Theo PGS. Bùi Khắc Hậu, nguyên giảng viên Bộ môn Nội, Đại học Y Hà Nội, bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng ở hậu môn và trực tràng, có thể gây đau, ngứa và chảy máu trực tràng.
Bệnh trĩ có hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội nằm trong trực tràng và thường không nhìn thấy hoặc sờ thấy được. Trĩ ngoại nằm bên dưới lớp da của hậu môn.
Nhiều người cho rằng bệnh trĩ tự nhiên phát triển mà không có lý do nhưng thực tế có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh mà bạn có thể không biết. Chẳng hạn như ngồi lâu trên bồn cầu, rặn khi đi cầu...
Bên cạnh đó, các vấn đề về đường ruột nói chung như tiêu chảy do lo lắng hoặc táo bón liên quan đến chế độ ăn uống ít chất xơ có thể dẫn đến bệnh trĩ.
Ngoài ra, béo phì, mang thai, giao hợp qua đường hậu môn, hoặc các yếu tố khác như tuổi tác, nghề nghiệp cũng khiến bệnh trĩ xuất hiện và tăng nặng.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ, bạn nên thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ, giữ đủ nước và tập thể dục thường xuyên, ít căng thẳng. Nếu bạn đã bị trĩ thì có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm đau đớn, bất tiện.
Bệnh trĩ khiến người bệnh đau đớn, khó chịu trong hoạt động hàng ngày.
1. Các biện pháp tại nhà giảm triệu chứng bệnh trĩ
1.1 Tắm nước ấm với muối
Tắm nước ấm có thể giúp làm dịu kích ứng do bệnh trĩ. Bạn có thể sử dụng bồn tắm ngồi (một bồn nhựa nhỏ vừa với bệ ngồi của nhà vệ sinh) để có thể ngâm khu vực bị ảnh hưởng - hoặc tắm trong bồn nếu có thể.
Thử tắm nước ấm hoặc ngâm ngồi trong 20 phút sau mỗi lần đi tiêu. Thêm muối vào bồn tắm có thể giúp giảm đau, dễ chịu hơn.
Tắm nước ấm giúp giảm đau do bệnh trĩ.
1.2. Chườm lạnh
Theo TS. Monisha Bhanote, chuyên gia tại Mỹ về khoa học dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật, chườm túi đá hoặc gạc lạnh vào hậu môn trong 15 phút mỗi lần, giúp giảm sưng. Đối với những búi trĩ lớn và gây đau, chườm lạnh có thể là một phương pháp hỗ trợ điều trị.
Bạn cần đảm bảo bọc đá bên trong một miếng vải hoặc khăn giấy. Không nên áp trực tiếp đá lạnh hay bất cứ thứ gì đông lạnh lên da.
1.3. Sử dụng chiết xuất cây phỉ
Cây phỉ có thể làm giảm cả ngứa và đau, hai triệu chứng chính của bệnh trĩ ngoại. Nguyên nhân do cây phỉ chứa chất chống viêm tự nhiên, có tác dụng làm giảm sưng tấy.
Bạn có thể sử dụng chiết xuất cây phỉ ở dạng lỏng để bôi trực tiếp lên búi trĩ ngoại hoặc tìm thấy thành phần cây phỉ trong các sản phẩm như khăn lau và xà phòng chống ngứa.
1.4. Nha đam
Gel nha đam thường được sử dụng để điều trị bệnh trĩ và các bệnh ngoài da do có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm kích ứng.
Không có nhiều bằng chứng lâm sàng về hiệu quả của gel nha đam đối với bệnh trĩ nhưng Trung tâm Sức khỏe Tích hợp và Miễn phí Quốc gia Mỹ liệt kê nha đam là một thảo dược an toàn khi sử dụng tại chỗ.
Gel nha đam có thể được tìm thấy như một thành phần trong các sản phẩm khác như kem chống nắng hoặc kem dưỡng da, nhưng bạn chỉ nên sử dụng gel nha đam nguyên chất cho bệnh trĩ, vì các thành phần và chất phụ gia khác có thể gây kích ứng.
Gel nha đam nguyên chất cũng có thể được thu hoạch trực tiếp từ bên trong lá cây nha đam. Cần cảnh giác với phản ứng dị ứng với nha đam, đặc biệt là những người dị ứng với tỏi hoặc hành. Kiểm tra phản ứng dị ứng bằng các bước sau:
- Chà một lượng cỡ đồng xu lên cẳng tay của bạn.
- Chờ 24 đến 48 giờ.
- Nếu không có phản ứng xảy ra, bạn có thể sử dụng nha đam an toàn.
Nha đam tốt cho bệnh trĩ
1.5. Dùng khăn lau nhẹ nhàng
Sử dụng giấy vệ sinh sau khi đi tiêu có thể gây kích ứng bệnh trĩ hiện có. Khăn lau ẩm giúp giữ cho bạn sạch sẽ mà không gây kích ứng thêm.
Bạn cũng có thể sử dụng khăn lau có thành phần chống trĩ nhẹ nhàng, chẳng hạn như nước cây phỉ hoặc lô hội. Đảm bảo rằng khăn lau bạn chọn không có cồn, nước hoa hoặc các chất kích ứng khác, vì những chất này có thể làm cho các triệu chứng bệnh trĩ tồi tệ hơn.
1.6. Mặc quần áo cotton rộng rãi
Thay quần áo chật, polyester bằng cotton thoáng khí (đặc biệt là đồ lót bằng cotton) để giúp giữ cho vùng hậu môn vừa sạch vừa khô. Điều này có khả năng làm giảm các triệu chứng và nguy cơ nhiễm trùng ở vết loét hở hoặc da thô, bị tổn thương.
Tránh sử dụng chất tẩy rửa có mùi thơm hoặc chất làm mềm vải để giúp giảm kích ứng.
1.7. Sử dụng dầu dừa
Dầu dừa có đặc tính kháng viêm mạnh, theo nghiên cứu năm 2008, dầu dừa có thể giảm viêm và sưng tấy. Đặc tính giảm đau của dầu dừa có thể giúp giảm bớt sự khó chịu do bệnh trĩ gây ra. Theo nghiên cứu năm 2014, đặc tính kháng khuẩn của dầu dừa giúp bệnh trĩ lành nhanh hơn.
Dầu dừa cũng có thể giúp giảm táo bón nhờ tác dụng nhuận tràng, vì táo bón hoặc căng thẳng khi đi tiêu là nguyên nhân phổ biến của bệnh trĩ, nên điều này có thể giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh.
Bạn có thể dùng dầu dừa để điều trị bệnh trĩ bằng cách dùng bông gòn bôi lên trĩ ngoại, thêm vào nước tắm...
Dầu dừa chữa bệnh trĩ
Phương pháp điều trị tại nhà nào không nên sử dụng đối với bệnh trĩ:
Bạn nên tránh bất kỳ phương pháp điều trị nào có chứa các thành phần nước hoa nhân tạo, rượu bia, hóa chất... để tránh làm tăng nặng các triệu chứng.
2. Biện pháp ngăn ngừa bệnh trĩ
Thay đổi lối sống như thực hiện chế độ ăn cân bằng, nhiều chất xơ, duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, uống nhiều nước, tránh ngồi trong thời gian dài... giúp giữ cho nhu động ruột đều đặn, ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy hay táo bón, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Bên cạnh đó, cách hiệu quả nhất để tránh táo bón là đi vệ sinh khi bạn cảm thấy muốn đi vệ sinh lần đầu tiên. Tránh nhịn đi ngoài vì khi nhịn là trì hoãn nhu động ruột khiến ruột tái hấp thu nước từ phân, làm cho phân cứng hơn khi bạn đi ngoài. Đây chính là nguy cơ gây bệnh trĩ.
Mời bạn xem tiếp video:
Vì sao một số người luôn bị muỗi đốt? | SKĐS