1. Vì sao cần tuân thủ dùng thuốc?
Tuân thủ dùng thuốc là dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian và đúng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc được kê.
Tuân thủ dùng thuốc có 3 giai đoạn:
- Bắt đầu dùng thuốc liều đầu tiên
- Tiếp tục dùng thuốc theo phác đồ.
- Ngừng dùng thuốc khi kết thúc phác đồ.
DS. Phạm Quỳnh Như, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, việc tuân thủ dùng thuốc sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, kiểm soát các triệu chứng, giúp giảm các cơn bùng phát bệnh có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, đồng thời giảm nguy cơ nhập viện. Đặc biệt là những bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường…
Ngoài ra, việc tuân thủ dùng thuốc với các bệnh mạn tính còn giúp giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc như quá liều hoặc hội chứng cai thuốc hay nặng lên triệu chứng bệnh khi ngừng thuốc đột ngột.
Tuy nhiên, hiện nay, việc không tuân thủ dùng thuốc là rất phổ biến. Điều này có thể gây hậu quả đáng kể như tình trạng bệnh nặng lên, biến chứng, tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và tử vong.
Hộp chia liều thuốc là một lựa chọn giúp người bệnh tuân thủ dùng thuốc.
2. Nguyên nhân khiến người bệnh không tuân thủ dùng thuốc
Việc không tuân thủ điều trị có thể chia làm 3 loại: Bệnh nhân không bắt đầu dùng thuốc, bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách và ngừng dùng thuốc khi chưa kết thúc phác đồ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không tuân thủ dùng thuốc, trong đó chủ yếu là do:
- Người bệnh quên thuốc.
- Gặp các tác dụng phụ của thuốc.
- Nhầm lẫn các loại thuốc.
- Không uống hết liều.
Có thể hẹn giờ uống thuốc trên điện thoại di động.
3. Làm thế nào để tuân thủ dùng thuốc?
DS. Phạm Quỳnh Như cho biết, có thể giúp người bệnh mạn tính tuân thủ dùng thuốc bằng cách:
3.1 Trao đổi với bệnh nhân về hiệu quả của việc tuân thủ dùng thuốc: Để khuyến khích bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc, cần có sự tương tác giữa bệnh nhân - thầy thuốc. Trong đó, thầy thuốc sẽ giải thích cho bệnh nhân hiểu về tình trạng bệnh của mình và loại thuốc phải dùng để điều trị. Đồng thời cần nhấn mạnh về hiệu quả của việc tuân thủ dùng thuốc để giúp bệnh nhân có thêm niềm tin vào phác đồ điều trị bệnh.
Cần trao đổi với bệnh nhân về hiệu quả của việc tuân thủ dùng thuốc.
3.2 Giảm chi phí điều trị: Cân nhắc phác đồ điều trị với giá cả hợp lý nhất. Nhiều trường hợp thuốc quá đắt cũng là một rào cản trong việc tuân thủ dùng thuốc.
3.3 Đơn giản hóa phác đồ điều trị: Đây là một nhiệm vụ khá khó khăn, đặc biệt với bệnh nhân mạn tính đồng thời mắc nhiều bệnh và phải dùng nhiều thuốc.
Bác sĩ có thể lựa chọn loại thuốc chứa nhiều hoạt chất để giúp giảm nguy cơ không tuân thủ dùng thuốc. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân hen phế quản có thể chọn loại thuốc dùng 1 lần 1 ngày thay vì nhiều lần. Số lần thuốc càng tăng thì bệnh nhân càng dễ quên.
3.4 Sử dụng lời nhắc: Sử công nghệ mới để hỗ trợ bệnh nhân dùng thuốc. Chẳng hạn như các ứng dụng tự quản lý trên internet có thể gửi tin nhắn nhắc nhở bệnh nhân, gọi điện thoại, hoặc hẹn giờ trên điện thoại di động…
3.5 Sử dụng hộp chia liều: Với bệnh nhân mắc đồng thời nhiều bệnh có thể dùng hộp chia thuốc theo ngày hoặc chia theo liều để dễ dàng dùng thuốc mà không bị quên.
3.6 sủ dụng giấy dán: Đối với một số bệnh nhân, việc sử dụng giấy dán nhắc nhở có thể có hiệu quả hỗ trợ tuân thủ thuốc.
3.7 Để thuốc ở vị trí dễ nhìn: Nên để thuốc ở những vị trí dễ nhìn như bàn ăn, đầu giường…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mùa lạnh đừng để viêm phổi 'tấn công'