Hà Nội

7 nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng

27-10-2024 10:30 | Dinh dưỡng mẹ và bé
google news

SKĐS - Tiêu hóa là một chức năng vô cùng quan trọng đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể trong mọi giai đoạn, đặc biệt là năm đầu tiên của cuộc đời.

Hệ tiêu hóa có chức năng phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, lipid,... sau đó được hấp thụ vào máu để cung cấp năng lượng nuôi dưỡng cơ thể, ngoài ra còn giúp loại bỏ các chất thải ra ngoài cơ thể dưới dạng phân.

Khi tiêu hóa khỏe mạnh, các hoạt động được diễn ra thuận lợi sẽ giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi hệ tiêu hóa bị tổn thương do bất kỳ nguyên nhân gì đều dẫn đến hậu quả suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh tật, làm hạn chế sự phát triển trí tuệ, tầm vóc của trẻ.

Hiện nay có nhiều trẻ bị mắc bệnh tiêu hóa từ rất sớm. Dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu gây tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ:

1. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Cho trẻ ăn dặm quá sớm, ăn dặm không đúng cách, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, nướng, nhiều dầu mỡ chế biến nhiệt độ cao, các loại nước ngọt có gas, trà sữa... không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, còn do áp lực học hành với những bữa ăn vội vàng, không nhai kỹ, ăn ít hoặc ăn quá nhiều, không ăn rau, quả, uống không đủ nước.

Ăn uống không chia suất cá thể, ăn không cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, không có tính đa dạng, trẻ em hay chọn lọc thức ăn, ăn uống theo sở thích, ăn vặt đồ ăn nhanh trước bữa ăn chính... gây hệ lụy cho tiêu hóa.

7 nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng- Ảnh 1.

Cho trẻ ăn dặm quá sớm, ăn dặm không đúng cách, sử dụng thực phẩm không lành mạnh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ. Ảnh minh họa.

Bữa ăn học đường nhiều nơi còn thiếu năng lượng, món ăn chế biến chưa hợp lý cho trẻ em, trong khi đó bữa ăn tại nhà đôi khi còn chưa được quan tâm tới chất lượng, số lượng bữa ăn trong ngày chưa đúng, chưa đủ, ăn thiếu bữa phụ, có nhiều trẻ nhịn ăn sáng đi học gây tác hại đến dạ dày.

Một số trẻ lại bị cho ăn quá nhiều, nhồi nhét, ép ăn, ăn xong nằm ngay, ngồi ngay lười vận động, dễ dẫn đến béo phì, trào ngược dạ dày - thực quản. Một số trẻ ngủ dậy muộn, khoảng cách giữa 2 bữa ăn quá gần, bữa ăn kéo dài do ăn mất tập trung, vừa ăn vừa nghịch đồ chơi hoặc xem tivi, điện thoại.

2. Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Một số vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc đã xảy ra ở gia đình, trường học do rau quả chứa dư lượng thuốc trừ sâu, thực phẩm chứa chất bảo quản, chất phụ gia, thực phẩm không rõ nguồn gốc, ôi thiu, mốc. Thịt xiên nướng, hoa quả dầm… bày bán khắp nơi trên vỉa hè đường phố.

Trẻ em rất hay ăn những thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt ở vệ đường do bố mẹ thiếu thời gian chăm sóc con cái, điều này dễ dẫn đến các bệnh lý tiêu hóa (viêm dạ dày HP, nhiễm khuẩn tiêu hóa...), nguồn nước uống sạch cho trẻ chưa đảm bảo.

3. Do nhiều áp lực, lo lắng, căng thẳng

Hiện nay nhiều trẻ em chưa được sắp xếp thời gian hợp lý giữa vui chơi, giải trí và học tập, tình trạng học thêm nhiều, bài tập về nhà chiếm quá nhiều thời gian, áp lực điểm số thành tích... cũng làm cho trẻ stress, ảnh hưởng tới hệ vi sinh ruột. Đường ruột có mối liên hệ chặt chẽ với não bộ thông qua trục não - ruột, việc trẻ căng thẳng lâu dài dễ ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân và hệ tiêu hóa, dễ mắc viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích...

4. Sử dụng thuốc không đúng

Việc cho trẻ dùng thuốc bừa bãi, nhất là thuốc kháng sinh, hạ sốt không đúng chỉ định ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ. Bố mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ uống, cứ thấy con ho là mua kháng sinh tự cho uống. Trẻ sốt nhẹ đã vội cho uống hạ sốt, trẻ sơ sinh ho chút xíu, ho húng hắng, ho khan đã bị cho uống kháng sinh,... Việc lạm dụng kháng sinh để tự điều trị ho cho trẻ không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể gây tiêu chảy, táo bón, biếng ăn, ảnh hưởng hấp thụ các chất dinh dưỡng.

7 nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng- Ảnh 2.

Việc cho trẻ dùng thuốc bừa bãi, không đúng chỉ định ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa của trẻ. Ảnh minh họa.

5. Lối sống tĩnh tại, lười vận động

Nhiều trẻ còn thiếu vận động, lạm dụng các thiết bị điện tử như chơi điện thoại, chơi game. Trẻ thường thiếu các hoạt động thể chất mà vận động giúp nhu động ruột tốt, tránh táo bón, tốt cho mật độ xương, để phát triển tầm vóc, nhất là ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

6. Tổn thương tại miệng do nhiễm nấm, vi khuẩn, thiếu vi chất dinh dưỡng

Các bệnh lý về răng lợi ở trẻ em còn khá phổ biến, nhất là những trẻ ở nông thôn. Răng sữa hoặc răng vĩnh viễn bị sâu sún, hở tủy, mủn vỡ, men răng kém, lợi bị viêm, loét, có nướu, tụt lợi. Nhiều trẻ chưa được đi khám sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng quát định kỳ, chỉ khi thật sự đau, sốt, bỏ ăn thì gia đình mới đưa đến khám, lúc đó trẻ đã bị ảnh hưởng rất nhiều đến việc ăn, nhai và sức khỏe.

Muốn chăm sóc răng sữa con tốt để con ăn nhai tốt cần quan tâm và chăm sóc bà mẹ từ lúc mang thai, bà mẹ cần có chế độ ăn đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng, tắm nắng thường xuyên, uống vitamin D liều bổ sung, ăn đủ dầu, mỡ,...

Trẻ sau sinh cần được uống vitamin D liều bổ sung, bú mẹ đầy đủ 6 tháng đầu, ăn dặm đúng cách. Khi răng bị sún, vỡ, hở tủy, nên được thăm khám và điều trị sớm, giúp con ăn nhai được tốt.

7. Nguyên nhân do thực quản, dạ dày, ruột

Trẻ đẻ non áp lực cơ thắt trên và dưới thực quản rất yếu, trẻ sơ sinh dạ dày tương đối cao và nằm ngang, cơ tâm vị còn yếu nên trẻ dễ trớ khi cho trẻ ăn nhiều hoặc bú phải hơi, bú xong đặt nằm ngay.

Ruột trẻ em tương đối dài, mạc treo ruột dài, manh tràng ngắn và di động nên trẻ dễ bị lồng ruột (nhất là ở trẻ bụ bẫm), nếu bế trẻ sau khi ăn no mà rung lắc, thay đổi tư thế đột ngột rất dễ nguy cơ lồng ruột.

Sự chưa hoàn thiện hàng rào ruột dễ gây mẫn cảm với protein sữa, một số trẻ không được bú mẹ phải ăn sữa công thức rất dễ dị ứng đạm sữa. Việc hấp thụ đường lactose kém hơn ở trẻ sinh non và trẻ tiêu chảy kéo dài, nên nếu trẻ đi ngoài phân chua, hậu môn đỏ, chậm tăng cân... cần cho trẻ đến khám và tư vấn sớm, can thiệp kịp thời.

Các cơ quan của hệ tiêu hóa ở trẻ như tụy, gan, mật còn chưa hoàn thiện các chức năng như người trưởng thành nên rất dễ tổn thương. Ngoài ra nhiễm trùng và yếu tố môi trường sống, di truyền, dị tật vùng miệng (sứt môi hở hàm ếch...) cũng có tác động xấu cho hệ tiêu hóa.

Do vậy, để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh cha mẹ cần phải quan tâm chăm sóc các cơ quan tiêu hóa từ rất sớm. Trẻ em nên được bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu sau sinh, ăn dặm đúng cách, đa dạng thực phẩm từ 4 nhóm chất dinh dưỡng (tinh bột, đạm, béo, rau, quả), không nên uống nước ngọt và ăn vặt bánh kẹo bừa bãi trước bữa ăn, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, khi chế biến thức ăn cho trẻ em cần phù hợp với lứa tuổi, mềm dễ tiêu hóa, không ép khi trẻ không muốn ăn...

Quản lý tốt suất ăn của trẻ sẽ giúp con tăng cường miễn dịch, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng, để con có thể phát triển hết tiềm năng về thể chất, tinh thần, giúp trẻ em Việt Nam có tương lai và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Những điều nên và không nên khi cho bé ăn dặm lần đầuNhững điều nên và không nên khi cho bé ăn dặm lần đầu

SKĐS - Ăn dặm là giai đoạn cho bé làm quen với thức ăn đặc là một cột mốc thú vị. Khi trẻ bắt đầu tiếp xúc với thực phẩm ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, trẻ nên được hình thành phong cách ăn uống lành mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ từ chế độ ăn uống.



BSCK nhi Lê Thị Loan
Khoa Khám Trẻ em - Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Ý kiến của bạn