Vào thời kỳ cao điểm do nắng nóng hàng năm, những bệnh liên quan tới sốc nhiệt như đột quỵ hay kiệt sức do nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng tới người dân.
Một số triệu chứng do sốc nhiệt bao gồm mệt mỏi, đổ mồ hôi, nhịp tim tăng nhanh, chuột rút, chóng mặt, buồn nôn, và nôn.
Nếu không sớm can thiệp, sốc nhiệt có thể tiến triển thành đột quỵ. Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm:
-Thân nhiệt cao trên 39 độ C
-Đau đầu.
-Da đỏ bừng.
-Lú lẫn và mất ý thức.
Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải bảo vệ bản thân trong cái nắng oi nồng của mùa hè. Sau đây là 7 bước giúp bạn và những người thân yêu tránh các bệnh tật liên quan tới nắng nóng mùa hè này.
1. Luôn theo dõi nhiệt độ trong ngày
Theo dõi bản tin thời tiết để nắm rõ nhiệt độ trong ngày. Các ứng dụng thời tiết cũng góp phần giúp bạn sẵn sàng chuẩn bị khi ra ngoài.
Mức nhiệt thường tính toán theo tương quan với độ ẩm tương đối trong không khí. Nó sẽ chính xác hơn nếu có thêm chỉ số hấp thu nhiệt của cơ thể bạn. Chẳng hạn như nếu nhiệt độ ngoài trời là 35-36 độ C và độ ẩm tương đối là 65%, cơ thể bạn sẽ hấp thu mức nhiệt tương đương với trên 49 độ C.
2. Uống nhiều nước
Cơ thể bạn cần nhiều nước hơn trong những ngày hè nóng nực do bị mất nước khi đổ mồ hôi, và do nước bốc hơi nhanh hơn khỏi bề mặt da.
Vì vậy tránh mất nước là cách hiệu quả nhất để chống các bệnh do nắng nóng. Uống nhiều nước, tránh uống quá nhiều đồ uống có cồn và chứa caffein, bởi những chất kích thích này khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, do vậy càng làm mất nước hơn.
Điều quan trọng là uống nước trước khi bạn cảm thấy khát chứ không phải khi khát mới uống. Bởi khát là một biểu hiện của mất nước. Một mẹo mà mọi người cần biết là hãy giữ một chai nước bên mình mọi lúc, mọi nơi để uống nước trở thành một thói quen.
Không có lời khuyên chính xác bạn nên uống bao nhiêu nước bởi cơ thể mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn đi tiểu cứ sau 4 giờ/lần và nước tiểu có màu vàng nhạt thì chứng tỏ bạn đã uống đủ nước để không bị mất nước.
3. Không bỏ quên bất kỳ ai, kể cả thú cưng trong ô tô
Tử vong do bị bỏ quên trên ô tô, hay còn gọi là sốc nhiệt trong xe thường xảy ra nhất khi người lớn bỏ quên trẻ trên xe, hoặc khi trẻ mở cửa xe vào trong rồi vô tình bị kẹt trong xe.
Nhiệt độ bên trong một chiếc xe bị khóa có thể tăng thêm 6-7 độ C chỉ trong vòng 10 phút, dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt hoặc thậm chí đột quỵ nếu ai đó bị kẹt trong xe. Cũng cần lưu ý là khi xe tắt máy và điều hòa không hoạt động, kể cả việc để hé mở cửa sổ ô tô một chút cũng không thể giảm nhiệt độ trên ô tô.
Vì vậy, đừng bao giờ bỏ quên bất kỳ ai (kể cả thú cưng) trong ô tô. Nếu không tìm thấy bé nhà bạn ở đâu, hãy đảm bảo bé không bị bỏ quên trên ô tô. Nếu bạn nhìn thấy một trẻ em hay thú cưng bị kẹt trong xe, hãy nhanh chóng tìm kiếm cha mẹ hay người chủ hoặc gọi đội cứu hộ để mở được cửa ô tô.
4. Tránh những hoạt động quá sức
Trong những ngày nóng nực, kể cả khi bạn nghỉ ngơi, cơ thể vẫn gặp khó khăn hơn trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể ở ngưỡng an toàn. Nếu bạn hoạt động quá sức ngoài trời khi nhiệt độ cao, bạn sẽ dễ bị tăng thân nhiệt, ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể. Điều này có thể dẫn tới mất nước nhanh, sốc nhiệt, đột quỵ và suy tạng.
Để khỏe mạnh, cần tránh các hoạt động cường độ cao giữa những giờ cao điểm nắng nóng nhất trong ngày. Nên ở trong bóng râm nhiều nhất có thể. Hãy mặc quần áo phù hợp, thường xuyên dừng lại nghỉ một lát khi hoạt động thể chất, đảm bảo uống đủ nước.
5. Cẩn thận trước những tác dụng phụ của thuốc
Điều quan trọng là cần phải nhận biết về những tác dụng phụ của các thuốc mà bạn đang sử dụng. Một số đơn thuốc có thể khiến cơ thể bạn trở nên nhạy cảm hơn dưới ánh nắng, khiến bạn bị tụt huyết áp, tăng nguy cơ ngất và làm cho bạn dễ bị mất nước hoặc bị các bệnh do mức nhiệt cao gây ra.
6. Hãy thận trọng hơn nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao
Một số đối tượng dễ nhạy cảm hơn với nắng nóng và nhiệt độ cao như trẻ em, người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền. Những đối tượng này sẽ dễ mắc các bệnh liên quan tới nắng nóng hơn so với những người khác.
Lời khuyên rằng những đối tượng này nên ở trong nhà nhiều nhất có thể trong những ngày nắng nóng cao điểm. Hãy sử dụng điều hòa, uống nhiều nước và nước trái cây. Tìm kiếm trợ giúp y tế nếu bắt đầu có các triệu chứng như mất nước hay sốc nhiệt hoặc khi tình trạng bệnh lý nền nặng lên.
7. Mặc quần áo chất liệu nhẹ, thoáng mát
Da bạn là cơ quan bao phủ diện tích lớn nhất trên cơ thể, cũng đồng nghĩa rằng nó đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho thân nhiệt ở mức an toàn. Trong thời tiết oi bức, hãy mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, thoáng mát cho phép thấm mồ hôi và làm mát da.
Bạn nên đội mũ rộng vành khi ra đường, bởi điều đó đảm bảo điều hòa cơ thể, do 50% nhiệt lượng cơ thể được giải phóng qua da đầu và da mặt.
Nắng nóng mùa hè 2022 có phá vỡ kỷ lục hè 2020?