1. Vai trò của collagen
Collagen là một loại protein cấu trúc chiếm khoảng 25–30% tổng lượng protein trong cơ thể người và tới 70–80% thành phần da, đóng vai trò như "khung nâng đỡ" cho các mô liên kết, giữ cho da săn chắc, khớp linh hoạt, mạch máu bền vững, tóc và móng chắc khỏe.
Cơ thể con người có thể tự tổng hợp collagen. Tuy nhiên, từ sau tuổi 25, khả năng này bắt đầu suy giảm khoảng 1–1,5% mỗi năm và tốc độ hao hụt sẽ nhanh hơn nếu có lối sống thiếu lành mạnh, stress, ô nhiễm, ánh nắng mặt trời, hay chế độ ăn nghèo vi chất...

Collagen giúp duy trì tính toàn vẹn của da, xương và khớp.
2. Các dấu hiệu nhận biết thiếu collagen
Dưới đây là những dấu hiệu điển hình, có thể giúp nhận biết sự thiếu hụt collagen:
2.1 Da khô, chùng nhão, xuất hiện nếp nhăn sớm
Collagen là thành phần chính duy trì độ đàn hồi và săn chắc cho da. Khi thiếu hụt, da trở nên khô hơn, kém đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn, đặc biệt là quanh mắt, trán, khóe miệng. Các vết chân chim, rãnh nhăn và tình trạng chảy xệ ở hai bên má là chỉ dấu điển hình của sự suy giảm collagen ở tầng trung bì.
2.2 Tóc yếu, rụng nhiều, móng tay giòn dễ gãy
Collagen có mặt trong cấu trúc nền của tóc và móng. Thiếu hụt collagen khiến tóc dễ khô, xơ, mỏng và rụng nhiều hơn. Móng tay trở nên mềm, dễ tách lớp, khó mọc dài.
2.3 Khớp đau, khô cứng, kêu lạo xạo
Collagen là thành phần quan trọng trong sụn khớp và dịch khớp. Khi thiếu, sụn bị mỏng đi, dịch khớp giảm, gây ra cảm giác cứng khớp vào buổi sáng, đau khi vận động, thậm chí là viêm khớp sớm.
2.4 Vết thương lâu lành
Collagen hỗ trợ quá trình tái tạo mô. Khi thiếu, các vết thương, vết trầy xước, thậm chí mụn cũng sẽ lâu lành hơn bình thường. Đồng thời, các vết thâm sau viêm có xu hướng tồn tại lâu.
2.5 Thành mạch yếu, xuất huyết dưới da
Collagen góp phần tạo nên độ bền vững cho thành mạch. Thiếu hụt khiến mạch máu dễ vỡ, gây ra hiện tượng bầm tím tự phát, nổi mao mạch li ti, hoặc chảy máu chân răng.
2.6 Giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương
Collagen chiếm khoảng 90% chất nền hữu cơ trong xương. Khi thiếu hụt, mật độ xương giảm, xương giòn, dễ gãy, nguy cơ loãng xương tăng cao, nhất là ở phụ nữ sau mãn kinh.
2.7 Lão hóa toàn diện sớm hơn tuổi
Ngoài da, khớp và xương, collagen còn liên quan đến thành phần mô liên kết ở nhiều cơ quan khác như mắt, răng, mạch máu và cơ tim. Thiếu collagen có thể gây ra dấu hiệu lão hóa toàn thân như giảm thị lực, yếu cơ, suy giảm miễn dịch.
3. Nguyên nhân gây thiếu collagen
Các nguyên nhân thường gặp làm giảm sản xuất và tăng phá hủy collagen trong cơ thể gồm:
- Lão hóa tự nhiên
- Chế độ ăn nghèo protein, vitamin C, kẽm
- Hút thuốc lá, uống rượu bia
- Tiếp xúc nhiều với tia UV
- Mất ngủ, stress mạn tính
- Lạm dụng đường và thực phẩm chế biến...

Thiếu hụt collagen da trở nên khô hơn, kém đàn hồi.
4. Làm gì khi thiếu collagen?
4.1 Bổ sung collagen qua thực phẩm
- Ưu tiên các thực phẩm giàu proline, glycine, lysine (acid amin tạo collagen) như: Thịt nạc, trứng, xương hầm, cá biển, các loại đậu, rau xanh đậm.
- Tăng cường vitamin C (cam, chanh, bưởi, ổi), đồng, kẽm và silica – các vi chất thiết yếu cho quá trình tổng hợp collagen.
4.2 Bổ sung bằng thực phẩm chức năng
Có thể sử dụng collagen peptide (dạng thủy phân) liều từ 2.500 – 10.000mg/ngày, kết hợp vitamin C và acid hyaluronic để tăng hiệu quả hấp thu; ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm nghiệm lâm sàng.
4.3 Bảo vệ collagen nội sinh
- Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài.
- Dùng kem chống nắng hằng ngày.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và dầu chiên lại.
Thiếu collagen không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn là chỉ dấu của quá trình lão hóa và suy yếu hệ thống liên kết của cơ thể. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu thiếu hụt collagen giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng ngừa và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Ở tuổi nào chúng ta bắt đầu bước vào quá trình lão hoá? | SKĐS