Hà Nội

7 biện pháp tự nhiên giảm ê buốt cho răng nhạy cảm

SKĐS - Răng nhạy cảm là một kích ứng mạn tính ảnh hưởng đến việc ăn, uống và thở. Áp dụng một số biện pháp tại nhà có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng này...

1. Thế nào là răng nhạy cảm?

Răng nhạy cảm hay tình trạng ê buốt răng xảy ra khi lớp ngà răng bị lộ ra ngoài do mô nướu bị tụt xuống. Ngà là một mô khoáng hóa bao gồm các ống ngà nhỏ. Bên dưới ngà răng là tủy răng.

Khi ăn các thực phẩm lạnh, nóng hoặc ngọt, cứng… sẽ khiến tủy răng bị kích thích gây đau, ê buốt.

Một số yếu tố có thể dẫn đến răng nhạy cảm bao gồm:

  • Thực phẩm có tính axit: Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa axit tự nhiên, chẳng hạn như dưa chua, trái cây họ cam quýt... có thể gây mòn men răng và dẫn đến răng nhạy cảm.
  • Đánh răng quá mạnh: Đánh răng quá mạnh hoặc dùng bàn chải đánh răng có lông cứng có thể làm hỏng men răng (lớp phủ bên ngoài) và dẫn đến tụt nướu, gây lộ rãnh răng.
  • Sự tích tụ mảng bám: Sự hiện diện của mảng bám trên bề mặt chân răng có thể là lý do khiến răng nhạy cảm.
  • Tụt nướu: Do các bệnh nha chu, các mô nướu kéo ra khỏi răng, làm lộ ra bề mặt chân răng và khiến răng trở nên vô cùng nhạy cảm.
  • Các thủ thuật nha khoa định kỳ như làm sạch răng, phục hồi răng, bào chân răng… có thể xảy ra tình trạng ê buốt răng.
  • Sử dụng quá nhiều sản phẩm làm trắng răng có thể khiến răng nhạy cảm.
  • Sử dụng kem đánh răng có chứa baking soda và peroxide.
  • Sử dụng lâu dài nước rửa miệng có tính axit
  • Bệnh nướu răng: Tình trạng viêm và sưng nướu có thể khiến răng bị ê buốt.
  • Răng bị nứt hoặc vỡ có thể chứa đầy vi khuẩn gây viêm và làm răng nhạy cảm, đau đớn.
photo-1667882224409

Nứt răng là một nguyên nhân gây ra răng nhạy cảm.

Răng nhạy cảm là một triệu chứng của các bệnh lý răng miệng. Triệu chứng thường gặp là ê buốt răng khi đánh răng, khi ăn thức ăn nóng, lạnh, ngọt hoặc thức ăn có tính axit hoặc khi tiếp xúc với không khí lạnh...

2. Các biện pháp khắc phục tại nhà cho răng nhạy cảm

2.1. Bôi gel lô hội

Lô hội có thể giảm đau trong trường hợp răng bị ê buốt do có chứa hoạt tính anthraquinone, có tính kháng khuẩn và chống viêm. Gel lô hội có thể được sử dụng để làm gel đánh răng, giúp làm sạch răng và nướu.

Gel lô hội không chứa chất mài mòn, được tìm thấy trong hầu hết các loại kem đánh răng, do đó ít gây hại cho răng hơn.

Cách sử dụng: Dùng một ít lá lô hội (nha đam) tươi. Rửa kỹ bằng nước và dùng dao gọt bỏ vỏ. Tiếp theo, lấy dùng một chiếc thìa nhỏ múc phần gel không màu, cho vào máy xay sinh tố và xay thành một chất lỏng sủi bọt. Thoa hỗn hợp này lên vùng răng nhạy cảm hoặc súc miệng.

8 biện pháp tự nhiên cho răng nhạy cảm - Ảnh 3.

Bôi hoặc súc miệng bằng gel lô hội giảm ê buốt răng.

2.2. Súc miệng dầu mè khắc phục răng nhạy cảm

Dầu mè có thể được sử dụng để giảm đau tức thì trong trường hợp răng nhạy cảm. Liệu pháp súc dầu là một thủ thuật y tế thay thế như một phương pháp dân gian truyền thống của Ấn Độ để giữ vệ sinh răng miệng, tăng cường sức khỏe của nướu và răng.

Cách thực hiện súc dầu: Bôi một thìa dầu mè quanh răng và giữ trong vài phút. Dầu sẽ có màu trắng sữa và khá loãng. Không được nuốt. Liệu pháp này nên được thực hiện khi bụng đói vào buổi sáng và sau đó đánh răng để loại bỏ dầu thừa.

photo-1667882245895

Dùng dầu mè bôi để súc răng giúp hạn chế ê buốt.

2.3. Hỗn hợp dầu đinh hương

Đinh hương có chứa các thành phần hoạt tính sinh học như tinh dầu và tannin, có thể hoạt động như chất chống viêm và kháng khuẩn. Tinh dầu đinh hương có thể được sử dụng như một loại thuốc giảm đau cho răng nhạy cảm.

Cách sử dụng:

Cách 1: Đặt đinh hương trực tiếp lên răng đau và nhai.

Cách 2: Nghiền nhỏ vài nụ đinh hương, thêm vài giọt dầu ô liu hoặc nước, khuấy đều rồi bôi hỗn hợp này lên chỗ răng nhạy cảm, có thể giúp giảm ê buốt răng tạm thời.

photo-1667882249483

Dầu đinh hương giảm ê buốt răng tạm thời.

2.4. Tỏi

Tỏi có hoạt tính kháng khuẩn và hoạt động như một loại kháng sinh tự nhiên. Ngoài ra, tỏi có chứa các thành phần hoạt tính sinh học như flavonoid, alkaloid, saponin, steroid và lipid nên có thể được sử dụng để kiểm soát mảng bám răng.

Cách sử dụng: Bạn có thể làm hỗn hợp tỏi bằng cách đập dập tỏi với một chút muối. Sau đó bôi hỗn hợp này vào răng bị ảnh hưởng để giảm thiểu cơn đau.

photo-1667882252554

Giã tỏi đắp vào răng nhạy cảm giúp giảm đau.

2.5. Tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có hoạt tính kháng khuẩn cũng như chống nấm giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn hình thành trong mảng bám răng.

Cách sử dụng: Có thể làm dung dịch bạc hà bằng cách sử dụng lá bạc hà khô. Bỏ lá bạc hà khô vào một cốc nước nóng và ngâm trong vài phút. Để nguội và súc miệng.

photo-1667882265026

Dầu bạc hà dùng để súc miệng ngăn ngừa răng nhạy cảm.

2.6. Hỗn hợp nghệ

Củ nghệ chứa hợp chất có tính kháng khuẩn và khử trùng, có tác dụng kiểm soát mảng bám răng gây ra các vấn đề về răng nhạy cảm.

Cách sử dụng: Làm hỗn hợp bột nghệ bằng cách dùng một thìa cà phê bột nghệ trộn với lượng nước vừa đủ để tạo thành hỗn hợp đặc. Sau đó dùng hỗn hợp này bôi trực tiếp lên răng nhạy cảm; đợi trong vài phút và sau đó rửa sạch. Thực hiện ít nhất trong vài ngày liên tiếp.

2.7. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể là một biện pháp tự nhiên thường bị bỏ qua để kiểm soát răng nhạy cảm về lâu dài. Nó bao gồm duy trì vệ sinh răng miệng hàng ngày, tuân theo kỹ thuật chải răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa, như chải răng nhẹ nhàng, sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm, dùng kem đánh răng khử mẫn cảm, tránh thức ăn có tính axit và đi khám nha sĩ thường xuyên.

Lưu ý: Các biện pháp hỗ trợ tại nhà giúp giảm tình trạng ê buốt tạm thời, không chữa trị dứt điểm nguyên nhân. Do đó, tốt nhất bạn nên đến chuyên khoa nha khoa để được điều trị tận gốc triệu chứng này.

Mời bạn xem tiếp video:

3 nhóm người cần hạn chế ăn đậu phụ để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lê Thu Lương
Theo pharmeasy
Ý kiến của bạn