Hà Nội

7 cách giúp ngăn chặn đột quỵ hiệu quả

10-12-2014 10:37 | Y học 360
google news

​Kế hoạch thông minh nhất để không bị đột quỵ là biết ngăn chặn các nguy cơ bằng việc thực hiện những thói quen lành mạnh.

Kiểm soát huyết áp. Tăng huyết áp là bệnh cao huyết áp mãn tính. Nó làm tăng nguy cơ đột quỵ cũng như góp phần vào sự phát triển của bệnh tim và là một trong những tác nhân dẫn đến tổn thương mạch máo não. Bước đầu tiên trong việc quản lý hiệu quả chứng tăng huyết áp là cần chẩn đoán thông qua việc thường xuyên kiểm tra mức huyết áp. Điều trị tăng huyết áp bao gồm thực hiện chế độ ăn ít muối, kiểm soát cân nặng, tập thể dục thường xuyên và quản lý căng thẳng. Trong một số trường hợp thuốc hạ huyết áp cũng có thể cần thiết.

Kiểm soát bệnh tim. Bệnh tim có thể do yếu tố bẩm sinh, nhưng cũng có thể do những thói quen xấu trong cuộc sống gây ra. Bệnh tim có thể phát triển như kết quả của việc tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường hay cholesterol cao. Bệnh tim bao gồm bệnh động mạch vành, vấn đề về van tim, bệnh cơ tim, một trái tim to hoặc nhịp tim bất thường. Có rất nhiều cách mang lại hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tim, tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Cũng như cao huyết áp, cách tốt nhất để tránh xa bệnh tim là cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề, từ đó có hướng giải quyết thích hợp.

Kiểm soát cholesterol. Cholesterol cao góp phần vào bệnh tim và bệnh mạch máu não. Cholesterol cao thường là kết quả của một chế độ ăn nhiều chất béo không lành mạnh. Giảm cholesterol đòi hỏi phải thực hiện chế độ ăn uống với lượng chất béo vừa phải, tập thể dục thường xuyên và thậm chí có thể nhờ đến sự trợ giúp của thuốc đặc trị.

Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa đột quỵ - Ảnh: Shutterstock

Kiểm soát bệnh tiểu đường. Tiểu đường có thể góp phần vào việc gây ra các vấn đề tim mạch và bệnh mạch máu não. Tiểu đường là một dạng của rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Bệnh tiểu đường có thể do bẩm sinh hoặc do lối sống hình thành. Những người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 cần quản lý chặt chẽ mức độ đường trong máu, thường là với việc điều trị insulin. Những người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 cần quản lý lượng thức ăn, quản lý trọng lượng và đôi khi dùng thuốc để duy trì lượng đường trong máu ổn định.

Quản lý béo phì. Béo phì là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Béo phì có thể góp phần làm tăng huyết áp và tăng cholesterol. Kiểm soát béo phì bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, đôi khi các biện pháp giảm cân khắc nghiệt khác hoặc các thủ tục phẫu thuật để giảm cân có thể giúp đỡ khi việc giảm cân trở nên khó khăn, nếu đã áp dụng chế độ ăn uống và tập thể dục theo khuyến cáo. Di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến bệnh béo phì, bởi nhiều bằng chứng khoa học cho thấy một số người có xu hướng dễ bị béo phì hơn những người khác, và việc giảm cân trở thành một thách thức rất lớn.

Bỏ thuốc lá. Hút thuốc góp phần dẫn đến nguy cơ bệnh tim, bệnh mạch máu não và huyết áp cao. Theo About, hút thuốc lá là một thói quen rất khó bỏ. Một số phương pháp giúp từ bỏ thói quen xấu này bao gồm từ việc kiểm soát hành vi, tư vấn, các nhóm hỗ trợ, đến các chương trình cai thuốc lá. Các nghiên cứu cho thấy tác hại của việc hút thuốc có thể bị đảo ngược theo thời gian khi ngưng hút.

Quản lý căng thẳng. Căng thẳng có thể góp phần vào việc làm tăng nguy cơ đột quỵ bằng cách thúc đẩy các triệu chứng: tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh tiểu đường và bệnh mạch máu não. Quản lý căng thẳng và lo âu thường liên quan đến cách tiếp cận toàn diện trên cả phương diện hành vi và phản ứng cảm xúc. Căng thẳng không thể đo lường một cách khách quan và đòi hỏi cách tiếp cận dài hạn để có thể kiểm soát tối ưu.

 

 


Ý kiến của bạn