Cả danh tính lẫn ý kiến của họ đều vấp phải sự phủ nhận gay gắt từ xã hội và để tồn tại được thì họ buộc phải che giấu con người thật của mình. Tuy nhiên, sau rất nhiều khó khăn thì cuối cùng cộng đồng LGBT (tên viết tắt tiếng Anh của người đồng giới, song giới và chuyển giới) đã cơ bản nhận được sự công nhận về mặt pháp lý, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.
Ngoài giáo dục thì nghệ thuật là một công cụ hữu hiệu để “bắc cầu” giữa cộng đồng LGBT và toàn thể xã hội. Tiếng nói mạnh mẽ của các nghệ sĩ có thể giúp xã hội có sự đồng cảm với những thành viên của cộng đồng này. Trong đó có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà văn.
Audre Lorde
Nữ tác giả đồng tính da đen Audre Lorde là một trong những người khai mở cho nền văn học LGBT hiện đại. Trong suốt sự nghiệp gần nửa thế kỷ của mình (Audre sáng tác bài thơ đầu tiên vào năm 8 tuổi), các tác phẩm của bà luôn trăn trở về số phận những con người yếu thế trong xã hội: phụ nữ, người da màu, người lao động và người đồng tính... Bà kêu gọi những tầng lớp bị đàn áp này hãy cùng nhau phá bỏ những rào cản giữa họ để tập hợp lại dưới một ngọn cờ đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Nhà văn SarahWaters với cuốn tiểu thuyết Fingersmith của bà.
Sarah Waters
Kể từ thời kỳ trung cổ đến nay, lịch sử nước Anh nói riêng và lịch sử châu Âu nói chung hầu như không có bóng dáng của cộng đồng LGBT. Các nhà làm sử sẵn sàng “bỏ quên” hoặc đưa ra thông tin sai sự thật đối với các nhân vật lịch sử đồng tính, song tính và chuyển giới. Phải đến gần 30 năm nay thì các nhà làm sử mới bắt đầu chú ý hơn đến việc đặt các nhân vật lịch sử LGBT vào đúng vị trí xứng đáng của họ.
Một trong những người đi đầu trong phong trào này là nữ nhà văn xứ Wales Sarah Waters. Bà là người chuyên kể lại câu chuyện của những người phụ nữ đồng tính tại Vương quốc Anh sống trong thời đại Victoria. Các nhân vật chính trong tác phẩm của Sarah Waters đều đại diện cho phong trào giải phóng phụ nữ ở thời kỳ sơ khai hồi thế kỷ 19, khi mà những người phụ nữ đứng lên đấu tranh giành quyền được học hành, làm việc, và được công nhận như một cá nhân độc lập trong xã hội.
Audre Lorde thuyết trình tại Thủ đô Berlin, Đức.
Albert Russo
Như trong trường hợp của Audre Lorde ở trên, để một nhà văn có thể bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT, tác giả đó phải sở hữu cho mình một hệ thống lý tưởng được xây dựng trên các nguyên tắc về bình đẳng và nhân ái. Nhà văn, nhà thơ, nhà viết tiểu luận Albert Russo nằm trong số những tác giả làm được điều đó rất thành công. Xuất hiện trong tác phẩm của ông là những người đồng tính, song tính và chuyển giới có quyền được sống và hưởng sự tôn trọng từ xã hội, thay vì trở thành đối tượng của sự kỳ thị.
Chinelo Okparanta
Gốc Nigeria, Chinelo Okparanta vào nghề với tập truyện ngắn Happiness, Like Water xuất bản hồi năm 2013. Các tác phẩm nói về người đồng tính của Chinelo liên tục nhận được sự đón chào nồng nhiệt của cả độc giả và giới phê bình. Họ ưa thích lối viết trẻ trung, tích cực mà không kém phần sâu sắc của Chinelo, người mà có thể khiến những vấn đề tưởng như xa vời của những con người đặc biệt kia trở thành gần gũi đối với tất cả đối tượng độc giả.
Tính cách văn học này thể hiện rõ nhất trong cuốn tiểu thuyết Under the Udala Trees nói về sự trưởng thành của một cô gái đồng tính trong bối cảnh cuộc nội chiến Nigeria những năm 1967-1970 hồi thế kỷ 20. Chủ đề này bản thân nó vốn rất nặng nề, nhưng bất kỳ ai có cơ hội được thưởng thức cuốn sách cũng sẽ thêm phần yêu thương và tự tin hơn vào sự tốt đẹp nội tâm của những người đồng tính nói riêng và của con người nói chung.
Michael Cunningham
Số các nhà văn đến từ cộng đồng LGBT nổi tiếng với một số lượng đông đảo bạn đọc không phải là nhiều, mà một trong những lý do chính là chủ đề mà những tác giả này nói đến thường khá là xa lạ với hầu hết mọi người. Michael Cunningham đã “bắc cầu” vượt qua được khoảng cách này và vì thế mà trở thành một nhà văn Mỹ nổi tiếng trên thế giới.
Ông được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm A Home at the Endof the World kể về một cặp đôi đồng tính và cách mà tình yêu giữa họ đã chữa lành những vết thương lòng trong mỗi người.
Edward Morgan Forster
Không có gì ngạc nhiên khi các tác giả khi nói về cộng đồng LGBT liên tục nhắc đến những sự kỳ thị khác liên quan đến màu da, tầng lớp xã hội… Eward Morgan Forster đã đi một bước xa hơn khi đề cập tới nỗi khổ của những người đồng tính sống tại các thuộc địa của Anh. Sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả tại Luân Đôn, ông là một nhà từ thiện kiêm truyền giáo nên đã có cơ hội đi qua các nước được đặt dưới sự bảo hộ của Anh như Ấn Độ, Ai Cập, Singapore,... và tận mắt nhìn thấy xã hội chà đạp lên quyền con người, đặc biệt là người đồng tính ở đây.
Chính lòng thương người đã thúc đẩy Eward cầm lấy cây bút và thay mặt những con người ở xứ thuộc địa đang bị áp bức mà nói lên tiếng nói của chính họ. 5 quyển tiểu thuyết của ông đều gây tiếng vang lớn ở Anh.
David Levithan
Các bạn trẻ đồng tính, song giới và chuyển giới đều phải trải qua một thời kỳ thiếu niên khó khăn rồi mới có thể tìm được con người thật của mình. Cần lắm những nhà văn như David Levithan để dìu dắt các bạn đi đúng con đường. Nhà văn Mỹ này là tác giả đầu tiên thành công trong việc đưa các chủ đề về cộng đồng LGBT vào trong văn học thiếu niên với cuốn tiểu thuyết Boy Meets Boy xuất bản năm 2003.
Cho dù lối hành văn của ông liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng của giới trẻ - David thường được ca ngợi là một trong những nhà văn đa dạng về mặt chủ đề và kỹ năng trên văn đàn Mỹ - có một tư tưởng mà ông luôn luôn muốn truyền tải, đó là tình yêu của con người có thể chiến thắng tất cả. Bởi lẽ đó, hãy đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ vì giới tính của bản thân, mà hãy tin vào tình yêu để lấy đó làm động lực mà vượt lên những khó khăn bên ngoài và cả bên trong con người mình.