1. Chất dinh dưỡng có trong dứa
Dứa có hàm lượng calo thấp nhưng lại có chứa một lượng chất dinh dưỡng dồi dào. Trong khoảng 165 gam dứa có chứa:
- Lượng calo: 83
- Chất béo: 1,7 gam
- Chất đạm: 1 gam
- Carbs: 21,6 gam
- Chất xơ: 2,3 gam
- Vitamin C: 88% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Mangan: 109% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Vitamin B6: 11% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Đồng: 20% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Thiamine: 11% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Folate: 7% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Kali: 4% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Magiê: 5% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Niacin: 5% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Axit pantothenic: 7% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Riboflavin: 4% giá trị khuyến nghị hàng ngày
- Sắt: 3% giá trị khuyến nghị hàng ngày
2. Tác dụng của dứa
Dứa chứa chất chống oxy hóa
Dứa không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa - những phân tử giúp cơ thể bạn tránh khỏi stress oxy hóa. Stress oxy hóa gây ra bởi sự phong phú của các gốc tự do, làm tổn thương tế bào dẫn đến các chứng viêm mạn tính, sức khỏe miễn dịch suy yếu, bệnh tim, đái tháo đường và một số bệnh ung thư.
Dứa đặc biệt giàu chất chống oxy hóa được gọi là flavonoid và các hợp chất phenolic, có thể có tác dụng bảo vệ tim. Nhiều chất chống oxy hóa trong dứa được coi là chất chống oxy hóa liên kết, có nghĩa là chúng tạo ra tác dụng lâu dài hơn chất chống oxy hóa thông thường.
Dứa hỗ trợ tiêu hóa
Dứa chứa một nhóm các enzym tiêu hóa gọi là bromelain có thể giúp dễ tiêu hóa thịt. Bromelain có chức năng như một protease, giúp phá vỡ các phân tử protein thành các phân tử nhỏ hơn như axit amin và peptit nhỏ.
Khi các phân tử protein bị phá vỡ, ruột non có thể dễ dàng hấp thụ chúng hơn. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người bị suy tuyến tụy và không thể tạo ra đủ các enzym tiêu hóa.
Hơn nữa, dứa là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa.
Dứa giúp tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm
Dứa đã được sử dụng trong y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Chúng chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các enzym như bromelain có thể cải thiện chung khả năng miễn dịch và giảm viêm, do đó hỗ trợ sức khỏe miễn dịch của cơ thể.
Hơn nữa, các nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng các chất bổ sung bromelain, khi dùng một mình hoặc kết hợp với các hợp chất khác, có thể giúp giảm các triệu chứng của COVID-19 và làm chậm sự tiến triển của nó.
Dứa giúp làm dịu các triệu chứng của bệnh viêm khớp
Đặc tính chống viêm của bromelain có thể giúp giảm đau cho những người bị viêm khớp. Một nghiên cứu cho thấy chất bổ sung bromelain có hiệu quả trong việc xoa dịu chứng viêm xương khớp ở lưng dưới như điều trị cơn đau thường xuyên.
Trong một nghiên cứu khác ở những người bị viêm xương khớp, bổ sung enzym tiêu hóa có chứa bromelain giúp giảm đau hiệu quả như các loại thuốc viêm khớp thông thường.
Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy hợp chất này góp phần bảo vệ chống lại sự xuống cấp của mô sụn và chứng viêm liên quan đến viêm xương khớp.
Dứa có thể giúp bổ sung lượng carb sau tập thể dục
Ngoài giúp bổ sung lượng carb dự trữ sau khi tập thể dục , dứa còn có một số lợi ích khác là do đặc tính chống viêm của bromelain.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bromelain có thể làm giảm viêm, sưng, bầm tím và đau thường xảy ra sau phẫu thuật, bao gồm cả các thủ thuật nha khoa và da. Nó cũng có thể làm giảm các dấu hiệu viêm. Hơn nữa, các protease như bromelain có thể tăng tốc độ phục hồi cơ sau khi tập luyện gắng sức bằng cách giảm viêm xung quanh mô cơ bị tổn thương.
Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi hợp chất này có thể được khuyến nghị để phục hồi sau tập luyện.
3. Ai không nên ăn nhiều dứa?
Mặc dù dứa là loại trái cây thơm ngon bổ dưỡng với lượng calo thấp và chất dinh dưỡng dồi dào, tuy nhiên không phải ai ăn dứa cũng tốt. Dưới đây là một số đối tượng không nên ăn nhiều dứa:
Người bị bệnh dạ dày: Trong dứa có chứa một lượng lớn enzym bromelain là chất làm mềm thịt và vitamin C có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng hoặc ợ chua, làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét dạ dày.
Người thừa cân béo phì: Trong dứa (đặc biệt là dứa mật) chứa một lượng đường cao, không tốt cho chế độ ăn của người bị béo phì.
Người bị đái tháo đường: Cũng giống như người bị béo phì, lượng đường cao trong dứa có thể làm bệnh trầm trọng hơn và không được khuyến khích cho vào chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường.
Người tăng huyết áp: Ăn nhiều dứa có thể gây ra hiện tượng nóng bừng mặt và đau đầu, choáng váng,… do đó có thể gây lên cơn tăng huyết áp đối với người có huyết áp cao.
Người bị viêm mũi họng: Do ăn dứa có thể gây rát miệng, lưỡi và ngứa cổ họng nên những người có tiền sử bị viêm mũi họng, viêm thanh quản, hen phế quản,… không nên ăn nhiều dứa vì có thể làm bệnh có nguy cơ tái phát và nặng hơn.
Phụ nữ mang thai: Ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.
Những người đang dùng một số thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, thuốc làm loãng máu, thuốc chống co giật, thuốc an thần, thuốc benzodiazepin, thuốc trị mất ngủ và thuốc chống trầm cảm ba vòng cần lưu ý không ăn quá nhiều dứa do dứa có thể gây tương tác thuốc.
4. Cách chọn dứa tươi, ngon
Nếu muốn chọn dứa chín, nên chọn quả dứa vàng tươi từ cuống tới phần đầu hoặc chỉ điểm xuyến một vài chỗ chấm màu xanh. Dứa càng vàng thì độ ngọt càng nhiều. Nếu dứa chín kỹ thường phần ngọn dứa khô, bị rụng và ngả màu nâu.
Khi ngửi mùi ở phần cuối quả dứa thấy có mùi hơi chua kiểu lên men thì đó là chứa đã chín. Còn nếu thấy phần cuối của quả dứa không có mùi hoặc ít mùi thơm thì dứa chưa chín.
Ấn nhẹ vào dứa, nếu dứa hơi mềm là dứa đã chín còn dứa vẫn cứng là dứa chưa chín.
Mời đón xem video đang được quan tâm:
Cách bảo quản trái cây và rau quả luôn tươi ngon mùa hè