1. Cách chăm sóc điều trị bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh lý ngoài da phổ biến, tình trạng da khô, ngứa gãi nhiều không chỉ gây mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ… mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh. Nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách dễ dẫn đến các biến chứng như viêm da bội nhiễm gây tổn thương sâu, đau đớn.
Theo điều dưỡng CKI Đoàn Thị Thu Hằng, Khoa Da liễu-Dị ứng-Miễn dịch, BV 19-8, người bị viêm da cơ địa cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và lưu ý chế độ chăm sóc và dinh dưỡng như sau:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt sau khi đổ nhiều mồ hôi, giữ cho vùng da thương tổn được khô ráo. Bôi dưỡng ẩm ngay sau khi tắm và bôi bất cứ khi nào cảm thấy da khô để da luôn đủ ẩm, tạo hàng rào bảo vệ da với môi trường bên ngoài.
- Cần tránh xa các chất tẩy rửa (như xà phòng, nước rửa chén…) cũng như tránh các tác nhân dị ứng như khói bụi, lông súc vật…
- Về chế độ ăn uống cần tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng từ rau xanh, trái cây, tránh uống rượu bia, hút thuốc lá…
Thức ăn và dị nguyên là nguyên nhân quan trọng gây đợt cấp của viêm da cơ địa trẻ em, cũng có thể gặp ở người lớn. Vì vậy trong thực đơn hằng ngày của người bị viêm da cơ địa nên tránh hoặc thận trọng với những thực phẩm dễ gây dị ứng như một số loại hải sản; sữa và các chế phẩm liên quan, đậu phộng…
2. Vì sao người bệnh viêm da cơ địa nên tránh thực phẩm dễ gây dị ứng?
Dị ứng thực phẩm là kết quả của phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch. Cơ thể chúng ta phản ứng với một loại thực phẩm nhất định như thể nó có hại hoặc nguy hiểm, từ đó gây ra các triệu chứng như: ngứa, nổi mề đay, sưng tấy, ngứa ran trong miệng, ho và nôn mửa.
Trường hợp dị ứng thực phẩm nghiêm trọng có thể gây sốc phản vệ. Đây là một phản ứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng dị ứng thực phẩm xảy ra phổ biến hơn ở những người mắc bệnh viêm da cơ địa. Viêm da dị ứng cũng được cho là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự phát triển dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ.
Ngoài các đợt bùng phát bệnh viêm da cơ địa, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và khó thở, vì vậy các nhà nghiên cứu lưu ý nếu thấy trẻ có phản ứng như vậy sau khi ăn nên cho trẻ kiểm tra dị ứng thực phẩm.
3. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng
Các loại hạt
Dị ứng hạt là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em và người lớn. Các loại hạt có nhiều loại bao gồm: hạnh nhân, quả óc chó, quả hồ đào, hạt điều… Nếu bạn bị dị ứng với một loại hạt rất có thể bạn cũng sẽ có phản ứng tương tự với các loại hạt khác.
Đậu nành
Dị ứng đậu nành có thể gây ra nhiều phản ứng khác nhau như phát ban da đặc trưng bởi rất nhiều mụn nhỏ nổi lên, màu đỏ và rất ngứa.
Đối với những người bị dị ứng đậu nành, tiêu thụ các sản phẩm đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ hay sốt mayonnaise có thể gây ra phản ứng miễn dịch, gây ra các phản ứng trên da như viêm da cơ địa.
Dị ứng trứng
Dị ứng trứng có thể dẫn đến phát ban và một số các phản ứng có thể nghiêm trọng. Protein trong trứng là nguyên nhân gây ra dị ứng. Mọi người có thể chỉ bị dị ứng với các bộ phận cụ thể của trứng như lòng trắng hoặc lòng đỏ.
Trái cây họ cam quýt
Ăn trái cây họ cam quýt như cam, chanh và bưởi có thể gây kích ứng bệnh chàm. Trên thực tế, ngay cả khi tiếp xúc với vỏ trái cây họ cam quýt cũng có thể gây ngứa, khô da, đỏ hoặc rát.
Lúa mì
Protein có trong lúa mì cũng là nguyên nhân gây phản ứng dị ứng. Cũng như các trường hợp dị ứng thực phẩm khác, nổi mày đay là một triệu chứng phổ biến khi bị dị ứng lúa mì. Những người bị bệnh hen suyễn hoặc viêm da cơ địa dễ bị dị ứng với lúa mì hơn.
Động vật có vỏ
Động vật có vỏ dễ gây dị ứng nhất là: tôm, cua, ngao, trai, sò, mực, bạch tuộc… Phản ứng của da với động vật có vỏ có thể bao gồm phát ban. Dị ứng động vật có vỏ cũng có xu hướng nghiêm trọng và có thể dẫn đến các phản ứng đe dọa tính mạng.
Sữa bò
Sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò như bơ, phô mai… cũng là một trong những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em. Cần lưu ý, việc chuyển từ sữa bò sang sữa có nguồn gốc thực vật như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân cần theo dõi vì thực tế đậu nành và các loại hạt cũng là những thực phẩm nằm trong danh sách dễ gây dị ứng.
Mặc dù những thực phẩm trên có thể gây dị ứng đối với người bị viêm da cơ địa nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa Da liễu, không nhất thiết phải tránh tất cả những thực phẩm có thể gây dị ứng nói trên vì cơ địa mỗi người là khác nhau. Có người bị dị ứng với thực phẩm này nhưng người khác lại không. Tốt nhất nên ghi lại chép lại thực đơn cụ thể, đặc biệt đối với trẻ. Nếu thấy có biểu hiện dị ứng với loại thực phẩm nào thì tránh loại thực phẩm đó.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Một số bệnh về da dễ mắc khi nồm ẩm và cách phòng ngừa.