1. Quá trình chuyển hóa năng lượng cao
Chuyển hóa năng lượng cao nghĩa là mức năng lượng tiêu hao cho các hoạt động hàng ngày của bạn cao hơn so hơn với người khác. Ví dụ, một người bình thường trung bình sẽ tiêu hao từ 1.200 – 1.400 kcal/ngày, nhưng nếu bạn chuyển hóa năng lượng cao, dù sinh hoạt giống người kia, năng lượng tiêu hao có thể lên tới 1.600 – 1.800 kcal/ngày.
Biểu hiện của chuyển hóa năng lượng cao rất dễ nhận thấy, bạn chỉ cần sờ vào da lúc nào cũng thấy da nóng hay nhịp tim đập nhanh hơn. Do đó, dù ăn bao nhiêu đi chăng nữa cũng rất khó để tăng cân.
Để quá trình chuyển hóa năng lượng được diễn ra bình thường, trong thực đơn hàng ngày bạn nên xen kẽ những thức ăn có tính mát để dung hòa. Hạn chế nước ngọt và các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá.
2. Hấp thu dinh dưỡng kém
Kém hấp thu là khi thức ăn được nạp vào cơ thể, dinh dưỡng trong thức ăn không được đường ruột hấp thu hết mà bị đào thải ra ngoài. Cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng sẽ trở nên xanh xao, gầy gò. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hấp thu dinh dưỡng kém có thể do:
- Tổn thương niêm mạc ruột do nhiễm trùng, bệnh viêm đường ruột, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, rối loạn dung nạp lactose...
- Thiếu hụt enzym tiêu hóa.
- Một số ký sinh trùng gây bệnh như giun đũa, giun móc...
3. Thiếu protein
Thiếu protein trong chế độ ăn uống dẫn đến giảm cân và mất khối lượng cơ bắp. Muốn tăng cân, hãy ưu tiên ăn protein và tinh bột trước trong mỗi bữa ăn (đây là hai nhóm dinh dưỡng giàu năng lượng nhất), sau đó ăn rau.
Việc ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có thể khiến bạn no sớm, không ăn đủ protein và tinh bột. Tăng cường các thực phẩm giàu protein gồm thịt, cá, trứng, hải sản, đỗ, đậu phụ, sản phẩm từ sữa...
4. Vấn đề về sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến cân nặng. Ở nhiều người, căng thẳng cũng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, gây tình trạng không muốn ăn, dẫn đến tiêu thụ ít calo. Bởi vậy, muốn tăng cân, bạn cần chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách thư giãn, tập thể dục, thiền...
5. Tập luyện quá mức
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tập luyện quá mức có thể dẫn đến phản tác dụng, gây hại sức khỏe. Khi tập luyện quá sức, cơ thể tiêu tốn nhiều calo hơn và không đủ thời gian để hồi phục, xây dựng cơ bắp.
Do đó, cần cân bằng giữa tập luyện và nghỉ ngơi, đồng thời tăng lượng calo nạp vào cơ thể. Trung bình để tăng cân lành mạnh, bạn nên ăn vào 300-500 calo nhiều hơn so với mức tiêu thụ calo trung bình trong ngày. Ví dụ bạn cần 1500 calo/ngày, bạn nên ăn vào 1800-2000 calo/ngày.
6. Khó tăng cân do bệnh lý
Một số bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng của cơ thể, cụ thể như:
- Bệnh cường giáp: Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến dư thừa hormone tuyến giáp. Đây là loại hormone đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Khi loại hormone này gia tăng sẽ khiến cho tốc độ trao đổi chất tăng cao, lúc này năng lượng dự trữ trong cơ thể sẽ dần cạn kiệt. Do đó, người mắc bệnh cường giáp thường gặp phải tình trạng khó tăng cân.- Bệnh viêm đường ruột (IBD): Bao gồm bệnh lý liên quan đến tình trạng viêm nhiễm ở đường ruột như viêm loét dạ dày, bệnh Crohn… Khi đường ruột bị viêm nhiễm, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng sẽ bị kém đi, khiến cho người bệnh gầy yếu, khó tăng cân.
7. Tác dụng phụ của điều trị bệnh lý
Việc sử dụng một số loại thuốc hay áp dụng phương pháp điều trị chuyên sâu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Điều này sẽ khiến cho khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể suy giảm, dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như tiêu chảy, sụt cân, nôn ói…
Mời bạn đọc xem tiếp video:
5 Món cháo dinh dưỡng ngon bổ rẻ, càng ăn bệnh tật càng tránh xa | SKĐS