Đau họng là tình trạng đau nhức hoặc khó chịu ở cổ họng có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau. Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp đánh bay cơn đau họng.
Đau họng là gì?
Đau họng có thể do nhiều nguyên nhân.
Đau họng là tình trạng đau hoặc khó chịu ở bên trong cổ họng. Ngoài ra còn kèm theo cảm giác nóng rát và khó chịu xảy ra ở cổ họng khiến bạn gặp khó khăn trong ăn uống và giao tiếp. Đau họng còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến bạn ngủ không ngon giấc. Đau họng có thể liên quan đến nhiều bệnh hoặc tình trạng khác nhau. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, nhiều cách tiếp cận có thể giúp bạn giảm đau họng hiệu quả.
Triệu chứng chính của đau họng
Đau họng là một triệu chứng của cảm lạnh thông thường, có thể do dị ứng, bệnh đường hô hấp trên hoặc viêm họng do liên cầu. Viêm họng do virus thường xuất hiện với các triệu chứng sau đây:
Sổ mũi; Ho; Cảm giác khô hoặc ngứa rát họng; Khàn giọng; Mắt đỏ (viêm kết mạc).
Khi vi khuẩn liên cầu nhóm A tấn công cơ thể, bạn có thể sẽ nhận thấy một số triệu chứng liên quan đến nhiễm virus. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn phát triển nhanh hơn nhiều và bao gồm:
Sốt; Họng đột ngột đau; Amidan sưng to, thường có mủ hoặc mảng trắng; Nổi hạch; Những đốm đỏ li ti xuất hiện trên vòm miệng.
Đôi khi vi khuẩn liên cầu sẽ gây phát ban đỏ lan rộng khắp cơ thể và được gọi là bệnh ban đỏ.
Có nhiều lý do khiến bạn có thể bị viêm họng. Virus gây cảm lạnh hoặc cúm có thể gây ra tình trạng này, cũng như các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn. Các lý do khác bao gồm:
Tăng bạch cầu đơn nhân
Hút thuốc
7 cách đơn giản loại bỏ cơn đau họng tại nhà
Khi bị đau họng nhẹ, hầu hết các trường hợp đều tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 tuần. Nếu đau họng do virus, bạn cần nghỉ ngơi và để cơ thể tự chữa lành.
Bạn có thể có thể áp dụng một số biện pháp trị đau họng tại nhà để làm dịu cơn đau và kích ứng.
Súc miệng với nước muối ấm giúp giảm đau họng
Giảm đau họng bằng súc miệng nước muối.
Đây là phương pháp điều trị giảm đau họng phổ biến. Nước muối có thể không giúp giảm đau tức thì nhưng đó là cách tốt để tiêu diệt vi khuẩn, làm lỏng chất nhầy và giảm đau, giảm sưng tấy.
Bạn có thể pha nửa thìa cà phê muối với 1 cốc to nước ấm, súc miệng và họng kỹ trong khoảng 30 giây-1 phút. Tuy nhiên, để đảm bảo độ tinh khiết và đảm bảo nồng độ muối không bị dư thừa, bạn nên mua nước muối sinh lý tại các hiệu thuốc. Nên thực hiện mỗi 3 giờ 1 lần để giúp giảm sưng họng, đau họng.
Mật ong và chanh giảm đau họng hiệu quả
Trà chanh mật ong giúp giảm đau họng rất hiệu quả.
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và giúp giảm viêm. Nó cũng hoạt động như một chất giảm ho tự nhiên. Nước chanh giúp loãng đờm và chứa vitamin C tăng cường miễn dịch để chống lại nhiễm trùng. Trộn 1 thìa cà phê nước cốt chanh với 2 thìa mật ong. Thêm hỗn hợp vào tách trà hoặc nước nóng, khuấy đều và uống mỗi ngày 2 lần. Điều này không chỉ giúp giảm đau họng mà còn có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm đờm và bảo vệ cổ họng của bạn.
Giảm đau họng với trà thảo mộc
Một số loại thảo mộc giúp chữa lành cơn đau họng.
Có nhiều loại thảo mộc hiệu quả trong việc giảm đau họng, chữa các triệu chứng của viêm họng. Hoa cúc và bạc hà là những lựa chọn tốt để giảm đau họng.
Hoa cúc là một chất làm dịu tự nhiên. Trà hoa cúc giúp giảm cơn đau họng bởi đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa mà làm mịn lớp niêm mạc ở cổ họng.
Bạc hà cũng là một lựa chọn tuyệt vời trong trị đau họng. Lá bạc hà có tính kháng viêm, diệt khuẩn, làm lành vết thương nhanh chóng. Để điều trị cơn đau họng, bạn có thể hãm lá bạc hà với nước sôi thành trà uống mỗi ngày hoặc xông hơi với nước chứa tinh dầu bạc hà.
Sử dụng máy tạo ẩm
Máy tạo ẩm giúp đường hô hấp đỡ khô và hạn chế đau họng.
Tiếp xúc với không khí hanh khô trong một thời gian sẽ khiến cho cổ họng của bạn khô rát và đau. Khi sử dụng điều hòa nhiệt độ hay trong những ngày mùa đông hanh khô, nên có máy tạo độ ẩm trong phòng của bạn. Máy tạo độ ẩm sẽ mở các xoang và giữ cho không khí trong phòng luôn ẩm, giúp bạn dễ thở hơn. Ngoài ra, một số máy tạo ẩm có thêm chức năng lọc không khí giúp lọc sạch bụi bẩn, làm giảm tác nhân gây hại lên mũi họng và hệ thống hô hấp.
Trị đau họng bằng kẹo ngậm
Một số loại kẹo ngậm trị ho có tác dụng tại chỗ giúp giảm nhanh các triệu chứng đau họng. Kẹo ngậm giúp tiết nước bọt có thể làm dịu cơn đau họng của bạn bằng cách giữ cho cổ họng không bị khô.
Nên lựa chọn các loại kẹo ngậm chứa những chất sát trùng từ thảo dược. Không nên sử dụng quá thường xuyên các viên ngậm trị ho bởi chúng ức chế phản xạ ho tống đờm, lâu dài sẽ khiến cơn ho trở thành mạn tính.
Dùng thuốc xịt trị đau họng
Thuốc trị đau họng dạng xịt không nên dùng kéo dài.
Xịt họng với các chất gây tê như lidocain hoặc thậm chí là hỗn hợp thảo dược của cây cúc dại và cây xô thơm có thể làm dịu cổ họng ngứa ngáy. Nên xịt họng tối đa 3-4 lần một ngày.
Thuốc giảm đau không kê đơn hỗ trợ trị đau họng
Nếu cơn đau họng không thuyên giảm, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Ví dụ như ibuprofen hoặc acetaminophen cũng có thể giúp giảm đau cổ họng và đau nhức cơ thể.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nên đến gặp bác sĩ khi đau họng kèm theo sốt kéo dài.
Đau họng do virus thường nhẹ, kéo dài vài ngày và đáp ứng tốt với điều trị tại nhà. Trong trường hợp viêm họng hạt không được điều trị hoặc một tình trạng như viêm amidan, bạn có thể bị đau họng lâu hơn.
Nếu tình trạng đau họng của bạn nghiêm trọng, phát ban, sưng amidan hoặc sốt trên 38,5 độ C kéo dài trên 1 ngày, đã đến lúc bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ. Đó có thể là bệnh liên cầu khuẩn hoặc một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác. Trong trường hợp này, bạn thường được kê đơn thuốc kháng sinh và có thể tiếp tục các biện pháp điều trị tại nhà để làm dịu cơn đau họng.
Theo medicinenet
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin COVID-19 247 ngày 30/07: Hà Nội cho phép hơn 14.000 shipper hoạt động trở lại.