7 lý do khiến cơ thể nổi ban đỏ

14-10-2016 14:24 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khoảng 20% dân số gặp phải hiện tượng phát ban đỏ hoặc mề đay. Những nốt phát ban này có thể biến mất rất nhanh và chúng cũng có thể tái xuất hiện bất kỳ lúc nào.

Khoảng 20% dân số gặp phải hiện tượng phát ban đỏ hoặc mề đay. Những nốt phát ban này có thể biến mất rất nhanh và chúng cũng có thể tái xuất hiện bất kỳ lúc nào. Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Whitney Bowe tại New York, Hoa Kỳ thì những nốt phát ban này do rất nhiều nguyên nhân và nó có thể lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của bệnh nhân.

Hiệp hội Dị ứng, bệnh suyễn và miễn dịch học Hoa Kỳ cho biết, đa số nguyên nhân phát ban có thể nhận thấy, chẳng hạn như bạn bị dị ứng với loại thức ăn nào đấy thì sau khi ăn phải nó, bạn sẽ nổi ban ngay. Nhưng cũng có nhiều khi thật khó để tìm ra lý do chính xác tại sao bạn bị phát ban. Điều đáng mừng là các triệu chứng này thường không kéo dài quá 24 giờ, đa số bệnh nhân không gặp phải hậu quả nghiêm trọng và dễ dàng được điều trị bằng các loại thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, cũng có số ít trường hợp phản ứng quá mẫn với các dị nguyên, có khả năng phải đối diện với sự nguy hiểm của tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau đây là một số lý do tại sao bạn có thể nhận thấy cơ thể mình bị bao phủ bởi những chấm đỏ ấy:

Do dược phẩm

GS. Bruce Brod - Khoa Da liễu thuộc Trường đại học y khoa Perleman thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) cho biết, các loại thuốc kháng viêm không steroid (chẳng hạn như aspirin, ibuprofen), các loại opioid (morphin, oxycodon) và các loại thuốc kháng sinh (penicillin)... khi sử dụng để điều trị bệnh nào đó đều có thể khiến bệnh nhân có phản ứng quá mẫn, nổi ban đỏ. Thông thường, các ban đỏ sẽ xuất hiện trong vòng 1 giờ sau khi sử dụng thuốc, nhưng cũng có một số thuốc gây phản ứng muộn, thậm chí sau 1-2 ngày nên có nhiều trường hợp bệnh nhân không nghĩ rằng mình đã bị phản ứng với thuốc.

Những loại thực phẩm thông thường này có thể gây dị ứng, nổi mề đay.

Do căng thẳng, mệt mỏi

Có thể kết luận này khiến bạn ngạc nhiên: Khi bạn căng thẳng, mệt mỏi hoặc xúc động cũng có thể gây phát ban. Do khi bạn bị stress đã làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu, làm cho bạn dễ mắc phải những rối loạn ở da. Thông thường, phát ban do stress chỉ xảy ra ngắn hạn và nhẹ (nghĩa là chỉ kéo dài chưa đến 1 ngày và sẽ tự hết). Khi bạn gặp phải tình huống này, bạn nên tìm cách cân bằng trở lại, ngồi thiền hoặc hít - thở thật sâu thì các nốt phát ban sẽ nhanh chóng biến mất, GS. Brod cho biết.

Khi cơ thể tăng nhiệt

Theo Tổ chức Dị ứng Thế giới (World Allergy Organization) thì có nhiều trường hợp phát ban do nhiệt gây ra (có thể xảy ra khi tập thể dục, tắm nước nóng, chảy mồ hôi và lo âu). Trong các trường hợp này thì các nốt phát ban thường bắt đầu ở cổ và ngực trên rồi lan đến mặt, lưng và các chi. Nếu phản ứng này thường xuyên xảy ra thì bạn nên đi khám ở chuyên khoa da liễu hoặc miễn dịch lâm sàng để được dùng thuốc điều trị - GS. Bowe khuyên.

Do môi trường

Các yếu tố môi trường có thể gây phát ban bao gồm ánh nắng mặt trời, nóng - lạnh thất thường, phấn hoa, khói bụi, côn trùng… Đây là nguyên nhân thường gặp nhất đối với bệnh phát ban và nó cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhạy cảm với yếu tố môi trường khổ sở nhất. Bạn chỉ có thể hạn chế tối đa việc tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tăng cường hệ miễn dịch bằng một chế độ ăn và tập luyện lợp lý.

Quần áo quá chật

Khi mặc quần áo quá bó sát hoặc đi giày dép chật thì ở những vùng da bị đè nén như ở lòng bàn chân và bên trong quần lót hoặc quanh vùng bụng nổi ban đỏ… GS. Brod khuyên rằng, khi gặp phải tình huống này thì hạn chế gãi và phải thay ngay quần áo thoáng rộng, chất liệu vải mềm, thấm mồ hôi… Tránh tối đa việc mặc lại những quần áo quá ôm lấy cơ thể.

Bệnh tự miễn dịch

Nếu ban đỏ nổi trong thời gian dài 1 tháng hoặc hơn, dù bạn đã dùng các biện pháp loại trừ và tránh các yếu tố nguy cơ, cần nghĩ tới nguyên nhân gây ra có thể là một chứng bệnh tự miễn dịch. Luput  hoặc bệnh tuyến giáp có thể gây phát ban. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường typ 1, hội chứng Sjogren (là một rối loạn của hệ thống miễn dịch với hai triệu chứng phổ biến nhất là khô mắt và khô miệng) và bệnh Celiac (là một bệnh lý đường ruột do cơ thể nhạy cảm với gluten - một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen. Nó gây ra viêm và bất sản niêm mạc ruột non)… cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng phát ban. Do đó, để tìm kiếm câu trả lời cho tình trạng phát ban kéo dài thì bệnh nhân cần phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Do thức ăn lạ

Bạn có thể dị ứng với rất nhiều loại thực phẩm, đồ uống. Ngoài ra, các chất phụ gia có trong thực phẩm cũng là nguyên nhân lớn gây ra phản ứng dị ứng do thực phẩm. Nhưng các chất phụ gia lại thường không được nghĩ đến là nguyên nhân gây ra tình trạng này, do đó, rất nhiều bệnh nhân đã ngạc nhiên rằng tại sao vẫn loại thức ăn đó nhưng trước kia không bị dị ứng mà lần ăn này cơ thể lại phản ứng dữ dội? Các thủ phạm thực phẩm gây dị ứng thường thấy bao gồm động vật biển có vỏ, trứng và các loại quả hạch. Vì vậy, cần lưu ý rằng các loại phẩm màu trong kẹo (màu đỏ, vàng, cam) và các chất sunfit (sulfite) trong rượu và thịt nguội (deli meat) cũng có thể gây phát ban. Nếu bạn bị phát ban thì điều quan trọng là cẩn thận ghi lại những gì bạn đã ăn để bạn có thể tránh tiêu thụ những thực phẩm gây phát ban trong tương lai.


Minh Hương
Ý kiến của bạn