7 quan niệm sai lầm thường gặp về bệnh cơ xương khớp

03-11-2017 13:38 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC), các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong cho con người và các bệnh cơ xương khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho con người.

Tuy nhiên, các bệnh lý cơ xương khớp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và có nhiều quan niệm rất sai lầm.

Các bệnh cơ xương khớp là một nhóm bệnh thường gặp nhất trong mọi nhóm bệnh, ngày càng có xu hướng gia tăng cùng với sự gia tăng tuổi thọ của con người và sự phát triển xã hội. Đây là một nhóm bệnh đa dạng, gồm trên 200 bệnh khác nhau. Một số bệnh cơ xương khớp khởi đầu đơn giản, diễn biến chậm, ít ảnh hưởng tới sức khỏe chung nhưng nhiều bệnh có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh phức tạp, có diễn biến kéo dài, liên quan mật thiết với nhiều bệnh lý nội, ngoại khoa (tim mạch, nội tiết, miễn dịch, thận, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, chuyển hóa, chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, cột sống…). Tuy nhiên, các bệnh lý cơ xương khớp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và có nhiều quan niệm rất sai lầm. Sau đây là những sai lầm thường gặp:

Các bệnh cơ xương khớp được gọi là các bệnh viêm khớp

Sự thật là các bệnh viêm khớp chỉ là một nhóm bệnh quan trọng nhất của các bệnh lý cơ xương khớp nói chung. Có rất nhiều loại viêm khớp khác nhau, được chia thành các nhóm:

Thoái hóa khớp: thường gặp nhất, chiếm 35% các bệnh lý cơ xương khớp và 50% các bệnh viêm khớp, ảnh hưởng tới 10-15% dân số và 50% dân số cao tuổi (≥ 65 tuổi).

Viêm khớp dạng thấp: chiếm 5% các bệnh cơ xương khớp và 10% các bệnh viêm khớp nhưng là một bệnh viêm khớp tự miễn hệ thống, nặng nề nhất trong các bệnh viêm khớp với tình trạng rối loạn các đáp ứng miễn dịch của cơ thể và xảy ra trên những cơ địa đặc biệt (tuổi trung niên, giới nữ và hệ HLA DR4).

Viêm khớp ở trẻ em: Là một nhóm gồm nhiều loại viêm khớp do rối loạn đáp ứng miễn dịch ở trẻ dưới 16 tuổi.

Các bệnh viêm khớp cột sống còn gọi là viêm khớp trục: Là một nhóm bệnh hệ thống thường gặp ở nam giới, tuổi trẻ. Thường gặp nhất là viêm cột sống dính khớp. Các bệnh khác bao gồm: viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, viêm khớp liên quan đến viêm ruột…

Viêm khớp gout hay viêm khớp do tinh thể: Là bệnh viêm khớp do lắng đọng tinh thể monosodium urate tại khớp và ngoài khớp. Bệnh sẽ trở thành mạn tính, ngày càng nặng lên và ảnh hưởng tới hệ tim mạch, thận…

Viêm khớp nhiễm khuẩn: Là tình trạng nhiễm trùng (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng) tại khớp và phần mềm cạnh khớp, có thể lan rộng tới các phần khác của cơ thể qua đường máu.

Ngoài các bệnh lý viêm khớp, còn có nhiều nhóm bệnh lý cơ xương khớp khác: loãng xương và các rối loạn xương và sụn, các hội chứng đau vùng, các bệnh lý liên quan đến thần kinh và mạch máu tại chỗ và toàn thân, các bệnh lý tăng sinh, các bệnh lý và rối loạn ngoài khớp, bệnh khớp liên quan đến rối loạn chuyển hóa và nội tiết, các rối loạn giao cảm, phản xạ…

Nên khám bác sĩ chuyên khoa khớp ngay khi có dấu hiệu của bệnh.

Nên khám bác sĩ chuyên khoa khớp ngay khi có dấu hiệu của bệnh.

Triệu chứng của bệnh cơ xương khớp chỉ là đau và nhức ở khớp

Thật ra các triệu chứng của bệnh khớp có thể khó xác định và thường không chỉ là đau và nhức ở khớp. Các bệnh khớp còn làm cho thay đổi cấu trúc xương và khớp, biến dạng và lệch trục khớp, khó khăn trong các công việc và sinh hoạt, thậm chí làm cho người bệnh trở nên tàn phế.

Một số triệu chứng thường gặp của các bệnh cơ xương khớp gồm: au cơ hoặc khớp, yếu cơ; viêm, sưng, nóng, cứng khớp, dính khớp, biến dạng hay lệch trục khớp; Viêm, sưng mí mắt, ngứa mắt hoặc mờ mắt; Mệt mỏi, khó chịu, xanh xao; Sốt, ớn lạnh; Rụng tóc; Khô mắt và khô miệng; Đau ngực, nặng ngực; Co giật hoặc đột quỵ. Nếu có các triệu chứng này, phải cho là nghiêm trọng và phải sớm đi khám bệnh.

Chỉ cần điều trị khi các triệu chứng của bệnh trở nên nặng

Khi bắt đầu có các triệu chứng của bệnh cơ xương khớp, cần gặp ngay các bác sĩ. Những tuần hoặc tháng đầu tiên ngay sau khi các bệnh này khởi phát được gọi là “cửa sổ cơ hội” của điều trị. Điều trị sớm và tích cực, ngay trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội” có thể mang lại hiệu quả cao nhất, tăng khả năng lui bệnh, ngăn ngừa các tổn thương cấu trúc của khớp và các cơ quan khác, ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh, đây cũng là cách điều trị kinh tế nhất cho các căn bệnh trước đây được coi là “bất trị” này.

Bác sĩ nào cũng chữa được, không cần gặp bác sĩ chuyên khoa khớp

Các bác sĩ chuyên khoa khớp sẽ xác định chẩn đoán, quản lý và điều trị bệnh một cách toàn diện, theo dõi lâu dài để bảo đảm chất lượng sống cho người bệnh và giảm thiểu tối đa các biến chứng gây tàn phế của bệnh. Người bệnh đừng mất thời giờ vô ích vào các thuốc truyền miệng, các thuốc không rõ nguồn gốc, các thuốc không có chứng cứ khoa học… Việc điều trị chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở các chứng cứ khoa học.

Các bệnh cơ xương khớp chỉ gặp ở người cao tuổi

Mặc dù bệnh cơ xương khớp thường gặp hơn ở người cao tuổi, nhưng có tới 1/3 số bệnh nhân dưới 65 tuổi phải sống chung với các bệnh khớp. Nhiều bệnh khởi phát từ tuổi thanh niên và trung niên. Một số bệnh khớp còn ảnh hưởng tới trẻ em, có thể dẫn tới tàn phế, mù lòa và nhiều biến chứng khác, nếu không được phát hiện, chẩn đoán đúng và điều trị sớm.

Bệnh cơ xương khớp chỉ gặp ở phụ nữ

Bệnh khớp có thể gặp ở cả hai giới, tuy đa số các bệnh khớp thường gặp hơn ở giới nữ, nhưng cũng có một số bệnh lại gặp chủ yếu ở nam giới (bệnh gout, bệnh viêm cột sống dính khớp…).

Các bệnh cơ xương khớp có thể tự khỏi

Không may là đa số các bệnh cơ xương khớp đều có xu hướng trở thành mạn tính, nghĩa là không có giải pháp điều trị triệt để. Điều trị sớm và kéo dài có thể duy trì và cải thiện chức năng, giảm thiểu nguy cơ tàn phế và khả năng phải can thiệp bằng phẫu thuật. Đa số các điều trị liên quan tới các thuốc giảm đau, kháng viêm, tuy nhiên có một số bệnh đòi hỏi các thuốc đặc biệt (thuốc đặc trị, thuốc sinh học) mà các bác sĩ chuyên khoa khớp sẽ chỉ định và thảo luận với từng người bệnh. Vì chưa có thuốc nào chữa khỏi các bệnh cơ xương khớp nói chung nên việc điều trị an toàn và hiệu quả luôn là đòi hỏi trong suốt quá trình điều trị, kể cả khi chẩn đoán đã được xác định rõ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đã có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị làm thay đổi tiên lượng của nhiều bệnh lý viêm khớp nặng, người bệnh và cộng đồng cần có thêm kiến thức về nhóm bệnh này, tránh các sai lầm nêu trên, tuân thủ điều trị, hợp tác với các thầy thuốc để việc điều trị mang lại lợi ích cao nhất.


PGS.TS.BS. Lê Anh Thư (BV Chợ Rẫy, Hội Thấp khớp học Việt Nam)
Ý kiến của bạn