7 điểm khác biệt giữa các giải pháp cải thiện hội chứng tiền mãn kinh

03-06-2021 14:59 | Thông tin dược học

SKĐS - Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe: Sụt giảm nội tiết tố estrogen dẫn đến những cơn bốc hỏa, nóng bừng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi cảm xúc, rối loạn giấc ngủ… và tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như loãng xương, béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu...

Giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài trung bình 4 năm. Nhưng tùy cơ địa, thời gian có thể rút ngắn từ vài tháng tới một năm, hoặc có khi kéo dài tới 10 năm. Dù thời gian ngắn hay dài, thì những thay đổi về sinh lý, sức khỏe cũng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ giai đoạn này.

Ngoài việc thay đổi lối sống lành mạnh, những giải pháp khắc phục hội chứng tiền mãn kinh được biết đến hiện nay bao gồm: Liệu pháp hormone, bổ sung phytoestrogen – hormone thực vật thay thế như isoflavon, hoặc thảo dược có tác dụng giảm các triệu chứng tiền mãn kinh.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormon

Liệu pháp hormone bao gồm estrogen, progestogen hoặc phối hợp cả hai. Đây được cho là cách điều trị hiệu quả nhất các triệu chứng tiền mãn kinh. Liệu pháp hormone giúp giảm nhẹ các cơn bốc hỏa từ vừa đến nặng. Nếu có estrogen sẽ giảm cả các triệu chứng do teo âm hộ và âm đạo. Estrogen có tác dụng tốt với mật độ xương, giảm tỉ lệ gãy xương ở phụ nữ tiền mãn kinh (không có loãng xương trước đó).

Bên cạnh những tác dụng tích cực, liệu pháp hormone cũng tồn tại những rủi ro cần được cân nhắc khi sử dụng. Rủi ro với estrogen hoặc phối hợp estrogen/progestogen: Ung thư niêm mạc tử cung, ung thư vú, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, đột quỵ, tiểu không tự chủ…

Nguy cơ ung thư tăng lên sau 3 – 5 năm điều trị hormone phối hợp, hoặc sau 7 năm nếu điều trị riêng estrogen. Những rủi ro này rất thấp ở những phụ nữ khỏe mạnh sử dụng liệu pháp hormone trong thời gian ngắn. Ngoài ra progestogen cũng có thể gây các tác dụng phụ như chướng bụng, đau đầu, căng vú, tăng LDL cholesterol.

Liệu pháp hormone có thể sử dụng dạng đường uống, qua da (miếng dán, kem dưỡng da, dạng xịt, gel bôi), hoặc đặt âm đạo. Liều điều trị phụ thuộc độ tuổi, thời gian mãn kinh của người phụ nữ. Do đó liệu pháp hormone cần được các bác sĩ lâm sàng thăm khám và chỉ định, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của liệu pháp mang lại.

Liệu pháp hormone thực vật

Hormon thực vật

Một trong những hormone thực vật phổ biến nhất là isoflavon. Isoflavon gồm một nhóm chất có tác dụng tương tự estrogen yếu trong cơ thể. Thành phần chính của isoflavon là genistein và daidzein. Daidzein chuyển hóa tại ruột thành equol có hoạt tính estrogen mạnh gấp 5 lần chất mẹ daidzein và gấp 2 lần hoạt tính của genistein.

Nếu như estrogen gắn chủ yếu vào thụ thể α-estrogen có mặt tại tử cung, buồng trứng và tuyến vú, thì genistein và chất chuyển hóa equol của daidzein lại có ái lực thụ thể β-estrogen tại thành mạch máu, não, bàng quan niệu đạo, niêm mạc ruột, phổi và xương. Chính sự khác biệt này khiến isoflavon có tác dụng với các triệu chứng tiền mãn kinh mà không gặp phải nguy cơ rủi ro như liệu pháp bổ sung estrogen.

Isoflavon có trong các loài đậu thuộc họ Fabaceae như đậu xanh, đậu nành/ đậu tương, đậu phộng… Trong đó đậu nành là nguồn isoflavon quan trọng. Trong 1g đậu nành chứa khoảng 1.5mg isoflavon. Hàm lượng isoflavon cao nhất đến từ các nguồn đậu nành chưa qua chế biến như đậu edamame, sữa đậu nành…

Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của isoflavon trên các triệu chứng tiền mãn kinh: Giảm từ 10-20% tần suất, mức độ nghiêm trọng các cơn bốc hỏa; giảm LDL cholesterol là tác nhân chính gây ra bệnh xơ vữa mạch, bệnh mạch vành; giảm các yếu tố của quá trình hủy xương, giảm mất khối lượng xương, ngăn ngừa gãy xương, loãng xương; cải thiện việc kiểm soát đường huyết và giảm cân ở phụ nữ tiễn mãn kinh, mãn kinh.

Khi chuyển sang giai đoạn mãn kinh, tiếp tục sử dụng isoflavon kéo dài giúp cải thiện trí nhớ thị giác (Henderson & cộng sự, 2012). Bổ sung 150mg isoflavon hàng ngày trong 5 năm cho thấy tỉ lệ tăng sản nội mạc tử cung cao hơn 4% so với nhóm chứng, nhưng không phát hiện trường hợp ác tính nào (Unfer & cộng sự, 2004). Ngoài ra cũng phải kể đến hiệu quả của isoflavon trong việc hạn chế mất khối lượng xương tăng nhanh trong 5 – 10 năm đầu giai đoạn mãn kinh.

Tuy nhiên, cần thận trọng khi bổ sung isoflavon trong những trường hợp: Bệnh nhân hen có nguy cơ dị ứng cao hơn với đậu nành; bệnh nhân suy giáp cần bổ sung đầy đủ i-ốt và theo dõi chặt chẽ khi bổ sung isoflavon; isoflavon liều cao có thể gây ngộ độc trên bệnh nhân suy thận, tăng khả năng hình thành sỏi thận; isoflavon tương tác bất lợi với một số thuốc: Thuốc chống trầm cảm IMAOs, thuốc chống đông máu, tamoxifen trong điều trị ung thư…

Liệu pháp thảo dược

Thảo dược

Một trong những thảo dược được khá nhiều phụ nữ tiền mãn kinh sử dụng gần đây là tinh dầu hoa anh thảo. Đây là tinh dầu chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo (Evening Primrose Oil viết tắt là EPO). Thành phần chính của EPO là axit béo omega-6, chiếm 74% là axit linoleic và 9% là axit g-linoleic (GLA).

Các axit béo trong tinh dầu hoa anh thảo là axit béo thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được, phải bổ sung qua chế độ ăn hoặc thực phẩm bổ sung. Các axit này là tiền chất của các hợp chất tạo ra các eicosanoid chống viêm như prostaglandin loại 1.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ axit linoleic thành axit arachidonic (AA) có thể tạo ra hợp chất chống viêm prostaglandin loại 2 và leukotrienes loại 4. Nhờ đó EPO tác dụng hiệu quả trên các vấn đề do viêm gây ra trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Ngoài ra axit linoleic là một trong những thành phần chính của ceramides xây dựng lớp lipid dưới da. Sự hiện diện của axit linoleic ngăn ngừa da bị bong chóc và mất nước, điều chỉnh quá trình sừng hóa biểu bì, cải thiện độ mềm mại của da.

Theo viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), chưa có đủ bằng chứng chắc chắn cho thấy tinh dầu hoa anh thảo có hiệu quả đối với các vấn đề bệnh lý hay các triệu chứng tiền mãn kinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu quy mô nhỏ được thực hiện cho thấy EPO giúp giảm mức độ trầm trọng các cơn bốc hỏa, nhưng không có sự khác biệt về tần suất cơn bốc hỏa so với nhóm chứng (Farzaneh & cộng sự, 2013).

Khi bổ sung với liều thích hợp, tinh dầu hoa anh thảo được biết khá an toàn và dung nạp tốt. Những tác dụng phụ thường gặp nhất trên đường tiêu hóa là đau bụng, đầy hơi hoặc buồn nôn.

Trên những bệnh nhân bị động kinh, tâm thần phân liệt, sử dụng EPO làm tăng nguy cơ cơn co giật. Ngoài ra tinh dầu hoa anh thảo làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng các thuốc chống đông máu.

Tóm tắt đặc điểm, cơ chế, tác dụng và thận trọng của các liệu pháp cải thiện hội chứng tiền mãn kinh

bảng

Mỗi giải pháp đều có những ưu và nhược điểm. Tuy nhiên mỗi con người là một cá thể riêng biệt, có những đáp ứng với mỗi vấn đề khác nhau. Do đó việc quan trọng là cần thăm khám sức khỏe định kỳ, tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi tự ý quyết định sử dụng bất cứ sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng nào. Điều đó trước tiên đảm bảo an toàn cho chính bạn, và sau đó sẽ giúp cho hiệu quả điều trị được tối ưu.

Dược sĩ Nguyệt Minh
Ý kiến của bạn