1. Enzyme tiêu hóa hoạt động như thế nào?
Tiêu hóa là một quá trình phức tạp, bắt đầu khi chúng ta nhai thức ăn, quá trình này sẽ giải phóng các enzyme giúp phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng.
Enzyme tiêu hóa đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tiêu hóa, trong việc phân hủy thức ăn bằng cách tăng tốc độ phản ứng hóa học biến chất dinh dưỡng thành các chất mà đường tiêu hóa có thể hấp thụ. Chúng được tiết ra bởi tuyến nước bọt và các tế bào lót dạ dày, tuyến tụy và ruột non.
Các loại enzyme khác nhau có chức năng phân hủy các chất dinh dưỡng khác nhau. Những enzyme này tối ưu hóa sự hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Nó cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe đường ruột.
Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, enzyme là một loại protein ở trong các tế bào. Chức năng của enzyme là giúp đẩy nhanh các phản ứng hóa học trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa.
Các chất dinh dưỡng trong thức ăn đều là các chất phức tạp và có thể mất một thời gian dài để phân hủy và hấp thụ vào cơ thể nếu không có sự tham gia của các enzyme tiêu hóa. Enzyme không chỉ có trong nước bọt mà còn xuất hiện trong dịch tiêu hóa của suốt quá trình tiêu hóa. Thậm chí mỗi loại enzyme còn có chức năng phân giải những loại hợp chất khác nhau trong thức ăn.
2. Các loại enzyme tiêu hóa chính
Nghiên cứu cho thấy, mỗi loại enzyme tiêu hóa có chức năng phân hủy các chất dinh dưỡng khác nhau và chia nó thành dạng để cơ thể có thể hấp thụ được. Các enzyme tiêu hóa quan trọng nhất là: amylase, maltase, lactase, lipase, protease, sucrase.
Enzyme amylase: Amylase rất quan trọng để tiêu hóa carbohydrate. Nó phân hủy tinh bột thành đường. Amylase được tiết ra bởi cả tuyến nước bọt và tuyến tụy. Việc đo nồng độ amylase trong máu đôi khi được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về tuyến tụy hoặc các bệnh về đường tiêu hóa khác.
Enzyme maltase: Ruột non giải phóng maltase, chất này chịu trách nhiệm phân hủy maltose (đường mạch nha) thành glucose (đường đơn). Cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Trong quá trình tiêu hóa, tinh bột được chuyển hóa một phần thành maltose nhờ amylase. Enzym maltase sau đó biến đổi maltose thành glucose. Đường này sau đó được cơ thể sử dụng ngay lập tức hoặc được lưu trữ trong gan dưới dạng glycogen để sử dụng trong tương lai.
Lactase: Lactase là một loại enzyme phân hủy đường lactose, một loại đường có trong các sản phẩm sữa. Nó biến lactose thành đường đơn giản là glucose và galactose. Lactase được sản xuất bởi các tế bào được gọi là tế bào ruột nằm dọc theo đường ruột. Lactose không được hấp thụ sẽ bị vi khuẩn trong ruột lên men. Điều này có thể khiến bạn bị đầy hơi và đau bụng.
Lipase: Lipase chịu trách nhiệm phân hủy chất béo thành axit béo và glycerol. Nó được sản xuất với số lượng nhỏ ở miệng và dạ dày và nhiều hơn ở tuyến tụy.
Protease: Protease được sản xuất trong dạ dày và tuyến tụy, còn được gọi là peptidase, phân giải proteinenzyme hoặc proteinase, các enzyme tiêu hóa này phân hủy protein thành acid amin.
Sucrase: Sucrase được ruột non tiết ra, nơi nó phân hủy sucrose (đường trong đường ăn) thành fructose và glucose. Đây là những loại đường đơn giản hơn mà cơ thể có thể hấp thụ. Sucrase được tìm thấy dọc theo nhung mao ruột, có những cấu trúc nhỏ giống như sợi tóc nằm dọc theo ruột và hấp thụ chất dinh dưỡng vào máu.
Có nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau có thể cản trở việc cơ thể tiết ra đủ enzyme tiêu hóa để tiêu hóa hoàn toàn thức ăn như: tình trạng không dung nạp lactose; thiếu hụt alactase bẩm sinh; lactase tồn tại không bền vững; không dung nạp lactose thứ phát (phát triển khi việc sản xuất lactase bị giảm do các bệnh có thể gây tổn thương ruột non); các tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến tuyến tụy (tuyến tụy sản xuất các enzyme tiêu hóa quan trọng là amylase, protease và lipase)…
Theo TS. Trần Thị Bích Nga, chuyên khoa tiêu hóa, nguyên giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, có thể điều trị tình trạng thiếu hụt enzyme tiêu hóa bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc bổ sung enzyme theo hướng dẫn của bác sĩ. Có nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày, đặc biệt là một số trái cây và thực phẩm lên men có chứa các enzyme hỗ trợ tốt cho tiêu hóa và sức khỏe đường ruột.
3. Một số thực phẩm chứa enzyme hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa
3. 1. Quả dứa
Dứa có chứa bromelain, một hỗn hợp các enzyme giúp tiêu hóa protein. Do vậy, dứa thường được sử dụng như một thức uống giúp dễ tiêu và dùng để ướp các loại thịt giúp thịt nhanh mềm và tạo hương vị thơm ngon.
Vì bromelain giống như các enzyme tiêu hóa khác, rất nhạy cảm với nhiệt nên ăn dứa sống là cách tốt nhất để tận dụng lợi ích của nó. Cần lưu ý cũng không nên uống quá nhiều nước ép dứa vì nước ép dứa chứa nhiều đường. Một cốc nước ép dứa có khoảng 25g đường, trong khi cùng một lượng dứa tươi có khoảng 16g.
3. 2. Quả bơ
Quả bơ có chứa lipase, một loại enzyme cần thiết cho quá trình chuyển hóa và tiêu hóa chất béo. Không chỉ chứa nhiều chất béo lành mạnh, bơ còn giàu chất xơ tốt cho tiêu hóa và dễ chế biến được nhiều món ăn nhẹ ngon miệng như: salad bơ, sinh tố bơ, bánh nướng bơ…
3. 3. Chuối
Không chỉ là một nguồn cung cấp kali dồi dào, chuối cũng rất giàu các enzyme như amylase và maltase. Amylase giúp phân hủy các loại carbs phức tạp, giống như những loại có trong bánh mì và ngũ cốc, trong khi maltase giúp phân hủy đường mạch nha có trong thực phẩm carbohydrate như ngũ cốc giàu tinh bột. Nên ăn trực tiếp hoặc cho chuối vào ngũ cốc hoặc bột yến mạch, hoặc làm sinh tố chuối cũng rất ngon.
3.4. Xoài tốt cho sức khỏe tiêu hóa
Giống như chuối, xoài cũng chứa amylase giúp cơ thể dễ dàng phân hủy tinh bột thành các phân tử carb nhỏ hơn và hấp thụ chúng.
3.5. Đu đủ
Trong quả đu đủ có chứa enzyme được gọi là papain, giúp phân hủy protein. Giống như dứa, nên ăn đu đủ chín, không đun qua nhiệt để có lợi ích tiêu hóa tối đa vì nhiệt độ có thể làm hỏng enzyme papain.
3. 6. Sữa chua Kefir
Kefir về cơ bản là sữa lên men có bổ sung thêm nấm men, vi khuẩn acid lactic và axetic. Nó chứa các enzyme tiêu hóa lipase (phân hủy chất béo), lactase (phân hủy đường sữa) và protease (protein). Bạn có thể uống trực tiếp hoặc thêm sữa chua kefir vào yến mạch hoặc trộn sinh tố quả mọng ngọt để cân bằng vị của kefir.
3. 7. Dưa bắp cải
Nhờ quá trình lên men, dưa bắp cải là nguồn cung cấp nhiều loại enzyme tiêu hóa tuyệt vời có thể giúp cơ thể bạn phân hủy protein, chất béo và tinh bột. Bạn nên tự làm hoặc mua dưa cải bắp làm từ nước và muối để giữ nguyên các enzyme có lợi cho tiêu hóa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
8 tác dụng tuyệt vời khi ăn dứa không phải ai cũng biết.