7 cách phòng ngừa cảm cúm đơn giản

27-02-2023 17:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 - 10 ngày. Hầu hết mọi người đều bình phục hoàn toàn, nhưng ở người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng.

3 liệu pháp tự nhiên giúp giảm các triệu chứng cảm cúm3 liệu pháp tự nhiên giúp giảm các triệu chứng cảm cúm

SKĐS - Khi bị cảm cúm, trước khi dùng đến thuốc, bạn hãy thử các biện pháp điều trị tại nhà để chống lại các triệu chứng của bệnh.

Việc phòng ngừa cúm là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những bí quyết để phòng ngừa cảm cúm đơn giản.

1. Tiêm phòng cúm

Cách đây nhiều năm vaccine ngừa cảm cúm không có nhiều. Chỉ những người có nguy cơ cao mới được tiêm phòng. Theo khuyến cáo việc tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để tránh bị bệnh. Vì vaccine cung cấp sự bảo vệ chống lại bệnh cúm mùa do các chủng có trong vaccine gây ra, bắt đầu có hiệu quả từ 10 - 14 ngày sau khi tiêm vaccine. Các chủng virus gây cúm mùa mỗi năm thường không giống nhau và đó là lý do tại sao nên tiêm ngừa vaccine cúm mùa hàng năm, bởi vì vaccine cúm mùa năm sau thường cập nhật các chủng gây bệnh của năm trước đó.

2. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng

Mặc dù rửa tay không thể tiêu diệt hoàn toàn các mầm bệnh, nhưng nó là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất. Nếu không thể rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vẫn có thể dùng nước rửa tay diệt khuẩn nhanh để thay thế. Ngoài ra, khi hắt hơi, sổ mũi hay ho, nên dùng khuỷu tay để che thay vì dùng bàn tay, làm điều này để tránh lây cho người khác.

7 cách phòng ngừa cảm cúm đơn giản - Ảnh 2.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh cảm cúm.

3. Thường xuyên vệ sinh nơi ở và nơi làm việc

Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn chia sẻ không gian làm việc chung với nhiều người khác. Chú ý vệ sinh sạch sẽ những chỗ nhiều người tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, bàn phím vi tính…

4. Bảo vệ mũi, họng

Không khí càng lạnh thì mũi sẽ càng khô. Khi nước nhầy trong mũi bị khô đi, khả năng ngăn cản vi khuẩn, vi trùng thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp của lông mao ở mũi thấp đi. Vì vậy, nên có khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên làm ẩm mũi bằng cách nhỏ nước dưỡng ẩm cho mũi hay nước muối sinh lý. Ngoài ra, giữ ẩm cho cơ thể cũng là cách phòng cảm cúm rất tốt.

Không nên chùi mũi, dụi mắt hay cho tay vào miệng để tránh tạo điều kiện cho mầm bệnh thâm nhập vào cơ thể dễ dàng. Mỗi ngày súc miệng bằng nước muối ấm sẽ bảo vệ hầu họng tránh nhiễm khuẩn, đây cũng là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

5. Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật nói chung và đối với bệnh cảm cúm nói riêng. Khi luyện tập thể dục, tế bào bạch cầu sẽ phải chạy quanh cơ thể nhiều hơn để tiêu trừ những tác nhân gây viêm nhiễm. Tuy nhiên, khi đã nhiễm cảm cúm rồi thì nên nghỉ ngơi, tránh luyện tập quá sức, vì cơ thể lúc đó đã mệt mỏi.

7 cách phòng ngừa cảm cúm đơn giản - Ảnh 3.

Tập thể dục làm tăng sức đề kháng cho cơ thể để phòng ngừa bệnh cảm cúm. Ảnh minh hoạ.

6. Ngủ đủ giấc

Để hệ miễn dịch của cơ thể được tốt, chúng ta cần kết hợp ăn uống, luyện tập và ngủ nghỉ một cách khoa học, điều độ. Ngủ đủ giấc không những giúp không bị cảm cúm mà còn giúp ích rất nhiều trong những lĩnh vực khác. Ngủ đầy đủ trong thời gian bị ốm cũng sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục hơn.

7.Bỏ hút thuốc

Hút thuốc làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, sẽ khiến bạn dễ mắc bệnh hơn những người không hút thuốc. Vì vậy, nếu bạn có ý định bỏ hút thuốc, hãy làm ngay khi mùa cúm đang đến gần.

Khi nào cần phải gặp bác sĩ?

Hầu hết những người bị cảm cúm có thể tự điều trị ở nhà và không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị nếu nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hoặc có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng như:

Sốt cao hơn hoặc ho nặng hơn, đau rát họng, đau đầu, đau cơ nhiều.

– Thở gấp hoặc đau ngực, ho ra đờm có máu, đau cổ hoặc cứng cổ.

Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể sẽ cho dùng các thuốc như kháng sinh, kháng virus, chống viêm, giảm đau, truyền dịch…

Mời độc giả xem thêm video:

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.


BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn