Hà Nội

7 chứng cứ về bệnh tâm thần của thiên tài nhạc cổ điển

18-01-2017 07:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từng có công trình nghiên cứu khoa học khẳng định, không ít thiên tài thuộc nhiều lĩnh vực là nạn nhân các bệnh tâm thần, ở mức độ khác nhau. Dưới đây là 7 thí dụ trong lĩnh vực âm nhạc.

1. Ferenc Liszt mua chó, tỉa lông... để thỏa mãn khát vọng của người hâm mộ

Ferenc Liszt, nhà soạn nhạc thiên tài người Hungary thế kỷ XIX (1811-1886) từng nổi tiếng và có lượng người hâm mộ rất lớn. Để thỏa mãn khát vọng cháy bỏng của hàng vạn người hâm mộ muốn sở hữu, dù chỉ một sợi tóc của thần tượng, thiên tài nhạc cổ điển Liszt đã nảy sáng kiến độc nhất vô nhị. Ông đã mua con... chó béc giê to gần bằng con bê, tỉa dần... bộ lông của “bạn bốn chân”, để gửi cho người hâm mộ!

2. John Cage, hòa nhạc... tĩnh lặng

John Cage (1912-1992) là nhà soạn nhạc Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất đến nền âm nhạc thế giới thế kỷ XX. Ông đã “soạn” nhạc phẩm 4’33” (4 phút 33 giây) gồm 3 phần, theo đó nghệ sĩ trình diễn chỉ thực hiện thao tác đóng và mở nắp hộp phím đàn vào những thời điểm nhất định. Không chơi một nốt nhạc nào! Tất cả 3 công đoạn diễn ra trong thời gian xấp xỉ 4 phút 33 giây hoàn toàn tĩnh lặng. Theo chân tiền bối, nghệ sĩ tài hoa Pháp Yves Klein còn thực hiện bước tiến (lớn) xa hơn. Bản giao hưởng đơn điệu của nhạc sĩ Klein là thời gian 20 phút một âm thanh đơn điệu, tiếp nối là 20 phút lĩnh lặng. Chính xác như vậy. Song vẫn không thiếu người hâm mộ tề tựu đến khán phòng để chiêm ngưỡng và chăm chú... lắng nghe!

3. Havergal Brian, bản giao hưởng kéo  dài gần 2 giờ với trên 1.000 nhạc công...

Tất nhiên không phải tất cả các nhà soạn nhạc cổ điển đều “lười nhác” như John Cage và Yves Klein. Thiên tài người Anh Havergal Brian (1876-1972) là thí dụ điển hình ở thái cực ngược lại. Bản giao hưởng số 1 của Brian là một trong những nhạc phẩm dài nhất mọi thời đại. Kiệt tác diễn ra trong thời gian gần 2 giờ và được soạn cho dàn nhạc bao gồm trên 1.000 nhạc công thể hiện với 200 loại nhạc cụ khác nhau cùng dàn hợp ca bao gồm 800 ca sĩ!

4. Piotr Tchaikovsky một tay giữ cằm, vì sợ... rơi đầu!

Nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới người Nga Piotr Tchaikovsky (1840-1893) cũng là nhân vật dị thường mắc chứng hoang tưởng nghiêm trọng. Thiên tài hoang tưởng đến mức, bao giờ chỉ huy dàn nhạc, Tchaikovsky cũng dùng một tay giữ cằm, bởi vị nhạc trưởng sợ... rơi đầu, nếu làm việc cả hai tay! Tchaikovsky cũng chỉ uống nước đóng chai, để đảm bảo không bị nhiễm khuẩn. Số phận thật trớ trêu - con người sống sạch sẽ, vệ sinh nổi tiếng, tác giả tuyệt tác Hồ Thiên nga qua đời năm 1893 vì mắc... dịch tả.

7 chứng cứ về bệnh tâm thần của thiên tài nhạc cổ điểnThiên tài Piotr Tchaikovski.

5. Domenico Scarlatti, kiệt tác nhờ cuộc dạo bộ của mèo

Không phải vô cớ, bản sonat g-moll hoàn mỹ của nhạc sĩ thiên tài người Italia Domenico Scarlatti (1686-1757) có biệt danh là “vũ điệu mèo”. Tất cả bởi lý do: tác phẩm được nghệ sĩ sáng tác bằng hưng phấn sau gợi ý của âm thanh du dương phát ra từ “bụng” đàn dương cầm nhờ chú mèo con hồn nhiên nhảy nhót một hồi trên phím đàn. Con vật gần gũi con người chứng tỏ có khiếu âm nhạc đến mức, cuộc dạo bộ ngắn của nó đã mang lại nền tảng cho motip chỉ đạo bản sonat lừng danh. Và trải với biệt danh “vũ điệu mèo”, bản sonat g-moll của Scarlatti thực sự là kiệt tác nhạc cổ điển.

6. Jean-Baptiste Lully thiệt mạng vì cao hứng chỉ huy dàn nhạc

Trước ngày chiếc đũa chỉ huy của nhạc trưởng được phổ cập đến ngày nay, các nhạc trưởng thời xa xưa dùng gậy ba-toong cho người già, để chọc xuống sàn nhà, đánh nhịp cho dàn nhạc. Tập tục này đã thay đổi thời gian ngắn, sau tai nạn nghề nghiệp của nhạc trưởng kiêm nhà soạn nhạc Pháp nổi tiếng gốc Italia Jean- Baptista Lully (1632-1687). Trong một lần cao hứng chỉ huy dàn nhạc, nhạc trưởng Lully đã lỡ chọc đầu gậy vào bàn chân mình. Bàn chân không may bị tóe máu và nhiễm trùng. Đến lúc vết thương lâu ngày bị hoại tử, nhạc sĩ vẫn từ chối chỉ định tháo khớp bàn chân của bác sĩ. Kết cục, nhạc trưởng yêu nghề đã qua đời vì nhiễm trùng toàn thân.

7. Wolfgang Amadeuz Mozart dành thời gian cho không ít sáng tác tục tĩu, phản cảm

Như nhiều người nổi tiếng khác, Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791), nhà soạn nhạc người Áo có ảnh hưởng lớn nhất trong nhạc cổ điển châu Âu cũng không tránh khỏi tính khí kỳ quặc. Cho dù thiên tài đi vào lịch sử với những tác phẩm nhạc kịch và không ít bản giao hưởng hoành tráng, song trong kho tàng của Mozart cũng có hàng loạt sáng tác dành riêng cho sở thích kỳ quái của nhà soạn nhạc - sự đam mê chủ đề tục tĩu. Tệ hơn, một trong số nhạc phẩm ít được phổ biến của Mozart có tiêu đề Leck mich im Arsch (tạm dịch: “Hãy hôn tôi vào mông”).


Vinh Thu
Ý kiến của bạn
Tags: