Đau đầu do căng thẳng có gì khác với các loại đau đầu khác?
Không giống như các loại đau đầu khác, chẳng hạn như đau nửa đầu, đau xoang hoặc đau đầu từng cơn... đau đầu do căng thẳng có thể gây đau ở đầu, da đầu, cổ và vai. Tình trạng này thường do căng thẳng, mệt mỏi, tư thế xấu hoặc mất nước.
Đau đầu do căng thẳng thường được mô tả là tình trạng áp lực hoặc căng cứng liên tục quanh trán hoặc sau đầu và cổ, cảm giác như có một dải băng chặt đang bóp chặt đầu.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí MedicinePlus, đau đầu do căng thẳng thường có cường độ từ nhẹ đến trung bình và có thể là từng cơn hoặc mạn tính.
Các loại đau đầu và vị trí thường gặp.
Nguyên nhân gây đau đầu do căng thẳng
- Căng thẳng: Tình trạng căng thẳng tác động tiêu cực đến thói quen ngủ và có thể làm trầm trọng thêm chứng đau đầu. Theo thời gian, các cơn đau đầu do căng thẳng lặp đi lặp lại có thể dẫn đến đau mạn tính và khó chịu.
- Tư thế xấu: Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài ở tư thế không phù hợp như khom lưng, rụt cổ làm căng các cơ ở cổ và vai, từ đó có thể gây ra đau đầu do căng thẳng. Theo thời gian, tình trạng căng thẳng kéo dài này có thể dẫn đến khó chịu, thường biểu hiện dưới dạng đau đầu. Ngoài ra, tư thế xấu có thể chèn ép các dây thần kinh ở cổ, gây đau và khó chịu.
- Mỏi mắt: Mỏi mắt thường do sử dụng máy tính hoặc màn hình trong thời gian dài, có thể gây ra chứng đau đầu do căng thẳng.
Ngoài ra, thiếu ngủ, đói hoặc mất nước đều có thể gây ra chứng đau đầu do căng thẳng.
Cách ngăn ngừa chứng đau đầu do căng thẳng
Giảm căng thẳng
Để giảm căng thẳng, bạn có thể thực hiện các kỹ thuật thiền chánh niệm, thở hộp và thực hiện các bài tập thư giãn vùng thái dương, đầu để giảm khả năng bị đau đầu do căng thẳng.
Thực hành hoạt động thể chất
Tham gia hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc ít nhất 150 phút mỗi tuần. Điều này giúp cải thiện sự di chuyển của chất lỏng trong cơ thể bao gồm hydrat hóa, loại bỏ độc tố qua mồ hôi và nước tiểu, bôi trơn các khớp, cơ và dây thần kinh, cải thiện lưu thông máu.
Hơn nữa, khi thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ, bơi lội, yoga, Pilates… cơ thể sẽ giải phóng endorphin, chất giảm đau tự nhiên giúp giảm đau đầu do căng thẳng.
Giữ cho cơ thể đủ nước
Đảm bảo cung cấp đủ nước trong ngày với ít nhất hai lít nước. Mất nước là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đau đầu do căng thẳng.
Bạn có thể uống nước dưới dạng nước đun sôi hoặc nước pha với lát dưa chuột, quýt, bạc hà… hay các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc hoặc trà bạc hà, có tác dụng làm dịu và cung cấp nước. Tránh dùng quá nhiều caffeine, vì nó có thể dẫn đến mất nước và gây ra chứng đau đầu.
Nên đảm bảo ngủ ít nhất 7-9 tiếng mỗi đêm và thực hiện tốt vệ sinh giấc ngủ như ngủ trong môi trường mát mẻ, tối, yên tĩnh.
Ngủ đủ giấc là biện pháp hiệu quả giảm đau đầu do căng thẳng.
Giữ tư thế đúng
Ngồi thoải mái và đúng cách là rất quan trọng để duy trì tư thế tốt và ngăn ngừa đau đầu do căng thẳng.
Nếu bạn làm việc bàn giấy, điều cần thiết là phải nghỉ giải lao thường xuyên để ngăn ngừa căng cơ. Cứ sau 30 phút, hãy đứng dậy khỏi ghế và đi bộ nhanh trong 3 phút nhằm giúp thư giãn các cơ, giảm căng thẳng ở cổ và vai.
Điều chỉnh ghế hoặc bàn làm việc sao cho phần trên cùng của màn hình máy tính ngang tầm mắt để ngăn ngừa căng cơ cổ đồng thời giảm đau đầu do căng thẳng.
Sử dụng tinh dầu
Tinh dầu có thể là một cách tự nhiên và hiệu quả để giảm đau đầu do căng thẳng. Nhiều loại tinh dầu có đặc tính làm dịu và giảm đau. Bạn có thể thoa tinh dầu bạc hà lên thái dương để tạo cảm giác mát lạnh và thúc đẩy sự thư giãn. Tinh dầu hoa oải hương cũng có thể giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy cảm giác bình tĩnh, có khả năng ngăn ngừa chứng đau đầu.
Tuy nhiên, cần luôn ghi nhớ pha loãng tinh dầu với dầu nền trước khi thoa lên da để ngăn ngừa kích ứng.
Chườm ấm hoặc chườm lạnh
Cả liệu pháp nhiệt và lạnh đều có thể giúp giảm đau đầu do căng thẳng bằng cách tác động vào các cơ ở đầu và cổ.
Nhiệt ấm giúp thư giãn các cơ căng thẳng, tăng lưu lượng máu và giảm đau. Liệu pháp này đặc biệt có lợi cho những người bị căng cơ là nguyên nhân chính gây đau đầu.
Mặt khác, liệu pháp lạnh có thể giúp làm tê vùng đó và giảm viêm, có hiệu quả đối với chứng đau đầu kèm theo sưng hoặc đau.
Mời bạn xem tiếp video:
Thường xuyên đau đầu, phát hiện căn bệnh nguy kịch | SKĐS