7 điều cần nhớ để tránh kì thị trong thời COVID

14-05-2021 21:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, một số thuật ngữ có thể khơi dậy sự kỳ thị xã hội trong đại dịch COVID-19.

WHO dẫn ví dụ các từ như “ca nghi nhiễm”. Từ này có thể cổ xúy các định kiến tiêu cực hiện đã tồn tại, củng cố thêm các mối liên hệ sai lệch giữa căn bệnh và các nhân tố khác, tạo ra nỗi sợ, hoặc hạ thấp phẩm giá của người bệnh. Điều này có thể khiến mọi người ngần ngại đi sàng lọc, xét nghiệm và đi kiểm dịch.

>>> Xem thêm: Từ nam sinh bê cỗ cưới mắc COVID-19 đến nỗi lo bị kỳ thị mùa dịch

Theo WHO, giảm bớt được sự kỳ thị xã hội đối với các căn bệnh như COVID-19 đồng nghĩa với việc tính hiệu quả của các nỗ lực ứng phó sẽ được nâng cao. Kỳ thị xã hội trong lĩnh vực sức khỏe là việc liên hệ một cách tiêu cực những người có một số điểm chung nào đó với một căn bệnh cụ thể. Khi dịch bệnh bùng phát, những người được cho là có mối liên hệ với căn bệnh sẽ có khả năng bị phân biệt đối xử. Họ có thể bị cô lập hoặc mất đi chỗ đứng trong xã hội.

Chính vì thế, WHO khuyến nghị các quốc gia, tổ chức sử dụng ngôn ngữ mang tính nhân văn, thể hiện sự tôn trọng và khích lệ người dân tham gia vào mọi kênh giao tiếp, bao gồm cả truyền thông đại chúng. Từ ngữ được dùng trên truyền thông đại chúng đặc biệt quan trọng, vì chúng sẽ hình thành xu hướng ngôn ngữ và truyền thông về COVID-19. Những bản tin tiêu cực có thể ảnh hưởng đến sự nhìn nhận và đối xử của cộng đồng xã hội đối với người nghi có COVID-19, người bệnh, gia đình họ và các cộng đồng bị ảnh hưởng khác.

Dưới đây là một số điều “NÊN” và “KHÔNG NÊN” trong việc sử dụng ngôn từ khi nói về COVID-19 theo khuyến cáo của WHO:

1. NÊN nói về bệnh do chủng vi rút corona mới gây ra (COVID-19) KHÔNG NÊN liên hệ bệnh với một địa danh hoặc một dân tộc nào đó. Tên chính thức của bệnh dịch đã được chọn lựa một cách thận trọng nhằm tránh gây kỳ thị - “co” là viết tắt của Corona, “vi” là viết tắt của vi rút và “d” là viết tắt của bệnh (disease),19 là do dịch bệnh xuất hiện vào năm 2019.

2. NÊN nói về “người có COVID-19”, “người đang được điều trị COVID-19”, “người đang hồi phục sau khi có COVID-19” hoặc “người qua đời sau khi có COVID-19”. Ngược lại, KHÔNG NÊN gọi người có bệnh là “ca nhiễm COVID-19” hay “nạn nhân”.

3. NÊN nói về “người có khả năng có COVID-19” hoặc “người được cho là đã có COVID-19”. KHÔNG NÊN nói về “người bị nghi” hoặc “ca bị nghi” có COVID-19.

4. NÊN nói về người “mắc” hoặc “có” COVID-19. Không nên nói về những người “lây truyền COVID-19”, “lây nhiễm cho người khác” hay “phát tán vi rút” vì sẽ hàm ý rằng họ cố ý lây truyền dịch bệnh và quy kết trách nhiệm cho họ. Việc sử dụng các thuật ngữ thiếu tính nhân văn sẽ tạo cảm giác rằng người có bệnh đã phạm sai lầm nào đó hoặc họ có đạo đức, phẩm chất thua kém những người khác trong xã hội. Điều này làm tăng sự kỳ thị, làm mất đi sự cảm thông và có thể khiến người bệnh do dự trong việc đi điều trị hoặc sàng lọc, xét nghiệm và cách ly.

5. NÊN tuyên truyền một cách chính xác về nguy cơ của COVID-19, dựa trên các dữ liệu khoa học và lời khuyên chính thức và cập nhật nhất của ngành y tế. KHÔNG NÊN dùng ngôn từ phóng đại, thái quá để tạo ra sự sợ hãi như “đại họa” hay “ngày tận thế”.

6. KHÔNG NÊN nhắc lại hoặc chia sẻ các tin đồn chưa được kiểm chứng. Nên tuyên truyền một cách tích cực và nhấn mạnh hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Đây là bệnh mà hầu hết mọi người khi mắc đều có thể bình phục. Chúng ta có thể thực hiện các bước đơn giản để giữ an toàn cho bản thân, người thân của chúng ta cũng như những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta cần chung tay để bảo đảm an toàn cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất. Không nên nhấn mạnh hay tập trung vào những điều tiêu cực hay thông điệp mang tính chất đe dọa.

7. NÊN nhấn mạnh hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19, cũng như của việc sớm đi kiểm tra, xét nghiệm và điều trị.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn