Ngày 24/10, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia có văn bản gửi Chi cục ATVSTP Nghệ An trả lời kết quả kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc khiến 7 người nhập viện cấp cứu là do uống thân cây lá ngón.
Theo kết quả kiểm nghiệm Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Viện) thì ngày 19/10, Viện đã nhận được 2 mẫu thân cây (không rõ loại) trong đó có (1 mẫu còn tươi chưa qua xử lý và 1 mẫu thân cây đã được nấu lấy nước) do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An thu thập qua quá trình điều tra. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện Gelsamin và koumine trong 2 mẫu thân cây này, đây là các chất thuộc nhóm Alkaloid thường có trong cây lá ngón.
Trước đó, ngày 14/10, trên địa bàn xã Thái Sơn, Đô Lương, Nghệ An ghi nhận 7 trường hợp nhập viện cấp cứu nghi do uống nhầm nước có lá cây kịch độc. Ngay sau đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã cử Đoàn cán bộ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đô Lương trực tiếp điều tra xác minh sự việc.
Qua điều tra cho thấy, tất cả các trường hợp này đều có địa chỉ tại xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vào làm việc trong rừng thuộc địa bàn xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An từ cách đó khoảng gần 1 tuần.
Trong quá trình làm việc trong rừng, nhóm người này có nhờ 2 vợ chồng là ông Hoàng Văn B (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị T (60 tuổi) nấu ăn. Trong gần 1 tuần làm việc, nhóm người này có lấy thân cây (không rõ loại) cắt nhỏ đun với nước để uống và không có triệu chứng lạ.
Ngày 14/10, nhóm 8 người này ăn bữa trưa gồm các món: Cơm, thịt bò nấu bí, lòng bò xào khế và thịt lợn kho, có uống nước được đun nấu từ thân cây không rõ loại cắt nhỏ. Đến khoảng 13h30 - 14h cùng ngày thì nhóm người này xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Sau khi xuất hiện triệu chứng cả nhóm 8 người được đưa vào Trạm Y tế xã Thái Sơn (Đô Lương, Nghệ An) để cấp cứu (Trong đó chỉ có 7 người vào Trạm, còn 1 người là Bùi Văn Yên - 33 tuổi vì thấy triệu chứng nhẹ nên ngồi ngoài sân của Trạm).
Trạm Y tế Thái Sơn đã tiến hành xử trí bằng tiêm Dimedrol cho 7 bệnh nhân và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương để xử trí.
Cả 7 bệnh nhân trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, được chẩn đoán ngộ độc do các chất chưa xác định, xử trí bằng rửa dạ dày, truyền dịch và được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất/rối loạn điện giải, xử trí bằng bù dịch, bù điện giải và theo dõi sát. Rất may không có trường hợp nào bị tử vong.
BSCKII Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đề nghị chính quyền địa phương các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và dưới nhiều hình thức về cách nhận biết, tác hại và biện pháp phòng, chống ngộ độc do sử dụng lá ngón và các bộ phận của cây lá ngón.
Tuyệt đối không sử dụng các loại thực vật không rõ loại để làm thực phẩm và không sử dụng lá ngón để chế biến hoặc dùng trực tiếp. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.