi sử dụng dầu cá để bảo vệ tim mạch.

Hạt lanh chứa omega-3 có thể sử dụng thay cho dầu cá

Hạt lanh chứa omega-3 có thể sử dụng thay cho dầu cá

5/2013, cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi Tạp chí Y tế New England với 6000 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch bổ sung 1000 mg omega-3 hàng ngày. Cuối cùng, những bệnh nhân đó cũng không giảm nguy cơ bệnh tim so với những người dùng giả dược. Các bác sỹ đều đồng nhất rằng cách hiệu quả để hấp thu omega-3 là từ thực phẩm. Theo Mayo Clinic, ăn cá giàu omega-3 cung cấp nhiều lợi ích hơn uống thực phẩm bổ sung. Theo như khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch American Heart Association (AHA) Dietary Guidelines, hai khẩu phần cá mỗi tuần trong chế độ ăn là thích hợp.

Đối với người bị bệnh tim, AHA chỉ định nên ăn 1gr omega-3 mỗi ngày. Nếu bạn có chỉ số mỡ trong máu triglyceride cao hơn mức quy định, AHA cũng khuyên nên sử dụng 2-4 grm theo các hình thức bác sỹ kê đơn. Những nguồn giàu omega-3 là hạt lanh, hạt óc chó, bơ.

5. Sử dụng dược thảo St. John’s Wort: Tương tác giữa các loại thuốc

St. John’s Wort có tác dụng đối với các triệu chứng trầm cảm trung bình, chống hội chứng tiền mãn kinh và các triệu chứng liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Nhưng theo một nghiên cứu của Viện Sức Khỏe Tâm thần năm 2011, các loại thuốc thảo dược cũng không hề tốt hơn những giả dược khi điều trị chứng trầm cảm nhẹ.

Việc sử dụng St. John’s Wort có thể làm ảnh hưởng đến rất nhiều tác dụng của các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, thuốc trợ tim,.. Trước khi quyết định sử dụng loại thuốc này bạn nên hỏi ý kiến của bác sỹ để tránh những tương tác thuốc không mong muốn.

6. Kava Kava: Tác dụng phụ hại gan

Kava Kava là một loại cây ở Tây Thái Bình Dương, có tên Tiếng Anh là pepper plant. Rễ của cây nghiền ra thành bột điều trị chứng mất ngủ, lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên theo nhận xét của Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ Y học, sản phẩm chức năng dán mác Kava kava có thể ảnh hưởng đến gan, thậm chí gây tử vong.

Cây Kava Kava

Trong 3/2002, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ đã ban hành cảnh báo về tác hại khi sử dụng Kava Kava. Loại Dược phẩm này tạo nên các cơn co thắt bất thường, tương tác đến một số loại thuốc như thuốc chống co giật, thuốc chống loạn thần và thuốc dùng cho bệnh Parkinson.

7. Thực phẩm bổ sung đậu nành: Cẩn thận với Estrogen

Đậu phụ, sữa đậu nành đều là nguồn tuyệt vời của protein, chất xơ, và nhiều khoáng chất có lợi khác. Nhiều phụ nữ cũng uống thực phẩm chức năng đậu nành (Soy supplement) để giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, mối lo ngại vè các chất bổ sung đậu nành cũng đang dấy lên sau nhiều kết quả của các cuộc nghiên cứu cho thấy chúng có thể gây ra bệnh ung thư vú do lượng estrogen trong đó. Chú ý của Hiệp Hội Ung thư Mỹ cho thấy những tranh luận giữa đậu nành và ung thư vú vẫn đang còn dang dở và phức tạp.

Nếu có bất cứ lo ngại nào về ung thư vú thì hãy cẩn thận với bột đạm đậu nành và bột đậu nành. Tốt hơn hết vẫn nên sử dụng thực phẩm chứa đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành,...

Cho dù những thực phẩm chức năng có đem lại tác dụng gì đi chăng nữa nhưng người sử dụng cũng nên có một liều lượng nhất định, hoặc hỏi qua ý kiến của bác sỹ. Tiến sỹ Manson cùng rất nhiều giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard cảnh bảo: “ Người mua hãy cẩn thận vì có nhiều sản phẩm chưa qua đánh giá nghiêm ngặt”. Vì thế, sử dụng thực phẩm chức năng nếu không tìm hiểu kỹ thì tiền mất tật mang.

Minh Trang (Theo Everyday Health)

 


Ý kiến của bạn