Hà Nội

7 dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 2 và cách giảm nguy cơ mắc bệnh

02-06-2023 14:29 | Bệnh thường gặp

SKĐS -Bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường type 2 là một dạng bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, với đặc điểm là tăng glucose huyết. Tình trạng tăng glucose mạn tính nếu kéo dài sẽ dẫn đến những rối loạn chuyển hóa lipid, carbohydrate, protide, làm tổn thương nhiều cơ quan khác, nhất là mạch máu, thần kinh, mắt, tim và thận.

Tuy nhiên, theo Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, có khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán; chưa tới 30% người được chẩn đoán điều trị tốt; 10% bệnh nhân cuối cùng tử vong vì bệnh thận và những người tổn thương thận giai đoạn cuối, nhiều nhất là do đái tháo đường. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Bệnh đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết, phân loại và điều trịBệnh đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết, phân loại và điều trị

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết. Theo thống kê, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tới 60 - 70% các bệnh về nội tiết nói chung, gây nhiều biến chứng.

Dưới đây là những biểu hiện của bệnh tiểu đường type 2

1. Biểu hiện người bệnh tiểu đường type 2 là tiểu nhiều

Để thoát khỏi tình trạng dư thừa đường, cơ thể thường cố gắng thải đường ra ngoài thông qua nước tiểu. Chính vì vậy mà bệnh nhân tiểu đường thường đi tiểu rất nhiều lần. Hiện tượng này cùng lúc sẽ làm cơ thể rơi vào tình trạng thiếu nước.

2. Biểu hiện khát nước thường xuyên

Ở người bệnh tiểu đường type 2 khi lượng đường trong nước tiểu tăng, một lượng nước tiểu lớn được hình thành. Lúc này, cơ thể sẽ cố gắng chống lại bằng cách gửi tín hiệu lên não để tạo cảm giác khát nước, đòi hỏi cơ thể phải được bổ sung thêm nhiều nước nhằm làm loãng đường huyết và đưa lượng đường huyết đang tăng cao trở về ngưỡng bình thường. Bên cạnh đó, cảm giác khát nước cũng là do cơ thể đang bị thiếu nước vì đi tiểu nhiều lần.

Bệnh tiểu đường type 2 được phát hiện qua 7 dấu hiệu sau và cách giảm nguy cơ mắc bệnh - Ảnh 2.

Kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để phát hiện sớm bệnh tiểu đường.

3. Người bệnh tiểu đường type 2 thèm ăn và ăn nhiều

Thông thường, để đối phó với tình trạng nồng độ đường huyết cao, cơ thể (nếu vẫn còn đủ khả năng) sẽ tiết ra nhiều insulin hơn. Trong khi đó, insulin lại có chức năng giúp kích thích cảm giác đói bụng. Chính vì vậy mà khi nồng độ insulin trong cơ thể cao sẽ khiến người bệnh luôn có cảm giác đói, thèm ăn.

Không kể lượng calo được nạp vào cơ thể là bao nhiêu, bệnh nhân đái tháo đường type 2 chỉ có thể tăng rất ít cân, thậm chí còn có tác dụng giảm cân.

4. Biểu hiện mệt mỏi

Đa số người bệnh tiểu đường type 2 có biểu hiện mệt mỏi, vì ở những bệnh nhân tiểu đường type 2 không còn khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng hoặc bị suy giảm. Do đó, để có thể tạo ra năng lượng, cơ thể phải chuyển sang dùng một phần hay hoàn toàn lượng mỡ trong cơ thể.

Người bệnh tiểu đường sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi bởi quá trình trên đòi hỏi cơ thể phải sử dụng nhiều năng lượng hơn.

5. Biểu hiện sụt cân không rõ nguyên nhân

Người bệnh tiểu đường type 2 sẽ có biểu hiện sụt cân cả khi ăn đủ hay ăn nhiều. Lý giải cho điều này là bởi lượng calo trong thức ăn không được cơ thể xử lý và hấp thụ.

Bên cạnh đó, một tác nhân khác cũng góp phần vào tình trạng sụt cân này chính là việc mất nước và mất đường qua nước tiểu.

Bệnh tiểu đường type 2 được phát hiện qua 7 dấu hiệu sau và cách giảm nguy cơ mắc bệnh - Ảnh 3.

Mỗi ngày, cần ăn rau và cây tươi giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 một cách hiệu quả.

6. Xuất hiện vết thương lâu lành và dễ mắc tình trạng nhiễm trùng

Người bệnh tiểu đường type 2 nếu có vết thương xây xát hoặc ngã sẽ rất lâu lành. Lý do là hoạt động bình thường của bạch cầu có thể bị ảnh hưởng bởi nồng độ đường huyết cao. Bạch cầu là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, với vai trò giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi trùng, virus và dọn dẹp những tế bào và mô chết.  Khi đó, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn và thời gian lành vết thương cũng kéo dài hơn.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường type 2 có thể gây ức chế hệ miễn dịch khiến cho cơ thể dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm trùng da, nhiễm nấm sinh dục, nhiễm trùng đường niệu,...  Đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo cho việc lượng đường huyết đang không được kiểm soát tốt.

7. Trạng thái tâm lý thay đổi, có biểu hiện mắt mờ

Một số biểu hiện có thể gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 như: mất tập trung, cáu gắt vô cớ, căng thẳng lo âu, lẫn lộn, ngủ mê...

Đôi khi người bệnh tiểu đường type 2 có thể có biểu hiện mắt mờ nếu lượng đường trong máu tăng lên quá cao. Tuy nhiên, đây không phải là triệu chứng đặc hiệu của bệnh tiểu đường.

Lời khuyên thầy thuốc

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 một cách hiệu quả, chúng ta cần có chế độ sinh hoạt (bao gồm cả chế độ luyện tập và ăn uống) lành mạnh, khoa học. Cụ thể:

- Mỗi ngày, cần ăn nhiều rau và trái cây tươi.

- Hạn chế uống rượu bia, nước ngọt hay nước ép trái cây có đường, thay vào đó có thể uống nước lọc, trà hoặc cà phê.

- Thay vì ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn thì nên chọn các loại thịt gia cầm, thịt nạc trắng hoặc hải sản.

- Hạn chế ăn mứt hoặc socola mà nên chọn bơ đậu phộng thay vào đó.

- Thay vì ăn các loại thực phẩm có chứa chất béo bão hòa thì nên chọn chất béo không no.

Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, tuy nhiên, trước khi tập luyện cần kiểm tra các biến chứng mắt, tim mạch, biến dạng chân, thần kinh. Mỗi ngày nên dành ra 30 phút đi bộ hoặc ít nhất 150 phút mỗi tuần. Có thể đan xen tập kháng lực 2 - 3 lần/ tuần. Người bị đau khớp hoặc người già có thể chia thời gian tập thành nhiều lần trong ngày.

Tóm lại: Hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để tầm soát đái tháo đường. Ngay khi có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đái tháo đường type 2 có nguy cơ gặp phải ở những người sau:

- Người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

- Trong gia đình có người có tiền sử bệnh tiểu đường.

- Người cao tuổi.

- Lười vận động thể chất.

- Huyết áp cao.

- Béo phì, thừa cân.

- Rối loạn dung nạp glucose.

- Rối loạn lipid máu.

- Trong thời kỳ mang thai có chế độ dinh dưỡng kém.

- Chế độ sinh hoạt và ăn uống không khoa học, lành mạnh.

4 bài tập thể dục tốt cho người bệnh tiểu đường type 24 bài tập thể dục tốt cho người bệnh tiểu đường type 2

SKĐS- Tập thể dục giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin và duy trì cân nặng để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.

BS. Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn