Hà Nội

7 dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường type 2

10-07-2018 08:11 | Đời sống
google news

SKĐS - Phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh cho bệnh nhân tiểu đường khỏi những biến chứng nguy hiểm.

Tiểu đường là căn bệnh được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân tử vong xếp hàng  thứ 3 thế giới sau bệnh ung thư và tim mạch. Hiện nay bệnh tiểu đường đang ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do đời sống xã hội ngày một nâng cao, trẻ em ngày càng ít vận động, chế độ ăn quá nhiều năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì, lâu dần sẽ mắc bệnh do chuyển hóa, trong đó có tiểu đường.

Tiểu đường type 2 là căn bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi, từ 40 tuổi trở lên, bệnh xuất hiện ở người trẻ thường là do có yếu tố gia đình hoặc do thừa cân béo phì. Bệnh thường diễn biến âm thầm đến khi xuất hiện triệu chứng hoặc biến chứng người bệnh mới biết mình mắc bệnh.

Bên cạnh các dịch bệnh mới nổi, tiểu đường được cho là căn bệnh đang trở lại và có tốc độ gia tăng nhanh. Dự kiến trong vòng 10 năm tới, số ca mắc tiểu đường sẽ tăng hơn 50% so với hiện nay, đặc biệt ở các nước có thu nhập trung bình trở lên, con số này có thể lên tới 80% các ca hiện nay.

Việc phát hiện và điều trị sớm tiểu đường type 2 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi nếu không được điều trị, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là 7 dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường type 2 mà bạn không nên bỏ qua.

Đi tiểu thường xuyên

Còn được gọi là đa niệu, thường xuyên hoặc đi tiểu nhiều lần là một dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu của bạn cao, nó đã xâm nhập cả vào đường tiết niệu. Quả thận của chúng ta không thể hoạt động nhịp nhàng nếu lượng đường trong cơ thể quá cao, nếu hàm lượng glucose trong nước tiểu cao, nó sẽ phải thu hút một lượng nước từ đó khiến người bệnh phải đi tiểu thường xuyên.

Khát nước

Lúc nào cũng cảm thấy khát là một trong những triệu chứng đáng chú ý đầu tiên của bệnh tiểu đường. Khi đường trong máu tăng lên, kèm theo việc đi tiểu nhiều dẫn đến khát nước, cơ thể bạn lúc đó cần lượng nước để bù lại chỗ đã mất đi. Nhiều người cho rằng cứ uống nước nào cũng có thể được, nhưng rượu bia không bao giờ giải quyết được cơn khát của bệnh.

Hay cảm thấy đói

Chứng thèm ăn hoặc đói dữ dội cũng là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường. Đói là do đường trong máu của bạn quá cao hoặc quá thấp. Đường đảm nhiệm chức năng nuôi tế bào trong cơ thể, khi các tế bào không thể hấp thụ đường do thiếu insulin, cơ thể bạn sẽ phát tín hiệu cần thêm đường để nuôi tế bào, từ đó sinh ra các cơn đói cồn cào trong ruột. Vì vậy người mắc bệnh tiểu đường lúc nào cũng cảm thấy thèm ăn.

Đau hoặc tê bàn tay, chân

Những cảm giác kiến ​​bò hoặc tê ở tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường. Đây là một dấu hiệu thần kinh của bệnh tiểu đường, nhẹ có thể tê bì thoáng qua, nhưng khi đã sưng, đau là đã xuất hiện các tổn thương thần kinh nặng. Nếu người mắc bệnh tiểu đường mà không được điều trị, những biến chứng nặng của bệnh tiểu đường như tê bì hoặc sưng đau chân tay sẽ ngày một trầm trọng.

Lâu lành vết thương

Lý do người bị tiểu đường thường khó lành vết thương hơn những người khác là do đường máu tăng cao, làm lượng máu  lưu thông kém. Bên cạnh tác động đến hệ tuần hoàn, bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng cả đến hệ miễn dịch, cũng góp phần làm người bệnh khó lành các vết nhiễm trùng hoặc vết thương. Nếu xuất hiện triệu chứng này hãy nghĩ tới bệnh tiểu đường.

Nhìn mờ

Mờ mắt thường xảy ra sớm nếu người mắc bệnh tiểu đường không được phát hiện và điều trị. Khi  lượng đường trong máu cao, gây dịch chuyển thủy tinh thể của mắt. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ tự khỏi khi lượng đường trong máu trở về mức bình thường.

Mảng da tối màu

Nếu trên cơ thể xuất hiện những mảng da tối màu, đặc biệt là ở các nếp gấp của da như ở vùng nách, cổ, bẹn... rất có thể đó là dấu hiệu bạn đã mắc tiểu đường loại 2.  Những triệu chứng này được gọi là acanthosis nigricans, là một dấu hiệu của kháng insulin.

Làm thế nào để phòng ngừa mắc căn bệnh thời đại này, các chuyên gia y tế của Mayo Clinic cho biết, hãy thực hiện các nguyên tắc dưới đây đề phòng mắc bệnh tiểu đường type 2:

-          Tập thể dục hàng ngày: việc vận động cơ thể giúp cho hoạt động của insulin nhịp nhàng, hỗ trợ cho quá trình vận chuyển glucose vào máu và biến thành năng lượng cho con người hoạt động.

-          Loại bỏ nguy cơ thừa cân béo phì, bởi bệnh béo phì là cơ hội để gia tăng mắc các bệnh chuyển hóa, trong đó có tiểu đường.

-          Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau và hoa quả tươi, ít thực phẩm giàu carbohydrate.

-          Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm căn bệnh nguy hiểm này.


Mai Hoàng
Ý kiến của bạn