Hà Nội

7 cách giảm viêm phế quản cấp tính mùa lạnh

SKĐS - Viêm phế quản cấp tính xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, để giảm nhẹ các triệu chứng và bệnh nhanh khỏi, ngoài điều trị nguyên nhân, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp an toàn tại nhà.

1. Triệu chứng viêm phế quản cấp tính

Theo TS. Debra Rose Wilson, chuyên gia chăm sóc sức khỏe toàn diện tại Mỹ, viêm phế quản thường gây tăng tiết chất nhầy khiến đường thở bị thu hẹp, gây khó thở và ho dai dẳng.

Ho có thể kèm theo chất nhầy màu trắng hoặc màu vàng xanh, tức ngực, khó thở, sốt, ớn lạnh, đau cơ, nghẹt mũi, mệt mỏi. Viêm phế quản thường xảy ra khi bạn bị cảm lạnh hoặc nhiễm virus.

Viêm phế quản mn tính là tình trạng viêm phế quản xảy ra thường xuyên và kéo dài ít nhất 3 tháng trong một năm trong ít nhất 2 năm. Với các trường hợp này cần sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

2. Thảo mộc và biện pháp giảm triệu chứng viêm phế quản

2.1. Gừng

Một số nhà nghiên cứu Đức đã tìm thấy bằng chứng rằng, gừng có thể có tác dụng chống viêm nhiễm đường hô hấp.

Bạn có thể dùng gừng theo nhiều cách:

  • Ăn gừng khô, mứt gừng, kẹo gừng.
  • Dùng gừng tươi để pha trà.
  • Ăn sống hoặc thêm vào thức ăn.
  • Uống viên gừng

An toàn nhất là sử dụng gừng ở dạng tự nhiên, thay vì ở dạng viên nang hoặc chất bổ sung. Tuy nhiên, gừng cũng gây mẫn cảm nên tốt nhất bạn hãy dùng một lượng nhỏ nếu chưa quen và cần chú ý một số trường hợp không nên dùng gừng như một chất bổ sung hoặc thuốc như: đang mang thai hoặc cho con bú, bị tiểu đường, có vấn đề về tim, rối loạn mỡ máu

photo-1670575772428

Sử dụng gừng tươi hoặc kẹo gừng có tác dụng chống viêm do viêm phế quản.

2.2. Tỏi

Kết quả của một nghiên cứu năm 2016 tại Iran phát hiện tỏi ức chế hiệu quả sự phát triển của virus gây viêm phế quản. Phát hiện này cho thấy tỏi có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên cho bệnh viêm phế quản.

Sử dụng tỏi tươi trong các món ăn hoặc ăn tỏi sống là tốt nhất. Tuy nhiên, tỏi có mùi hăng nồng nên nếu bạn không thích mùi vị này, có thể sử dụng dạng viên nang.

Cần thận trọng khi sử dụng tỏi nếu bạn bị rối loạn chảy máu. Ngoài ra, cần luôn uống tỏi với lượng nhỏ để đảm bảo không gây khó chịu cho dạ dày.

photo-1670575775145

Sử dụng tỏi trong các món ăn hàng ngày.

2.3. Nghệ

Một nghiên cứu năm 2018 của các nhà khoa học tại Vương quốc Ả rập Xê út cho thấy, nghệ có một số đặc tính hữu ích trong việc chống viêm phế quản. Trong số này có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm.

Củ nghệ cũng làm tăng hoạt động chống oxy hóa, có nghĩa là có thể giúp giảm kích ứng và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Các cách dùng nghệ:

  • Thêm nghệ tươi vào món salad.
  • Trộn 1/2 thìa bột nghệ với 1 thìa mật ong để tạo thành hỗn hợp sệt. Sử dụng 1-3 lần mỗi ngày nếu các triệu chứng kéo dài.
  • Uống nghệ dưới dạng viên nang theo chỉ dẫn.
  • Dùng nghệ tươi hoặc bột nghệ để pha trà.
  • Sử dụng nghệ như một loại gia vị trong thực phẩm thường an toàn, trừ khi bạn nhạy cảm với nó.

Không sử dụng nghệ như một loại thuốc nếu bạn có các vấn đề về dạ dày hay vấn đề về túi mật, chảy máu hoặc rối loạn chảy máu, tình trạng nhạy cảm với hormone, thiếu sắt. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, không nên dùng nghệ với số lượng lớn.

photo-1670575777915

Thêm nghệ vào món salad để tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

2.4. Xông hơi

Hơi nước giúp phá vỡ chất nhầy để bạn có thể tống ra ngoài dễ dàng hơn. Nước nóng cũng giúp thư giãn các cơ có thể bị căng do ho.

Bạn có thể thực hiện xông hơi tại phòng tập thể dục hoặc spa. Một lựa chọn xông hơi khác là cho nước nóng vào bát, trùm khăn lên đầu và hít hơi nước. Một số người thêm tinh dầu bạc hà vào nước nóng để giúp di chuyển chất nhầy tốt hơn.

Tuy nhiên, cần thận trọng không nên dùng nước quá nóng khi sử dụng phương pháp dùng bát và khăn, vì hơi nước có thể làm bỏng đường thở.

photo-1670575780196

Xông hơi nước.

2.5. Súc miệng nước muối

Súc miệng bằng nước muối có thể giúp phá vỡ chất nhầy và giảm đau ở cổ họng.

Cách thực hiện: Sử dụng gói muối được đóng sẵn với lượng nước quy định hoặc hòa tan 1 thìa muối vào ly nước ấm. Nhâm nhi một lượng nhỏ nước muối và súc miệng sâu sau cổ họng.

Lưu ý không nuốt nước muối. Lặp lại nhiều lần trong ngày.

photo-1670575783239

Súc miệng nước muối có tác dụng sát khuẩn vùng cổ họng.

2.6. Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc và để cơ thể được nghỉ ngơi vì chính trong giai đoạn ngủ sâu, cơ thể tự hồi phục và tăng cường chức năng miễn dịch để cơ thể có thể chống lại tình trạng viêm nhiễm tốt hơn.

Bạn có thể khó ngủ ngon khi đang bị ho, do đó, cần tránh mọi hoạt động không cần thiết như xem điện thoại, xem phim kinh dị... trước khi ngủ.

photo-1670575785449

Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

2.7. Thay đổi lối sống

Một lối sống lành mạnh đi đôi với việc phòng ngừa bệnh tật. Những thay đổi sau đây có thể giúp cải thiện khả năng hồi phục và giảm nguy cơ mắc bệnh trong tương lai:

  • Bỏ hút thuốc nếu bạn hút thuốc và tránh những nơi bạn có thể hít phải khói thuốc thụ động.
  • Đeo khẩu trang nếu tiếp xúc với ô nhiễm.
  • Tăng cường khả năng miễn dịch với một chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục ít nhất ba lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 20 phút.
  • Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn.
  • Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm và vệ sinh máy thường xuyên theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ngoài ra, để khắc phục các triệu chứng của viêm phế quản, bạn có thể sử dụng thuốc giảm ho, long đờm không kê đơn, nhưng cần lưu ý lựa chọn đúng loại theo tư vấn của chuyên gia, dùng mật ong và chanh, nước ép dứa để hỗ trợ tống đờm do viêm phế quản ra ngoài.

Mời bạn xem tiếp video:

Mẹo chăm sóc da khi thời tiết trở lạnh.


Lê Thu Lương
Theo healthline, webmd
Ý kiến của bạn