7 lưu ý không được bỏ qua khi ăn quả lựu

17-09-2024 06:35 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Quả lựu, loại quả bổ dưỡng cho mùa thu và có giá trị dược liệu rất cao. Tuy nhiên việc sử dụng quả lựu cũng cần có những lưu ý để phát huy tối đa tác dụng, đồng thời hạn chế các tác dụng không mong muốn lên sức khỏe.

Tác dụng của quả lựu

Quả lựu có tính nhuận táo và thu liễm, mang lại nhiều công dụng như giải khát, sinh tân dịch, se ruột, cầm tiêu chảy, cầm lỵ và cố thận.

Quả lựu trong Đông y gọi là thạch lựu, có vị ngọt, đi vào kinh vị, có tác dụng dưỡng vị âm, thanh vị nhiệt, thúc đẩy tạo doanh huyết. Bên cạnh đó lựu lại đi vào thận, có tác dụng bổ thận tinh, mạnh lưng gối, cải thiện chức năng não, tăng cường trí nhớ và khả năng tư duy.

Theo các nghiên cứu y học hiện đại quả lựu chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như chất xơ, kali, vitamin C, và vitamin K. Đặc biệt, lựu giàu chất chống oxy hóa nhờ có punicalagin và axit punicic, giúp bảo vệ cơ thể và hỗ trợ sức khỏe mạnh mẽ.

Đây là loại trái cây ít calo, ít chất béo nhưng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Đặc biệt quả lựu có chứa nhiều vi lượng như kẽm và magie. Khi thiếu kẽm, các hệ thống trong cơ thể bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng như trầm cảm, lo lắng, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến thanh thiếu niên.

Ăn quả lựu giúp bổ sung kẽm không chỉ thúc đẩy sự phát triển cơ thể mà còn hỗ trợ phát triển trí tuệ, giúp hình thành tính cách tích cực, đây cũng là một cách tốt để hỗ trợ điều trị các bệnh lý sinh lý nam giới.

Thiếu magie có thể gây trầm cảm, sợ hãi, căng thẳng, chóng mặt hoặc co giật tay chân. Ăn lựu giàu magie có thể cân bằng điện giải, ổn định màng tế bào hệ thần kinh trung ương và có tác dụng an thần.

tac-dung-cua-qua-luu-1

Quả lựu có tác dụng giải khát và chữa bệnh.

Dưới đây là một số ứng dụng của quả lựu.

Thanh nhiệt: Lựu có thể điều trị các triệu chứng do nhiệt gây ra như khô họng, khô mũi, mắt đỏ và mệt mỏi.

Thu liễm và se ruột: Vị ngọt của lựu chứa các hợp chất như alcaloid và ursolic acid, có tác dụng thu liễm và se ruột, giúp cầm tiêu chảy, cầm máu, ngăn ngừa các bệnh như kiết lỵ, tiểu không tự chủ và sa trực tràng.

Làm đẹp da: Quả lựu chứa nhiều vitamin C, thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp da trở nên hồng hào và sáng mịn.

Cầm tiêu chảy: Khả năng thu liễm của lựu giúp chữa tiêu chảy và các vấn đề khác như tiểu không tự chủ.

Giải khát: Khi cảm thấy khát không thể giải quyết bằng nước, ăn một quả lựu có thể giúp giải tỏa cơn khát ngay lập tức.

Tác dụng tốt với hệ tim mạch: Trong quả lựu có chứa thành phần punicalagin, đây là một thành phần giúp hình thành tác dụng chống đông máu cho quả lựu. Bên cạnh đó lựu cũng có tác dụng giảm nồng độ cholesterol trong máu.

Từ những tác dụng nói trên lựu là loại quả giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và mảng xơ vữa trên thành mạch qua đó rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Những lưu ý khi ăn quả lựu

Không nên ăn chung lựu với một số loại rau củ

Không nên dùng lựu cùng dưa hấu, dưa hấu tính lạnh, lựu tính ấm, ăn chung dễ gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó cũng không nên dùng lựu cùng cà chua bởi vì cà chua khi ăn chung với lựu có thể làm giảm hấp thụ dinh dưỡng và gây hại cho dạ dày.

Lựu không ăn cùng với khoai tây, khi kết hợp lựu với khoai tây có thể gây ngộ độc, không tốt cho sức khỏe.

Lựu không nên ăn chung với các thực phẩm giàu canxi

Lựu chứa tanin, khi kết hợp với canxi trong sữa, cua, tôm, một số loại cá… sẽ tạo thành hợp chất khó tiêu hóa, gây đau bụng, buồn nôn.

20230407_thieu-canxi-nen-an-gi-2

Các thực phẩm giàu canxi không nên ăn cùng với quả lựu.

Người bị cảm sốt không nên ăn lựu

Lựu có tính thu liễm, không nên dùng cho người bị cảm sốt vì có thể làm bệnh nặng hơn.

Người bị sâu răng không nên ăn nhiều lựu

Lựu chứa nhiều đường và axit, có thể làm tăng cảm giác đau răng và gây hại cho sức khỏe răng miệng.

Người bị viêm dạ dày mạn tính cần thận trọng khi ăn lựu

Axit trong lựu kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn, gây kích ứng niêm mạc và làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Người mắc bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn lựu với lượng vừa phải

Lựu chứa nhiều đường, làm tăng nhanh lượng đường trong máu, không phù hợp với người bệnh đái tháo đường.

Người bệnh máu khó đông, người sắp phẫu thuật cần thận trọng khi ăn lựu

Lựu giúp lưu thông máu, ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên chính tác dụng này sẽ không tốt đối với những người đang bị chảy máu, người sắp phẫu thuật hoặc những người có bệnh máu khó đông.

Mời bạn xem tiếp video:

Quả lựu: "Thần dược" cho sức khỏe tình dục | SKĐS


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn