Bưởi và nước ép bưởi là những bổ sung dinh dưỡng tốt cho chế độ ăn uống của bạn. Với rất nhiều vitamin C, kali… loại quả này có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, cải thiện sức khỏe da, giảm huyết áp và nhiều lợi ích khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích sức khỏe này, bưởi và nước ép bưởi có thể tương tác với nhiều loại thuốc, khiến chúng kém hiệu quả hơn hoặc tăng hiệu quả và đôi khi gây ra thêm tác dụng phụ, thậm chí nguy hiểm.
Một số loại thuốc bị phân hủy (chuyển hóa) với sự trợ giúp của một loại enzyme quan trọng có tên là CYP3A4 trong ruột non. Nước ép bưởi có thể ngăn chặn hoạt động của men CYP3A4 này trong đường ruột. Vì vậy, thay vì được chuyển hóa, nhiều thuốc sẽ đi vào máu và tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Kết quả là sẽ có quá nhiều thuốc trong cơ thể, có thể gây hại.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bưởi có thể có thể làm giảm hiệu quả của các protein, được gọi là chất vận chuyển thuốc, giúp tế bào hấp thụ thuốc. Khi điều này xảy ra, lượng thuốc đi vào máu sẽ ít hơn, làm giảm hiệu quả của thuốc.
Mỗi cơ thể lại có phản ứng khác nhau với hoạt động enzym của bưởi. Tác động của nước ép bưởi đối với một số loại thuốc phụ thuộc vào ba yếu tố chính: Đối tượng bệnh nhân, liều lượng dùng thuốc và lượng bưởi hoặc nước ép bưởi tiêu thụ.
Điều quan trọng là phải trao đổi về những rủi ro cá nhân với bác sĩ và luôn tuân theo các khuyến nghị của bác sĩ hoặc dược sĩ về bưởi khi bạn đang dùng thuốc.
Bưởi là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng có thể tương tác bất lợi với một số loại thuốc.
Dưới đây là 7 loại thuốc tránh dùng cùng với nước ép bưởi:
1. Thuốc chống dị ứng fexofenadine (allegra) kém hiệu quả khi dùng cùng nước ép bưởi
Allegra là một loại thuốc kháng histamine phổ biến, có thể giúp giảm nghẹt mũi và chảy nước mắt... Khi uống loại thuốc chống dị ứng này không được ăn bưởi hoặc dùng nước ép bưởi.
Allegra là một trong số ít loại thuốc bị bưởi làm cho kém hiệu quả hơn. Nước bưởi làm giảm lượng fexofenadine (hoạt chất của allegra).
Ngoài ra, cũng nên tránh uống fexofenadine cùng với nước táo và nước cam. Tất cả các loại nước ép này đều chứa các hợp chất ngăn cản polypeptide trong ruột non hấp thụ thuốc này. Một nghiên cứu về 'Tương tác thuốc qua đường ruột qua trung gian OATP...' đăng trên Journal of Pharmaceutical Sciences cho thấy, những đồ uống này làm giảm sự hấp thụ của allegra khoảng 85%.
2. Thuốc trị mỡ máu statin (lipitor, mevacor và zocor)
Bưởi là thực phẩm ít calo, có chất chống oxy hóa cao… và là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho tim nhằm giảm cholesterol. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng statin làm giảm cholesterol, hãy trao đổi với bác sĩ xem liệu bạn có thể tiếp tục thưởng thức loại thực phẩm họ cam quýt này hay không.
Một số statin làm giảm cholesterol, chẳng hạn như simvastatin (zocor) và atorvastatin (lipitor) bị chống chỉ định với bưởi. Nếu uống nhiều nước bưởi trong khi dùng những loại thuốc này, sẽ làm tăng nồng độ của thuốc trong cơ thể. Khi có quá nhiều thuốc tồn tại trong cơ thể, có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan và cơ, dẫn đến suy thận.
Có thể chuyển sang dùng một số loại statin có ít hoặc không có tương tác với bưởi như: Fluvastatin (lescol), pravastatin (pravachol), pitavastatin (livalo) và rosuvastatin (crestor)…
3. Thuốc hạ huyết áp nifedipine
Nifedipine là thuốc trị tăng huyết áp phổ biến, có các tên thương hiệu như procardia, adalat và afeditab CR. Nếu bạn đang dùng một trong những loại thuốc này, việc uống một ly nước bưởi vào bữa sáng có thể khiến bạn gặp rắc rối sau đó trong ngày.
Một nghiên cứu cho thấy, nước ép bưởi làm tăng khả dụng sinh học của nifedipine và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, giữ thuốc trong cơ thể lâu hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến huyết áp giảm quá nhiều (hạ huyết áp), có thể gây té ngã hoặc chóng mặt.
Bưởi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một loại thuốc hạ huyết áp khác là felodipine (plendil). Một nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, tiêu thụ nước ép bưởi, múi bưởi hoặc chiết xuất bưởi làm tăng nồng độ của thuốc lên gấp ba lần. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy felodipin trong máu tăng 32-99% sau khi uống nước ép bưởi.
4. Thuốc trị rối loạn cương dương viagra (sildenafil)
Ngay từ năm 2002, bốn năm sau khi phát hành lần đầu tiên vào năm 1998, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng bưởi và thuốc điều trị rối loạn cương dương (ED) viagra không nên uống cùng nhau. Do tác động lên enzyme CYP3A4, bưởi có thể làm cho loại thuốc trị bất lực này mạnh hơn rất nhiều.
Theo Harvard, mặc dù điều đó nghe có vẻ hấp dẫn đối với một số nam giới mắc chứng ED, nhưng nó có thể tạo ra các triệu chứng có vấn đề như đau đầu, đỏ bừng mặt hoặc huyết áp thấp. Sự kết hợp giữa viagra và nước ép bưởi thậm chí có thể trở nên độc hại.
Để thuốc có hiệu quả tối ưu nhất và giảm thiểu tác dụng phụ khó chịu, người dùng cần đọc nhãn bao bì và tuân thủ mọi hướng dẫn về chế độ ăn uống từ bác sĩ hoặc dược sĩ. Ngay cả khi bạn không thể ăn bưởi, vẫn có rất nhiều lựa chọn ăn cam quýt thơm ngon khác để thưởng thức.
5. Thuốc tâm thần
Bưởi được biết là có tác dụng làm tăng tác dụng của nhiều loại thuốc điều trị tâm thần như zoloft, valium, versed, halcyon và tegratol… Cơ chế ngăn chặn enzyme của bưởi có thể ảnh hưởng đến thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống loạn thần và các hợp chất hỗ trợ nhận thức, đồng thời làm tăng nguy cơ tương tác nguy hiểm tiềm tàng.
Loại trái cây này làm tăng nồng độ valium (diazepam) và zoloft (sertraline) trong máu. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như chóng mặt hoặc buồn ngủ.
6. Thuốc chống thải ghép (neoral và sandimmune)
Đối với những người cấy ghép nội tạng, cần dùng thuốc chống đào thải. Những thuốc ức chế miễn dịch này, bao gồm cyclosporine (neoral hoặc sandimmune) không có tác dụng tốt với bưởi.
Khi dùng các thuốc ức chế miễn dịch này nước ép bưởi có thể làm tăng thời gian hoặc lượng thuốc tồn tại trong cơ thể, có thể dẫn đến nồng độ thuốc cao hơn, có thể gây tổn thương các cơ quan hoặc các tác động tiêu cực khác.
7. Một số thuốc điều trị nhịp tim bất thường aminodarone
Nhiều loại thuốc giúp ổn định nhịp tim không đều, bao gồm cordarone, nexterone và pacerone, đều chứa aminodarone. Bưởi sẽ ức chế enzym CYP3A4, làm tăng khả năng hấp thu của các thuốc này. Điều này có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng.
Trong trường hợp amiodarone, nó có thể có tác động tiêu cực đến nhịp tim (loạn nhịp tim). Trộn nước ép bưởi có thể khiến tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên trầm trọng hơn, chóng mặt hoặc nhiễm độc thuốc.
Mời độc giả xem thêm video:
Làm gì để giảm huyết áp?