7 lưu ý trong ăn uống giúp người cao tuổi ăn ngon, ngủ tốt

SKĐS - Một điều dễ nhận thấy ở người cao tuổi là quá trình lão hóa khiến cho khả năng nhai nuốt và tiêu hóa kém dẫn đến nhiều người không muốn ăn, ăn không ngon miệng, sức khỏe ngày càng kém hơn. Vậy, cần lưu ý gì để người cao tuổi ăn ngon, hấp thu tốt, khỏe mạnh và minh mẫn?

1. Dinh dưỡng kém khiến người cao tuổi ngày càng suy yếu sức khỏe

Có nhiều nguyên nhân khiến người cao tuổi chán ăn, ăn không ngon miệng. Trong đó chủ yếu là do quá trình lão hóa ở nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là khả năng nhai nuốt và suy giảm chức năng ở hệ tiêu hóa.

Do sự chăm sóc về răng miệng ít kỹ lưỡng và các vấn đề viêm lợi, bệnh quanh răng, rụng răng và tăng cảm giác răng trở nên rất phổ biến làm khả năng nhai nuốt, răng yếu đi ảnh hưởng đến vị giác khiến cho người cao tuổi bị giảm cảm giác thèm ăn, ăn uống kém đi.

Sự giảm nhu động thực quản làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn qua ống tiêu hóa dẫn tới người già phải nhai lâu hơn và ăn chậm hơn.

Chức năng tiết các dịch tiêu hóa như nước bọt, dịch vị, dịch ruột, lượng máu tới các cơ quan này bị giảm sút nên khả năng tiêu hóa thức ăn bị kém, khó hấp thu các chất dinh dưỡng.

Ruột, dạ dày bị suy yếu cũng khiến người cao tuổi hay bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện: ăn không ngon, đầy bụng chướng hơi, tiêu chảy, táo bón…

Bên cạnh đó, các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh lý dạ dày, ung thư… cũng là nguyên nhân phổ biến khiến người cao tuổi thường xuyên mệt mỏi, không muốn ăn uống, dần dần dẫn tới suy kiệt.

Những lưu ý trong ăn uống giúp người cao tuổi ăn ngon, sống khỏe mạnh - Ảnh 2.

Người cao tuổi thường mệt mỏi, chán ăn dẫn đến suy giảm sức khỏe.

2. Cần làm gì để đảm bảo dinh dưỡng tốt cho người cao tuổi?

Để giúp người cao tuổi đảm bảo dinh dưỡng tốt và khỏe mạnh hơn, người thân trong gia đình cần lưu ý chăm sóc về thể chất, tinh thần và đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất và lành mạnh cho người cao tuổi. Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tránh suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì

Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có một số lưu ý dinh dưỡng cho người cao tuổi như sau:

- Ăn đa dạng thực phẩm: Đảm bảo có chứa các nhóm thực phẩm sau: nhóm rau, củ, quả màu xanh đậm, màu vàng đỏ; nhóm ngũ cốc nguyên hạt; nhóm thịt nạc và thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phụ, các loại hạt và hạt; sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm dầu và các hạt có dầu.

- Uống đủ nước: Khoảng 2 lít/ngày, tùy theo trọng cơ thể hay bệnh lý kèm theo; nên chia nhỏ, uống ít một.

- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa như bánh ngọt, thịt chế biến sẵn, bánh mì kẹp, bánh pizza, thực phẩm chiên, và các món ăn nhẹ mặn khác… Nên sử dụng vừa phải lượng dầu và các hạt có dầu.

- Ăn nhạt tương đối: Hạn chế thức ăn và đồ uống có thêm muối và không thêm muối vào thức ăn khi nấu nướng hoặc trên bàn ăn.

- Hạn chế thực phẩm và đồ uống có chứa thêm đường như bánh kẹo, nước ngọt có đường, nước ép đóng chai, nước bù khoáng, nước tăng lực và đồ uống thể thao…

- Hạn chế rượu bia: Nam giới uống không quá hai đơn vị cồn mỗi ngày; nữ giới không quá một đơn vị cồn mỗi ngày. (Một đơn vị cồn tương đương 1 chén rượu mạnh 30ml).

- Hạn chế hoặc chỉ bổ sung "thực phẩm bổ sung" theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những lưu ý trong ăn uống giúp người cao tuổi ăn ngon, sống khỏe mạnh - Ảnh 3.

Người cao tuổi nên ăn đa dạng thực phẩm.

3. Cách ăn uống phù hợp cho người cao tuổi

- Do khả năng nhai nuốt và hấp thu dinh dưỡng kém nên thức ăn hàng ngày của người cao tuổi cần được chế biến mềm, nhừ như các món cháo, súp, canh, hầm… giúp người cao tuổi dễ ăn, dễ nuốt và dễ tiêu hóa.

- Cần lưu ý ăn đúng giờ, không bỏ bữa. Nếu không thể ăn nhiều, có thể chia thành 4-6 bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng cần thiết.

- Không nên ăn quá no, hoặc ăn bữa ăn quá nhiều chất đạm, béo, ăn trước khi ngủ có thể gây đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, khó chịu dẫn đến mất ngủ.

4. Không ăn kiêng, bỏ bữa đối với người cao tuổi bị đái tháo đường

Đối với người cao tuổi bị đái tháo đường cần cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng nhưng không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn và cũng không làm hạ đường huyết vì bữa ăn cách xa nhau.

Khẩu phần ăn cho người bệnh cần đa dạng, cân đối, hài hòa các thành phần dinh dưỡng như: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.

Tuyệt đối không ăn kiêng, bỏ bữa dễ gây hạ đường huyết. Nếu để hạ đường huyết rất nguy hiểm đối với người đái tháo đường.

5. Hạn chế ăn thịt đỏ nếu bị rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu có nguyên nhân chủ yếu từ hàm lượng cholesterol trong máu. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên trong chế độ ăn là phải giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu cholesterol.

Thịt đỏ chứa hàm lượng cholesterol cao. Ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ làm cho bệnh tiến triển xấu hơn. Ngoài ra người bệnh cũng nên tránh thịt mỡ, thịt có gân, có da. Nên thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như cá, gà…

Cá và dầu cá chứa hàm lượng omega 3 rất tốt cho người bệnh mỡ máu. Nên ăn cá từ 2-3 lần mỗi tuần để làm giảm lượng cholesterol trong máu.

Những lưu ý trong ăn uống giúp người cao tuổi ăn ngon, sống khỏe mạnh - Ảnh 5.

Nên hạn chế thịt đỏ nếu bị rối loạn mỡ máu.

6. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm để tăng cường miễn dịch

Người cao tuổi thường có sức đề kháng kém, dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng, bệnh về đường hô hấp, các bệnh tự miễn và mạn tính khác…

Bên cạnh đó, do tình trạng ăn uống kém cũng là nguyên nhân khiến người cao tuổi bị thiếu kẽm. Vì thế, người cao tuổi cần bổ sung kẽm để nâng cao hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Để bổ sung kẽm cho cơ thể, người cao tuổi nên ăn các thức ăn giàu kẽm từ cả nguồn động vật và thực vật như: Thịt bò, thịt lợn nạc, hàu, ốc, hến, sò, cua, tôm, trứng, sữa, phô mai, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, các loại đậu…

7. Thực phẩm nên dùng để có giấc ngủ tốt, tinh thần khỏe mạnh

Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi như do tuổi cao, mắc các bệnh mạn tính, tâm lý hay lo lắng, xúc động… Loại trừ nguyên nhân mất ngủ do bệnh lý thì cách điều trị mất ngủ tốt nhất là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc. Trong đó cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Người cao tuổi nên ăn thực phẩm giàu vitamin nhóm B như: thịt, cá, sữa, trứng, gan động vật, ngao, hàu, trai, các loại hải sản, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… Những thực phẩm này rất tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, giúp ngăn ngừa mệt mỏi, trầm cảm, đau đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ…

Các thực phẩm giàu magiê như các loại rau lá xanh như rau chân vịt, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt… cũng giúp làm dịu hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Một số loại trà hoặc món ăn từ các thực phẩm như: hạt sen, lạc tiên, táo đỏ, long nhãn… cũng có tác dụng an thần, giúp người cao tuổi cải thiện tình trạng mất ngủ, từ đó giữ được trạng thái tinh thần thoải mái và minh mẫn hơn.

Quá trình lão hóa ở người cao tuổi và cách khắc phục ảnh hưởng tới cơ thểQuá trình lão hóa ở người cao tuổi và cách khắc phục ảnh hưởng tới cơ thể

SKĐS - Quá trình lão hóa của chúng ta là quy luật tất yếu của tự nhiên không thể thay đổi được. Ở tuổi bắt đầu lão hóa dễ nhận thấy tóc bạc, da nhăn, lưng gù… Tuy nhiên, có rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được.

Xem thêm video đang được quan tâm

Cách bảo quản trái cây và rau quả luôn tươi ngon mùa hè


Thu Hà
Ý kiến của bạn