Hà Nội

7 món ăn bài thuốc có râu ngô

30-05-2023 07:00 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Râu ngô là một vị thuốc lợi tiểu, lợi mật thường dùng trong các bệnh viêm túi mật, viêm gan, bệnh về tim, đau thận, tê thấp, sỏi thận…

1. Tác dụng dược lý của râu ngô

Râu ngô (Stigmata Maydis hay Styli et Stigmata Maydis) là vòi và núm phơi khô của hoa cây ngô (Zea mays L.) đã già và cho bắp. Râu ngô hái vào lúc thu hoạch ngô. Tuy nhiên dùng loại tươi sẽ có hiệu quả cao hơn khô.

Trong râu ngô có các chất sitosterol, stigmasterol, chất dầu, tinh dầu, saponin, glycozit đắng, vitamin C, vitamin K, canxi, chất nhầy và một số chất khác.

7 món ăn bài thuốc có râu ngô - Ảnh 1.

Râu ngô - vị thuốc lợi tiểu, lợi mật.

Râu ngô uống vào làm tăng sự bài tiết của mật, nước mật lỏng hơn và tỷ trọng nước mật giảm đi, lượng bilirubin trong máu cũng giảm. Lượng prothrombin trong máu tăng lên và do đó làm máu chóng đông.

2. Công dụng và liều dùng của râu ngô

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, râu ngô là một vị thuốc dùng trong nhân dân từ lâu. Hiện nay khoa học đã chứng minh kinh nghiệm cổ truyền đó và được áp dụng trong các bệnh sau đây:

  • Viêm túi mật, viêm gan với hiện tượng trở ngại bài tiết mật.
  • Có thể phối hợp với vitamin K để làm thuốc cầm máu.
  • Dùng làm thuốc thông tiểu tiện
  • Dùng trong các bệnh về tim, đau thận, tê thấp, sỏi thận...
7 món ăn bài thuốc có râu ngô - Ảnh 2.

Trà râu ngô tốt cho người viêm thận.

Cách dùng: Dùng dưới hình thức thuốc pha hoặc nấu sôi, hoặc chế thành cao lỏng. Ngày uống 10-20g râu ngô. Hoặc có thể tự chế như sau:

- Lấy 10g râu ngô, cắt nhỏ, cho vào 1 bát nước (200ml) đun sôi, để nguội mà uống. Cứ 3-4 giờ uống 1-3 thìa súp.

- Nếu chế thành cao lỏng, đóng thành lọ 20g. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 30-40 giọt trước bữa ăn.

3. Món ăn bài thuốc có râu ngô

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số món ăn bài thuốc có râu ngô như sau:

- Cháo đậu đen đại táo cà rốt râu ngô: Râu ngô 60g, đậu đen 30g, đại táo 30g, cà rốt 90g.

Râu ngô sắc lấy nước; đem nước râu ngô nấu với các vị thuốc. Nấu chín nhừ, thêm chút gia vị ăn.

Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da.

- Thịt lợn hầm râu ngô: Thịt lợn nạc 50g, râu ngô non 100 - 200g. Hầm nhừ, thêm gia vị ăn.

Dùng tốt cho người đái tháo đường.

- Râu ngô hầm tiểu kế, tinh hoàn gà: Râu ngô 50g, tiểu kế 10g, tinh hoàn gà 2 đôi. Hầm nhừ, thêm gia vị ăn.

Thích hợp cho người lao phổi khái huyết.

7 món ăn bài thuốc có râu ngô - Ảnh 4.

Đậu đen phối hợp với râu ngô và các vị thuốc khác dùng cho bệnh nhân viêm gan.

- Râu ngô hầm ong non "Ngọc mễ tu phong nhục thang": Râu ngô 100g, ong non 20 - 30g, đổ nước nấu chín nhừ, thêm gia vị, cách ngày làm 1 lần.

Dùng tốt cho người tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm thận, viêm gan, viêm túi mật.

- Rùa hầm râu ngô: Thịt rùa 250g, râu ngô non 100 - 200g, thêm nước vừa đủ, nấu chín nhừ, cho thêm gia vị. Ngày ăn 1 lần.

Thích hợp cho người bệnh xơ gan cổ trướng.

- Trà râu ngô: Nước râu ngô hãm đặc uống khi nóng hoặc nước râu ngô pha đường để mát chia uống nhiều lần hàng ngày thay nước trà.

Dùng tốt cho người viêm thận, viêm đường tiết niệu, viêm gan vàng da.

- Trà nhân trần râu ngô: Râu tươi, nhân trần mỗi vị 20g, cam thảo đất 10g hãm nước uống, chữa viêm gan vàng da, tắc mật.

Xem thêm video đang được quan tâm:

5 cách đơn giản giúp xương chắc khỏe.


Mai Phương
Ý kiến của bạn