Hà Nội

7 loại thực phẩm giàu iod hàng đầu

25-01-2024 13:30 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Iod là một yếu tố cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể con người. Việc cung cấp đủ nguyên tố vi lượng cần thiết này là rất quan trọng.

1. Iod có vai trò quan trọng với cơ thể

Iod ( i - ốt) là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho hoạt động bình thường của con người. Iod tham gia vào quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp và do đó là một yếu tố không thể thiếu. Các hormone này được tiết ra từ khi sinh ra và tham gia vào các chức năng quan trọng của cơ thể, đặc biệt là sự phát triển thần kinh của thai nhi.

Các hormone tuyến giáp điều hòa nhiều phản ứng sinh hóa quan trọng, bao gồm tổng hợp protein và hoạt động của các enzyme. Các cơ quan chính chịu ảnh hưởng của quá trình này bao gồm não, cơ, tim, tuyến yên và thận. Iod giúp tuyến giáp trạng hoạt động bình thường, phòng bệnh bướu cổ và thiểu năng trí tuệ.

Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, iod có vai trò quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người, giúp tuyến giáp tạo ra hormone thyroxine. Thyroxine tham gia kiểm soát hoạt động của một số tế bào, rất quan trọng đối với sự phát triển của xương và hệ thần kinh, cũng như tham gia chuyển hóa của protein, chất béo và carbohydrate trong cơ thể.

7 loại thực phẩm giàu iod hàng đầu- Ảnh 1.

Những thực phẩm giàu iod.

Cũng theo TS. Nguyễn Trọng Hưng, iod rất quan trọng với bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó cần thiết cho sự phát triển của não và hệ thần kinh, 5 giác quan, sự tập trung và sự phối hợp.

Yêu cầu về lượng iod khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào độ tuổi hoặc giới tính. Đối với người lớn, lượng iod hàng ngày nên là 150mcg. Với phụ nữ mang thai, nhu cầu iod tăng lên và đạt tới 220mcg / ngày. Nhu cầu iod này phải được duy trì trong suốt thời gian cho con bú, thậm chí còn tăng tới 250mcg.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng iod hàng ngày được khuyến nghị cho người Việt Nam theo nhóm tuổi như sau:

Nhóm tuổi

Lượng iod đề xuất

Sơ sinh đến 6 tháng tuổi

100 mcg

Trẻ sơ sinh 7-12 tháng

130 mcg

Trẻ em 1-8 tuổi

90 - 120 mcg

Trẻ em 9–13 tuổi

120 mcg

Thanh thiếu niên 14-18 tuổi

150 mcg

Người lớn

150 mcg

Phụ nữ mang thai

220 mcg

Phụ nữ cho con bú

250 mcg

2. Thiếu hay thừa iod đều nguy hiểm

Thiếu iod ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là não bộ. Sự thiếu hụt iod cũng là thiếu một yếu tố cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể, ngay cả khi chỉ thiếu rất ít cũng khiến cơ thể bị rối loạn. Thiếu iod có thể là nguyên nhân của một số bất thường tâm thần và rối loạn tâm thần vận động. Vì iod có ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến giáp, sự thiếu hụt có thể dẫn đến hình thành bướu cổ (là sự gia tăng thể tích của tuyến giáp).

Ngược lại, việc hấp thụ quá nhiều iod cũng gây nguy hiểm, mặc dù nó hiếm hơn. Các ảnh hưởng của thừa iod rất khác nhau và tùy thuộc vào tình trạng hoạt động của tuyến giáp. Điều này có thể dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp. Lượng iod dư thừa dễ gây kích ứng đường tiêu hóa và thậm chí gây phát ban. Các tác dụng không mong muốn cũng có thể được ghi nhận ở cấp độ tim hoặc thận.

TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Quá ít iod có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, cảm thấy lạnh, khó tập trung và rụng tóc. Nếu cơ thể không có đủ iod, tuyến giáp có thể to lên tạo thành bướu cổ.

3. Thực phẩm chứa nhiều iod

Theo BS. Nguyễn Trọng Hưng, các rối loạn do thiếu iod hoàn toàn có thể phòng tránh nếu cơ thể được bổ sung iod đều đặn hàng ngày. Thực phẩm giàu iod gồm các loại hải sản như tảo biển, hàu, cá hồng. Cá hồi đóng hộp, bánh mì, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua cũng chứa iod.

Dưới đây là 7 loại thực phẩm có chứa nhiều iod nhất:

Rong biển: là thực phẩm chứa nhiều iod nhất. Dù ở dạng khô hay tươi hoặc với bất kỳ loại rong biển nào, chúng đều là những nguồn iod tuyệt vời. Một số rong biển khô có thể chứa tới 500 mcg iod/100g rong.

7 loại thực phẩm giàu iod hàng đầu- Ảnh 2.

Rong biển chứa nhiều iod nhất.

Muối biển: là một trong những nguyên liệu cần được ưu tiên khi bạn muốn bổ sung iod. Iod cũng được thêm vào nhiều loại muối để thuận tiện cho sử dụng hàng ngày. Sử dụng muối ăn có bổ sung iod hàng ngày là biện pháp chính để phòng chống các rối loạn do thiếu iod.

Hải sản có vỏ: Nhiều loại hải sản chứa hàm lượng iod khá cao. Ví dụ trong 100g tôm hùm sống có chứa 240 mcg iod, 100g tôm sú nấu chín có 260 mcg iod, 100g thịt vẹm chứa 197mcg iod.

Cá biển: Cá biển là nguồn cung cấp iod không nên bỏ qua. Ví dụ, trong 100g cá tuyết chấm đen hấp có 260mcg iod, trong 100g cá tuyết hun khói có 255mcg, 100g cá hồi sống có 214mcg iod, trong 100g cá ngừ có 170mcg iod.

Trứng: Trứng là nguồn dinh dưỡng phong phú, không chỉ chứa nhiều vitamin (A, B, D, E) mà còn có iod. Trong lòng đỏ trứng chín chứa 192mcg iod/100g và lòng đỏ trứng sống chứa 175mcg / 100g. Trứng là nguồn cung cấp iod dồi dào, trong đó lòng đỏ là nguồn cung cấp chính.

Phô mai: Một số loại phô mai có hàm lượng iod khá cao, dao động từ 70mcg-125mcg/100g.

Rau chân vịt: Nổi tiếng vì giàu kali, magie, canxi, cải bó xôi (rau chân vịt) rất tốt cho sức khỏe của bạn và khi làm salad, chúng cũng chứa 60mcg iod/100g rau sống.

Hàm lượng iod trong thực phẩm phụ thuộc vào hàm lượng của iod trong đất và nước của nơi nuôi trồng thực phẩm. Nếu được bổ sung iod trong sản xuất và chăn nuôi thì các loại rau, thịt, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là nguồn iod đáng kể.

Bổ sung quá ít hoặc quá nhiều iod có nguy hiểm không?Bổ sung quá ít hoặc quá nhiều iod có nguy hiểm không?

SKĐS - Iod là một nguyên tố cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể, nhất là não bộ. Một chế độ ăn uống lành mạnh cần cung cấp đủ iod, nhưng quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

5 thực phẩm có lợi cho người khó ngủ.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn