7 dấu hiệu cảnh báo bạn có thể mắc căn bệnh 'rắc hoa giấy'

16-06-2024 09:53 | Phòng mạch online

SKĐS - Căn bệnh lốm đốm như 'rắc hoa giấy' này gặp ở cả 2 giới, có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào, tuy nhiên tuổi khởi phát trung bình là 10-30 tuổi.

Bạch biến là một bệnh lành tính, không lây nhiễm nhưng do ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến cuộc sống của các bệnh nhân bạch biến gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS Lê Hữu Doanh – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bạch biến là bệnh có yếu tố tự miễn gây giảm hoặc mất sắc tố ở da và niêm mạch, đặc trưng là các dát hoặc các đám giảm sắc tố có ranh giới rõ. Bệnh bạch biến chiếm khoảng 0.5 – 2% dân số trên toàn thế giới, 30% ở quần thể người có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch biến.

Bạch biến có di truyền không?

Theo các chuyên gia da liễu, cho đến nay, căn nguyên của bệnh bạch biến vẫn chưa rõ, song nhiều giả thuyết cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố gene và các yếu tố ngoài gene.

Trong đó, yếu tố gene có khoảng 20-30% người bệnh có tiền sử gia đình, Các nghiên cứu cho thấy mối liên quan của bạch biến với HLA-A30, HLA-DR4, HLA-CW6, HLA-CW7, HLA-DR6, HLA-DQW3.

Ngoài ra, căn nguyên gây bệnh có liên quan đến rối loạn hệ thống oxy hóa – chống oxy hóa; rối loạn miễn dịch và tự miễn; sự mất bám dính của tế bào hắc tố, tự nhiễm độc hoặc thần kinh…

7 dấu hiệu cảnh báo bạn có thể mắc căn bệnh 'rắc hoa giấy'- Ảnh 1.

Khám cho bệnh nhân tại Phòng khám chuyên đề "Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố", Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Dấu hiệu của bệnh bạch biến

Bạn hãy chú ý 7 dấu hiệu dưới đây để phát hiện sớm và điều trị bệnh bạch biến:

- Trên da xuất hiện các dát, đám giảm, mất sắc tố hình tròn hay bầu dục, giới hạn rõ. Tổn thương có khuynh hướng phát triển ra ngoại vi và liên kết với nhau, xung quanh có một vùng da tăng sắc tố hơn màu da bình thường. Tổn thương không có vảy, không ngứa, không đau.

- Điển hình là hình ảnh ba màu (trichrome): vùng mất sắc tố, vùng giảm sắc tố và vùng da lành xen kẽ.

- Hình ảnh giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy (confetti-like depigmentation) hay gặp ở bạch biến do tiếp xúc với hóa chất.

- Lông hoặc tóc trên vùng tổn thương có nhiều trường hợp cũng mất sắc tố.

- Đôi khi thấy hình ảnh bạch biến viêm, rìa tổn thương viêm đỏ, ít có vảy.

- Vị trí thường gặp ở mặt, cổ, mu bàn tay, cổ tay, cẳng tay, bộ phận sinh dục và vùng xung quanh bộ phận sinh dục. Có đến 80% trường hợp các dát mất sắc tố khu trú ở vùng hở. Lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc thường không xuất hiện tổn thương. Tổn thương thường có tính chất đối xứng, tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp chỉ có một bên của cơ thể. Đôi khi thấy giảm sắc tố xuất hiện ở vị trí chấn thương (dấu hiệu Koebner).

- Bạch biến có thể đi kèm với bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường, bệnh Addison, rụng tóc từng mảng, bớt Halo, ung thư da....

Bạch biến và cách điều trị

Theo TS.BS. Đỗ Thị Thu Hiền – Trưởng nhóm Phòng khám chuyên đề "Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố", Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh bạch biến là một bệnh lý khó điều trị, nhiều trường hợp bệnh tiến triển có thể ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cần được cá thể hóa trên từng bệnh nhân và việc theo dõi định kỳ là rất cần thiết.

Từ năm 2023, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã thành lập Phòng khám chuyên đề "Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố" nhằm tối ưu hóa việc điều trị bệnh nhân bạch biến, thực hiện được kế hoạch quản lý bệnh nhân một cách đầy đủ, đồng thời không ngừng đào tạo, nghiên cứu và phát triển kỹ thuật mới.

Bệnh bạch biến hiện nay chưa có phương pháp chữa trị triệt để, nhưng có các phương pháp có thể điều trị hiệu quả về triệu chứng tùy vào vị trí, diện tích da bệnh, tuổi tác, điều kiện kinh tế của người bệnh. Việc điều trị bệnh bạch biến dựa trên nguyên tắc điều trị theo thể bệnh và giai đoạn bệnh, điều trị các bệnh lý kèm theo.

Hiện nay, UVB dải hẹp là phương pháp ưu tiên trong điều trị bạch biến. Liệu pháp nà có thể làm phục hồi sắc tố trên 75% ở trên 70% bệnh nhân và tỉ lệ tái phát thấp hơn các phương pháp điều trị tại chỗ khác.

Ngoài sử dụng thuốc uống, thuốc bôi, laser, còn có các phương pháp điều trị mới như thuốc ức chế cho hiệu quả cao khi phối hợp với ánh sáng trị liệu.

Bên cạnh đó, phẫu thuật trong bạch biến có ghép da hoặc ghép tế bào tự thân. Cấy ghép tế bào thượng bì tự thân là phương pháp lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi theo tỉ lệ 1/5 (ví dụ vùng bạch biến cần được ghép có diện tích là 10 cm² thì cần lấy 2 cm² ở vùng trước đùi). Sau đó miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, sau đó sẽ ghép vào vùng da bị bạch biến

Các bác sĩ nhấn mạnh, việc điều trị bệnh bạch biến là một quá trình lâu dài cần sự phối hợp kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Người bệnh cần giữ vững tâm lý, tránh bi quan lo lắng làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Phòng bệnh bạch biến

Một số biện pháp dự phòng tái phát và tránh tình trạng nặng bệnh bạch biến như:

  • Giảm stress, tránh dùng các chất kích thích như café, rượu bia, thuốc lá…
  • Tránh bỏng nắng, người bệnh cần chống nắng kỹ càng
  • Làm xét nghiệm định kỳ phát hiện một số bệnh liên quan như hormone tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên và định lượng insulin máu.

Kỷ niệm Ngày Bạch biến thế giới 2024 (25/6), Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức khám miễn phí cho người bệnh bạch biến vào thứ 3, thứ 5, thứ 6 hàng tuần (từ ngày 17/6 đến 30/6/2024).

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng giảm 50% kỹ thuật ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy cho 10 người bệnh đầu tiên được chỉ định trong thời gian này. Bệnh nhân có thể liên hệ tổng đài 19006951 để được tư vấn cụ thể.

Bé trai đầu tiên được ghép tế bào tự thân chữa bạch biến, hồi sinh những 'mảnh da non'Bé trai đầu tiên được ghép tế bào tự thân chữa bạch biến, hồi sinh những "mảnh da non"

SKĐS - Tự tin hơn với diện mạo mới sau 3 năm ngượng ngùng vì bệnh bạch biến, bé Nguyễn Công T. (7 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, điều đầu tiên con muốn làm là “được cắt một mái tóc đẹp như ý muốn”…


Dương Hải
Ý kiến của bạn