Thực phẩm có thể giảm buồn nôn
1. Gừng giúp giảm buồn nôn
Gừng đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để kiểm soát chứng buồn nôn liên quan đến thai kỳ và một số bệnh tật liên quan. Gừng có nhiều dạng, chẳng hạn như:
- Trà gừng
- Kẹo gừng
- Gia vị
- Dạng thô
- Nước ép trộn vào sinh tố, nước sốt…
Không giống như các loại thuốc thảo dược và thực phẩm bổ sung khác, gừng thường được coi là an toàn và rẻ tiền.

Gừng giúp giảm buồn nôn.
2. Trái cây lạnh
Trái cây ướp lạnh (hoặc đông lạnh) là lựa chọn tốt giúp giảm buồn nôn. Chúng không chỉ cung cấp cả chất dinh dưỡng và nước mà thực phẩm lạnh thường ít mùi hơn thực phẩm nóng. Khi buồn nôn, mùi thường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
3. Nước dùng
Nước dùng là một món ăn cổ điển để ăn khi bạn bị ốm, là loại nước nhạt, đặc biệt hữu ích nếu mùi hương làm bạn buồn nôn hơn. Ngoài ra, hầu hết chúng đều giàu chất điện giải, có thể bổ sung khoáng chất bị mất đi, đặc biệt là do nôn hoặc tiêu chảy. Các loại nước dùng phổ biến bao gồm nước dùng được nấu từ rau, thịt gà, thịt bò hoặc cá…
Để bổ sung protein, hãy chọn nước dùng xương từ thịt gà hoặc thịt bò. Nước dùng xương có hàm lượng protein cao, giúp điều chỉnh hormone và hệ thống miễn dịch.
4. Bánh quy hoặc bánh mì nướng
Bánh quy giòn và bánh mì nướng là những thực phẩm nhạt, dễ tiêu hóa, không có mùi nồng. Các thực phẩm này đều chứa carbohydrat cung cấp năng lượng nhanh cho cơ thể. Do đó, đây là lựa chọn tuyệt vời để ăn khi bạn buồn nôn hoặc đang bị bệnh.
5. Trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc như trà gừng hoặc trà bạc hà thường được dùng để kiểm soát buồn nôn. Một nghiên cứu nhỏ về những người đang trải qua hóa trị cho thấy trà bạc hà làm giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn và chán ăn. Các nghiên cứu khác thậm chí còn phát hiện ra rằng, chỉ cần mùi bạc hà cũng có thể giúp giảm buồn nôn khi mang thai.
6. Sốt táo
Sốt táo là món ăn được nhiều người ưa thích, đặc biệt là trẻ em, để kiểm soát chứng buồn nôn. Sốt táo có vị ngọt và cung cấp carbohydrate để tạo năng lượng. Sốt táo là một phần của chế độ ăn BRAT, đây là chế độ ăn ngắn hạn được sử dụng cho bất kỳ căn bệnh nào gây buồn nôn.
Táo nghiền cũng có chất xơ, có thể hữu ích trong việc làm đầy phân và kiểm soát tiêu chảy. Chất xơ giúp cả thực phẩm và đồ uống đi qua ruột dễ dàng hơn.

Chuối giúp kiểm soát chứng buồn nôn.
7. Chuối
Chuối cũng là một loại trái cây trong chế độ ăn BRAT. Chuối có những lợi ích tương tự như sốt táo, như cung cấp chất xơ và năng lượng nhanh. Chuối cũng chứa kali, chỉ một quả chuối có khoảng 9% lượng kali được khuyến nghị trong chế độ ăn uống (RDA). Kali là chất điện giải có thể dễ dàng bị mất đi khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, vì vậy việc bổ sung kali là rất quan trọng.
Nên tránh những thực phẩm nào khi bị buồn nôn?
Mặc dù có rất nhiều lựa chọn để hỗ trợ buồn nôn, một số loại thực phẩm cũng có thể gây ra hoặc làm buồn nôn nặng hơn nên tránh:
- Thức ăn béo hoặc nhiều dầu mỡ
- Chất thay thế đường, như aspartame, sucralose và saccharin
- Rượu đường, như erythritol và xylitol
- Caffeine
- Rượu bia
- Thức ăn cay
- Sản phẩm từ sữa
- Đồ uống có ga
- Các loại rau họ cải, như bông cải xanh và súp lơ, có thể khó tiêu hóa …
Những mẹo khác để chống buồn nôn
Các mẹo và thủ thuật có thể giảm buồn nôn bao gồm:
- Ăn nhiều bữa nhỏ nhưng thường xuyên hơn.
- Ăn những thực phẩm có ít hoặc không có mùi, tránh ăn trong môi trường có mùi thơm nồng.
- Tránh nằm ngay sau khi ăn vì có thể gây trào ngược axit hoặc ợ nóng. Nếu có thể, hãy ngồi thẳng trong khoảng 2 giờ sau khi ăn.
Mời bạn xem thêm video:
Gừng : 7 lợi ích sức khỏe tuyệt vời nhiều người có thể không biết | SKĐS