Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trà là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người mắc bệnh đái tháo đường - đây là đồ uống không chứa carb để cung cấp nước và chất chống oxy hóa.
Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan lưu ý rằng chất chống oxy hóa là những hợp chất giúp chống lại các gốc tự do. Theo Mayo Clinic, khi có quá nhiều gốc tự do trong cơ thể, stress oxy hóa sẽ xảy ra, góp phần gây ra các tình trạng sức khỏe như bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim...
Một phân tích tổng hợp, xem xét 12 nghiên cứu có liên quan về trà và tác động của trà đối với nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường đã kết luận rằng uống ba tách trà trở lên mỗi ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Với người bệnh đái tháo đường, ăn uống thế nào để đường huyết ổn định là việc rất quan trọng. Dưới đây là những gợi ý về một số loại trà thơm ngon mà không làm tăng lượng đường trong máu.
Trà xanh tốt cho người đái tháo đường
Theo Mayo Clinic, một tách trà xanh có chứa 28 miligam (mg) caffeine, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Một đánh giá của các nghiên cứu cho thấy rằng trà xanh cũng như chiết xuất trà xanh có thể giúp giảm lượng đường trong máu giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2 và béo phì.
Theo một nghiên cứu khác, những người uống trà xanh thường xuyên trong hơn 10 năm có lượng mỡ trong cơ thể thấp hơn và vòng eo nhỏ hơn so với những người không uống.
Một trong những lý do trà xanh có thể đóng vai trò ngăn ngừa bệnh đái tháo đường là nhờ một hợp chất mạnh gọi là epigallocatechin gallate (EGCG). EGCG đã được phát hiện là có tác dụng làm tăng sự hấp thu glucose vào các tế bào cơ. Quá trình EGCG kích thích glucose đi vào tế bào cơ cũng có thể hữu ích để điều trị bệnh béo phì.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một tách trà xanh có 0 carbohydrate, 0 gam (g) đường hoặc chất béo và chỉ 2,5 calo, do đó trà xanh là một lựa chọn lành mạnh toàn diện.
Trà đen giúp giảm tình trạng kháng insulin
Trà đen có nguồn gốc từ cùng một loại cây với trà xanh, vì vậy, cũng như trà xanh, bạn sẽ thu được những lợi ích tốt trong phòng bệnh đái tháo đường.
Một đánh giá được công bố vào năm 2019 lưu ý rằng một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy uống trà đen, trà xanh hoặc trà ô long có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường hoặc các biến chứng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng trà (kể cả trà đen) có tác dụng trong cơ thể một phần bằng cách cải thiện tình trạng kháng insulin, đóng vai trò giống như insulin cũng như giảm bớt phản ứng viêm.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật về trà đen cho thấy nó làm giảm sự hấp thụ carbohydrate và do đó cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu; tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trên con người. Một đánh giá được công bố vào năm 2016 cho thấy trà đen làm giảm trọng lượng cơ thể ở động vật.
Một nghiên cứu khác năm 2017 cho thấy uống trà đen sau khi uống đường giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nghiên cứu nhỏ này xem xét trên kết quả đánh giá những người mắc bệnh cũng như những người không mắc bệnh đái tháo đường.
Một đánh giá khác cho thấy những người uống trà, bao gồm cả những người uống trà đen, có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thấp hơn.
Trà hoa cúc
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chỉ một đêm ngủ không ngon giấc có thể khiến cơ thể sản xuất insulin kém hiệu quả, có khả năng làm tăng lượng đường trong máu.
Trà hoa cúc thảo dược không chứa caffeine hỗ trợ giấc ngủ. Một nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy khi phụ nữ mới sinh gặp tình trạng ngủ kém uống trà hoa cúc trong hai tuần, họ gặp ít vấn đề về chất lượng giấc ngủ và triệu chứng trầm cảm hơn so với nhóm đối chứng không uống trà.
Trà hoa cúc cũng có liên quan đến việc cải thiện độ nhạy insulin và quản lý glucose, đồng thời có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 cho thấy khi những người tham gia nghiên cứu mắc bệnh đái tháo đường type 2 uống trà hoa cúc ba lần một ngày (sau mỗi bữa ăn) trong 8 tuần, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy lợi ích trong cả tình trạng kháng insulin và các dấu hiệu viêm.
Hơn nữa, nghiên cứu liên quan đến động vật cho thấy rằng tiêu thụ trà hoa cúc hàng ngày có thể giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của các biến chứng xảy ra cùng với bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn ở người.
Trà gừng
Một đánh giá từ năm 2015 cho thấy rằng bổ sung rễ gừng làm giảm mức đường huyết lúc đói ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2, cũng như chỉ số HbA1c.
Hơn nữa, một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 2015 đã quan sát thấy rằng những người mắc bệnh đái tháo đường (không dùng insulin) đã bổ sung gừng trong ba tháng đã cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết của họ và kết quả rất đáng kể giữa nhóm uống trà gừng và nhóm đối chứng.
Một đánh giá riêng cho thấy gừng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết trong cơ thể bằng cách ức chế các enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate cũng như tăng độ nhạy insulin. Kết quả là, các nhà nghiên cứu lưu ý, có nhiều sự hấp thu glucose vào mô mỡ ngoại biên và mô cơ xương hơn.
Trà dâm bụt
Loại trà có vị chua và thơm này không chỉ có hương vị sảng khoái mà còn có thể đóng vai trò giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường và các vấn đề khác liên quan đến căn bệnh này.
Trà dâm bụt có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch và theo Viện Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia của Hoa Kỳ, mắc bệnh đái tháo đường có nghĩa là bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tim và nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Uống khoảng 250 ml trà dâm bụt hai lần mỗi ngày được phát hiện là làm giảm huyết áp tâm thu ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Hơn nữa, một đánh giá từ năm 2015 cho thấy trà dâm bụt giúp giảm đáng kể cả huyết áp tâm thu và tâm trương.
Trà Rooibos
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nhưng các mô hình trong phòng thí nghiệm cho thấy loại trà thảo dược này, được làm từ lá của một loại cây bụi trồng ở Nam Phi có lợi cho việc giảm cân.
Và nghiên cứu cho thấy giảm cân là yếu tố quan trọng giúp những người mắc bệnh tiền đái tháo đường trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh. Các tác giả nghiên cứu này cũng kết luận rằng giảm cân có thể giúp những người đã mắc bệnh đái tháo đường type 2 kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và có khả năng làm giảm sự tiến triển của bệnh.
Đã có nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phát hiện ra rằng rooibos có thể giúp ngăn chặn sự hình thành tế bào mỡ, đóng vai trò trong việc ngăn ngừa béo phì.
Ngoài ra, trà rooibos còn chứa một hợp chất thực vật gọi là aspalathin, có đặc tính hạ đường huyết, các nhà nghiên cứu đề xuất trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2019. Nghiên cứu được thực hiện trong môi trường phòng thí nghiệm còn phát hiện thêm rằng hợp chất này có thể giúp đảo ngược các biến chứng liên quan đến bệnh chuyển hóa.
Nghiên cứu từ năm 2009 trên chuột mắc bệnh đái tháo đường type 2 cho thấy aspalathin giúp cải thiện tình trạng không dung nạp glucose và có lợi trong việc giúp kiểm soát lượng đường trong máu đối với bệnh đái tháo đường type 2. Ngoài ra, một nghiên cứu từ năm 2011 trên người cho thấy uống trà rooibos giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính LDL "xấu" (mặc dù những người tham gia nghiên cứu cần uống sáu cốc mỗi ngày, điều này có thể không hợp lý đối với tất cả).
Trà bạc hà
Thêm trà bạc hà vào đồ uống của bạn giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn - và đó là tin tốt với chỉ số HbA1c. Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có mức độ căng thẳng cao, tác dụng xoa dịu của trà bạc hà có lợi vì giảm căng thẳng thường có thể cải thiện mức đường huyết. Theo Đại học California ở San Francisco, căng thẳng dễ làm tăng lượng đường trong máu và khiến chúng khó kiểm soát hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hoa tầm xuân, những bài thuốc chữa bệnh trong đông y.