7 cách giữ cho xương khớp khỏe mạnh

SKĐS - Xương khớp khỏe mạnh rất quan trọng, cho phép chúng ta chuyển động một cách linh hoạt, giúp cơ thể hấp thụ lực tác động, duy trì sự cân bằng và ổn định, đồng thời bảo vệ xương, các mô khác khỏi bị tổn thương…

Việc chăm sóc xương khớp rất quan trọng để duy trì khả năng vận động và chất lượng cuộc sống nói chung. Các khớp khỏe mạnh giúp bạn di chuyển dễ dàng, các hoạt động hàng ngày như đi bộ, nâng vật nặng, viết hoặc đánh máy... trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài khả năng vận động, việc chăm sóc khớp đúng cách cũng rất cần thiết để giúp ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến khớp như viêm khớp, có thể gây ra đau đớn và cứng khớp.

Bạn cũng cần các khớp khỏe mạnh để hỗ trợ hoạt động thể chất, điều này rất cần thiết cho sức khỏe tổng thể, bao gồm sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và sức khỏe tinh thần.

Người phụ nữ bị đau khớp

Sức khỏe khớp rất quan trọng giúp chuyển động trơn tru và nhiều chức năng khác.

1. Điều gì có thể xảy ra nếu xương khớp không khỏe mạnh?

Nếu khớp không khỏe mạnh, có thể dẫn tới viêm khớp - tình trạng viêm dẫn đến đau, cứng và sưng khớp. Bệnh phổ biến nhất là viêm xương khớp (do hao mòn) và viêm khớp dạng thấp (một rối loạn tự miễn dịch).

Nếu khớp không khỏe mạnh có thể gây ra các vấn đề:

- Đau, cứng khớp.

- Hạn chế phạm vi chuyển động, khiến việc thực hiện các công việc thường ngày trở nên khó khăn.

- Các tình trạng mạn tính của khớp có thể dẫn đến biến dạng, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động và hoạt động của một người.

- Sức khỏe khớp kém có thể dẫn đến giảm khả năng sử dụng chi bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng yếu cơ và teo cơ.

2. Làm thế nào để giữ cho xương khớp khỏe mạnh khi về già?

Dưới đây là bảy cách hiệu quả để duy trì sức khỏe xương khớp:

2.1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Mang thêm trọng lượng cơ thể, sẽ gây thêm áp lực lên các khớp chịu lực như đầu gối, hông và lưng. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình hao mòn của các khớp này, dẫn đến tình trạng như viêm xương khớp.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ làm giảm áp lực này, giúp ngăn ngừa tổn thương khớp, làm giảm đau ở các khớp đã bị ảnh hưởng.

2.2. Duy trì hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất thường xuyên giúp tăng cường, hỗ trợ và ổn định các cơ xung quanh khớp tốt hơn. Các bài tập tác động thấp như đi bộ, đạp xe đặc biệt có lợi cho sức khỏe khớp, vì chúng cải thiện tính linh hoạt, giảm độ cứng mà không gây căng thẳng quá mức cho khớp.

Nếu bạn muốn thúc đẩy bản thân nhiều hơn một chút, hãy tập luyện sức mạnh, giúp xây dựng khối lượng cơ, hỗ trợ và bảo vệ khớp

7 cách giữ cho xương khớp khỏe mạnh- Ảnh 2.

Đi bộ thường xuyên để có khớp khỏe mạnh.

2.3. Sử dụng tư thế thích hợp

Duy trì tư thế tốt khi ngồi, đứng hoặc nâng vật nặng là điều cần thiết để giảm căng thẳng không cần thiết cho các khớp. Sự căn chỉnh đúng đắn của cột sống và khớp ngăn ngừa căng thẳng và hao mòn theo thời gian. Thực hiện các động tác chánh niệm, yoga để cải thiện tư thế.

2.4. Ăn thực phẩm chống viêm

Một chế độ ăn giàu thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm đau khớp và viêm. Các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe khớp bao gồm;

- Axit béo omega-3 có trong cá béo, hạt lanh và quả óc chó.

- Canxi và vitamin D, những chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe xương, có trong các sản phẩm từ sữa và rau lá xanh...

- Vitamin C, E có trong trái cây, rau quả có tác dụng bảo vệ khớp khỏi tình trạng stress oxy hóa.

2.5. Tránh chấn thương

Bảo vệ khớp khỏi chấn thương giúp ngăn ngừa các tình trạng như viêm xương khớp và đau mạn tính. Điều này có thể đạt được bằng cách:

- Sử dụng đúng kỹ thuật khi tham gia thể thao hoặc hoạt động thể chất sẽ làm giảm nguy cơ chấn thương khớp.

- Mang đồ bảo hộ phù hợp như miếng đệm đầu gối, miếng bảo vệ cổ tay, giày dép để giúp bảo vệ khớp trong các hoạt động có nguy cơ cao.

- Tăng dần cường độ của chế độ tập luyện mới.

2.6. Giữ đủ nước

Đủ nước là điều cần thiết để duy trì sức khỏe của sụn đệm cho các khớp. Sụn chủ yếu được cấu tạo từ nước và việc giữ đủ nước đảm bảo sụn mềm dẻo và hiệu quả trong việc hấp thụ lực va chạm, giảm ma sát trong quá trình vận động.

2.7. Quản lý căng thẳng

Căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến căng cơ, gây thêm áp lực lên các khớp. Các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, các bài tập thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng này, thúc đẩy sức khỏe chung của khớp.

Các khớp đóng vai trò quan trọng trong chuyển động, do đó, hãy duy trì sức khỏe khớp bằng cách ăn uống lành mạnh và duy trì hoạt động thể chất đều đặn…

Mời bạn xem thêm video:

Sẽ ra sao nếu đau nhức xương khớp không được điều trị sớm? | SKĐS

Đỗ Phong
Theo HS
Ý kiến của bạn