7 cách giúp bạn tăng tuần hoàn máu não

23-02-2023 14:15 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mỗi vùng của não được nuôi dưỡng bằng một mạch máu riêng, nếu các mạch máu này bị hẹp hoặc bị bít tắc, làm giảm sự tưới máu cho phần não mà mạch máu chi phối sẽ gây rối loạn chức năng của vùng não đó.

Hơn nữa, mỗi phần của não lại chi phối một bộ phận của cơ thể: về vận động, cảm giác, về ngôn ngữ, về 6 giác quan... Vì vậy khi một vùng não bị tổn thương sẽ xuất hiện triệu chứng ở cơ thể mà vùng não chi phối như: Vùng vận động của não bị tổn thương thì bệnh nhân bị liệt. Vùng ngôn ngữ bị tổn thương thì bệnh nhân nói ngọng hoặc không nói được nữa...

Dấu hiệu khi bạn bị thiếu máu não

Tùy vào mức độ thiếu máu và chức năng của các tế bào não mà mạch máu đó nuôi dưỡng, cơ thể sẽ gặp phải những triệu chứng khác nhau như yếu liệt tay chân, méo miệng, khó nói, nói đớ, tê nửa người, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt…

Dấu hiệu của cơn thiếu máu não xuất hiện đột ngột khi bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường như: bất tỉnh, nhức đầu, yếu nhẹ hoặc liệt nửa người, nói ngọng hay không nói được, một mắt hoặc cả hai mắt bỗng không nhìn thấy, tự nhiên mất thăng bằng, chóng mặt, đi hay đứng không vững...

Các dấu hiệu trên chỉ kéo dài khoảng 1-10 phút, hiếm khi kéo dài quá 1 giờ. Khi triệu chứng kéo dài quá 1giờ được xem như bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, khi đó não đã bị tổn thương vĩnh viễn.

Các cách giúp tăng tuần hoàn máu não

  • Đi bộ

Đi bộ hàng ngày là một thói quen vô cùng tốt đã được các nhà khoa học kiểm chứng. Mỗi ngày bạn nên đi bộ khoảng 30 đến 40 phút vì nó không chỉ giúp thư giãn các cơ, làm ấm cơ thể mà còn làm tăng nhịp tim tự nhiên.

Khi nhịp tim tăng thì quá trình vận chuyển máu cũng tăng, máu lưu thông tốt đến các vùng của cơ thể và cả não bộ giúp tăng tuần hoàn máu não.

  • Đi xe đạp

Đi xe đạp thường xuyên không chỉ đơn thuần là một bài tập tăng tuần hoàn máu não nhờ hoạt động bằng đôi chân mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, hệ thống miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh. Đây là một trong những hình thức vận động hiệu quả nhất giúp kiểm soát được hàm lượng glucose trong máu, giảm nguy cơ huyết áp cao, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.

  • Bơi lội

Bơi là một bộ môn đặc biệt có ích cho những người bị thiếu máu não. Nó thúc đẩy khả năng hô hấp cũng như sự co bóp của tim để giúp máu lưu thông tốt hơn đến toàn bộ cơ thể và vận chuyển đến não bộ một cách hiệu quả nhất.

Bài tập này giúp tăng cường trao đổi chất, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, mỡ máu và đột quỵ.

  • Nằm thở bụng

Tập thở ở tư thế nằm sẽ giúp điều hòa khí huyết, trao đổi khí tốt hơn, máu lên não nhiều hơn và từ đó làm tăng tuần hoàn máu não.

Khi tập bạn hãy nằm ngửa thật thoải mái, một tay để trên ngực và bắt đầu hít vào thật chậm rãi, từ từ, phình bụng lên rồi sau đó thổi ra bằng miệng như khi huýt sáo và phình bụng xuống. Lặp lại nhịp nhàng 10 đến 20 cái và khoảng 2 đến 3 lần trong một đợt tập, mỗi ngày nên cố gắng tập khoảng 2 đến 3 đợt.

Đi xe đạp thường xuyên không chỉ đơn thuần là một bài tập tăng tuần hoàn máu não nhờ hoạt động bằng đôi chân mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, hệ thống miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đi xe đạp thường xuyên không chỉ đơn thuần là một bài tập tăng tuần hoàn máu não nhờ hoạt động bằng đôi chân mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, hệ thống miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh.

  • Gác chân lên tường

Bệnh nhân thiếu máu não nên thường xuyên tập bài tập này tại nhà, nó sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu lên não bằng cách kích thích dòng chảy của máu bên trong cơ thể.

Bạn có thể tập bằng cách nằm thoải mái trên giường, trên sàn hoặc là trên đệm ở sát tường. Sau đó, bạn hãy gác chân lên tường và để mông càng áp sát tường càng tốt, điều chỉnh tư thế sao cho vuông góc với tường, hai tay để dọc theo hai bên hoặc để lên trên bụng. Đây là một bài tập yoga giúp thư giãn vùng hông, mông và tạo điều kiện cho tuần hoàn máu hoạt động tốt hơn.

  • Ngồi thiền

Bạn chỉ cần đặt hai chân đan vào nhau, lưng thẳng và nhắm mắt lại rồi tập trung tư tưởng thiền định. Khi đó, tâm trí bạn sẽ được thanh tịnh, cơ thể thư giãn, tịnh tâm, an thần, giảm stress, lo âu đồng thời cải thiện sự tập trung cũng như làm hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn.

  • Tập chống đẩy

Tập chống đẩy có thể coi là một trong những bài tập tăng tuần hoàn máu não nhanh thấy được hiệu quả nhất. Chỉ sau vài lần thực hiện động tác, bạn có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong lưu thông máu của cơ thể, quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng diễn ra hiệu quả hơn.

Ngoài ra, bài tập này còn giúp bạn đốt cháy lượng mỡ thừa, tăng cơ khiến bạn có một thân hình săn chắc và cân đối.

Xem thêm video được quan tâm

Ấm áp tình cảm của quân đội Việt Nam và người dân Thổ Nhĩ Kỳ giữa thời tiết giá rét -6 độ


ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn
Giảng viên Trường ĐH Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ý kiến của bạn