7 năm mòn mỏi, cặp vợ chồng hiếm muộn vỡ òa hạnh phúc đón con gái chào đời

18-05-2021 13:44 | Đời sống
google news

SKĐS - Kết hôn từ năm 2013 nhưng nhiều năm sau đó, ngôi nhà của vợ chồng chị Loan vẫn quạnh hiu vì thiếu tiếng cười con trẻ. Cho đến khi anh chị gặp được các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ...

Đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

“Trái ngọt” của hành trình 7 năm tìm con

Sáng ngày 17/5/2021, các bác sĩ tại Khoa Sản 2, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vui mừng chào đón một công dân đặc biệt – em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được triển khai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Bé gái chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh thường ở tuần thai thứ 40, nặng 3,3 kg là con đầu lòng của sản phụ Đỗ Thị Loan (32 tuổi, trú tại phường Nông Trang, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Kết hôn từ năm 2013 nhưng nhiều năm sau đó, ngôi nhà của anh chị vẫn quạnh hiu vì thiếu tiếng cười con trẻ.

Năm 2019, chị Loan đến khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học (khi đó là Khoa Hỗ trợ sinh sản) của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thì được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang kèm theo tắc hai bên vòi trứng. Mặc dù được các bác sĩ khuyên nên đến tuyến trên để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng khi biết thông tin kỹ thuật này sắp được triển khai tại Bệnh viện, anh chị quyết tâm ở lại, gửi trọn niềm tin vào các y bác sĩ tại đây.

Tháng 7/2020, chị Loan cùng chồng tới Bệnh viện làm hồ sơ IVF. Hạnh phúc đã đến với anh chị khi ngay lần chuyển phôi tươi đầu tiên đã cho kết quả thành công. Qúa trình mang thai, chị Loan hoàn toàn khỏe mạnh và được theo dõi thai kỳ thường xuyên tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thăm tặng hoa và quà cho gia đình sản phụ Đỗ Thị Loan.

Sau 7 năm hiếm muộn với hành trình tìm con gian nan dài đằng đẵng, khoảnh khắc được ôm con trong tay, anh chị chính là người bố người mẹ hạnh phúc nhất. Thiên thần nhỏ ra đời mang theo yêu thương và khao khát của gia đình, cũng chính là niềm hy vọng rạng rỡ của tập thể y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Nói về hành trình đi tìm thiên chức làm mẹ, chị Loan chia sẻ: “Hiếm muộn nhiều năm nên hai vợ chồng đã đi khám rất nhiều nơi, nhưng khi đến với các bác sỹ ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm, tận đức của đội ngũ y bác sỹ ở đây. Suốt quá trình mang thai, tôi đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, tư vấn của các bác sĩ tại Trung tâm, cảm giác gần gũi như những người thân trong gia đình vậy. Thành quả ngọt ngào ngày hôm nay vợ chồng tôi có được là nhờ phần lớn công của đội ngũ y bác sĩ đã tận tình tiếp thêm sức mạnh cho vợ chồng tôi, mong rằng những cặp vợ chồng hiếm muộn khác cũng đừng nản lòng trong hành trình tìm con vất vả”.

 

Các bác sĩ, điều dưỡng thăm khám, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau khi sinh.

Bước phát triển mới trong điều trị vô sinh hiếm muộn

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã được triển khai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ từ tháng 07/2020 với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đến từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia và Bệnh viện Phụ Sản Trung ương.

Theo TS.BS Đoàn Xuân Kiên – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học: Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã thực hiện được 220 ca chọc trứng, trong đó có 106 ca chuyển phôi và hiện tại đã có 56 bà mẹ đang mang thai các em bé nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện. Tỷ lệ thành công của phương pháp này 52.8%.

Ngoài ra, phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) được triển khai từ năm 2016 đến nay cũng đã hỗ trợ 500 em bé chào đời khỏe mạnh và mang lại hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng.

TS.BS Phạm Thái Hạ – Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết: Để chuẩn bị cho việc triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện đã cử đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên phôi học, điều dưỡng, hộ sinh đi học chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ Tập đoàn IVF KaTo của Nhật Bản, đây là một trong những hệ thống IVF lớn nhất thế giới theo trường phái IVF thân thiện với bệnh nhân.

Đồng thời, hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cũng được đầu tư và tư vấn thiết kế, giám sát bởi các chuyên gia Nhật Bản. Với sự chuẩn bị chu đáo về cả nhân lực và vật lực, chúng tôi tin sẽ đáp ứng được niềm mong mỏi của các cặp vợ chồng hiếm muộn và đồng hành cùng các gia đình biến ước mơ thành niềm hạnh phúc”.

Các bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học tặng hoa chúc mừng gia đình sản phụ.

Trong thời gian tới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp tục tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên được đi đào tạo, lĩnh hội kiến thức mới, phương pháp mới trong điều trị vô sinh hiếm muộn đồng thời tiếp tục cố gắng nỗ lực hơn nữa để trao hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.

Việc làm chủ được kỹ thuật IVF không chỉ đánh dấu bước phát triển của Bệnh viện Sản Nhi mà còn của ngành Y tế tỉnh Phú Thọ trong điều trị vô sinh hiếm muộn. So với việc lựa chọn thực hiện kỹ thuật này tại các bệnh viện tuyến trung ương, người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đi lại, chăm sóc cũng như giảm được nhiều chi phí phát sinh. Đây là hành trình không có điểm dừng, bởi hạnh phúc của người bệnh chính là mục tiêu phấn đấu cho những thành công mới của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.


Hà Nguyệt
Ý kiến của bạn