Mang thai là một quá trình phức tạp và rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Một số cặp vợ chồng có thể thụ thai trong vòng một tháng sau khi cố gắng, trong khi đối với nhiều người khác, thời gian chờ đợi có thể lâu hơn do cơ thể họ chưa sẵn sàng cho việc đó.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và thai nhi là việc nên bắt đầu trước khi bạn mang thai. Điều cần thiết là phải chuẩn bị kỹ càng cho mình về mặt tinh thần cũng như thể chất.
Dưới đây là 7 bước bạn cần thực hiện trước khi mang thai:
1. Kiểm tra y tế trước khi thụ thai
Kiểm tra sức khoẻ trước khi mang thai có thể giúp bạn xác định tình trạng sức khoẻ, phát hiện một số bệnh lý có thể cản trở cơ hội thụ thai của bạn. Cả bạn và đối tác của bạn cần phải kiểm tra sức khỏe để đảm bảo rằng hai bạn khỏe mạnh và có thể đáp ứng tốt nhất quá trình thụ thai.
Trong quá trình khám, các bác sĩ có thể xem xét các vấn đề như tiền sử sức khỏe của bạn và gia đình bạn để hiểu rõ hơn về các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh lý nếu có.
2. Kiểm tra lại các loại thuốc mà hai vợ chồng đang dùng
Nên dọn tủ thuốc khi có kế hoạch sinh con. Xem lại tất cả các loại thuốc không kê đơn và các loại thảo dược bạn thường dùng như thuốc đau đầu, thuốc cảm... Trao đổi với bác sĩ của bạn về những loại thuốc bạn thường sử dụng vì chúng có thể chứa một số thành phần không tốt cho thai kỳ.
3. Bổ sung vitamin tổng hợp
Hành trình 9 tháng mang thai không hề dễ dàng đối với một người phụ nữ. Mang thai dẫn đến một số thay đổi về thể chất và cảm xúc. Đây là giai đoạn mà cơ thể bà bầu cần nhu cầu cao hơn về chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh và cân đối.
Bên cạnh đó, các vi chất dinh dưỡng cũng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của em bé đang phát triển bên trong bụng mẹ. Vì vậy, bạn nên bổ sung lượng vitamin tổng hợp và axit folic, cần thiết cho sự phát triển của em bé và đảm bảo một thai kỳ an toàn. Lưu ý là không tự ý bổ sung vitamin mà phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Quản lý cân nặng của bạn
Nếu vợ/ chồng của bạn có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn mức trung bình, hãy thực hiện các bước để quản lý cân nặng của bạn. Cân nặng quá mức có thể là một vấn đề đối với những người đang cố gắng thụ thai. Cùng với đó, nếu đang mắc nhiều bệnh chuyển hóa như huyết áp cao và đái tháo đường, hãy uống thuốc đều đặn và cố gắng giữ các chỉ số trong tầm kiểm soát.
5. Tiêm phòng vaccine cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh
Nên tiêm phòng các loại vaccine khi có kế hoạch mang thai như: uốn ván, cúm, rubella… Vaccine phòng uốn ván cần được tiêm cho phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi. Ngoài ra, trong thai kỳ cũng cần thiết các mũi nhắc lại. Trong 3 tháng trước khi mang thai, cần tiêm phòng một số bệnh như cúm, rubella. Vì nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi cao.
6. Duy trì lối sống lành mạnh
Bỏ hút thuốc, uống rượu và ngủ sớm, đúng giờ, không thức khuya để có một thai kỳ khỏe mạnh. Ba điều này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn và thai nhi trong và sau khi mang thai. Chú ý bạn cần ngủ ít nhất 8-9 tiếng mỗi ngày.
Tập thể dục là rất quan trọng cả trước và trong khi mang thai để duy trì hoạt động thể chất. Vì vậy, bạn có thể thử đi bộ, tập yoga..., bất cứ điều gì phù hợp với bạn chứ không phải là buổi tập thể dục nghiêm ngặt, gắng sức. Cố gắng tập thể dục ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần tập khoảng một giờ.
7. Ăn uống lành mạnh
Vitamin tổng hợp có thể giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cơ thể nhưng bạn đừng chỉ dựa vào chúng. Phụ nữ hãy ăn những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng ngay từ khi bạn đang cố gắng mang thai. Cắt giảm tiêu thụ đồ ăn vặt và đồ ăn béo. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sau khi tiêm vaccine COVID 19, nên ăn và không nên ăn thực phẩm gì ? | SKĐS