1. Tránh gội đầu hằng ngày để hạn chế tóc khô gãy
Nhiều chị em lầm tưởng việc gội đầu hằng ngày sẽ giúp tóc suôn mượt, tránh bết. Nhưng thực ra khi thường xuyên gội đầu mỗi ngày đã vô tình gây hại cho mái tóc.
Điều này là do khi gội đầu quá nhiều sẽ khiến tóc mất đi lớp dầu tự nhiên. Hơn nữa, việc sử dụng dầu gội quá thường xuyên còn khiến tóc bị tổn thương do hóa chất có trong dầu gội, càng khiến tóc nhanh khô xơ và dễ gãy rụng hơn.
Đặc biệt các trường hợp mồ hôi dầu, tóc bết, nếu sử dụng sản phẩm dầu gội có độ tẩy rửa cao, với mật độ dày, thì tóc càng nhanh yếu và gãy rụng. Vì thế, chị em chỉ nên gội đầu 2 - 3 lần/tuần.
2. Hạn chế buộc tóc quá chặt
Một trong những thói quen gây hại cho tóc chính là buộc tóc quá chặt ở một điểm cố định từ ngày này sang ngày khác. Việc này sẽ khiến tóc bị kéo căng, hình thành nếp hằn, tóc bị gập nếp và chân tóc yếu, dễ gãy rụng.
Do đó, tránh buộc quá chặt và thường xuyên thay đổi vị trí buộc tóc để tóc được "thở". Tốt nhất là những lúc không phải làm việc, tóc không gây vướng, ảnh hưởng đến các hoạt động khác thì nên thả tóc.
3. Sấy tóc ở nhiệt độ vừa phải
Sấy tóc ở nhiệt độ cao sẽ khiến tóc mất đi độ ẩm tự nhiên khiến tóc dễ gãy rụng hơn. Khi sấy tóc, nên chọn nhiệt độ vừa phải. Khi thời tiết không lạnh, có thể chọn chế độ sấy lạnh để hạn chế tổn thương cho tóc.
Khi sấy tóc, nên để máy sấy cách tóc khoảng 15-20cm để luồng nhiệt phân bổ đều, không bị tập trung tại một điểm, vừa tổn hại tóc, vừa tổn hại da đầu.
4. Không chải tóc khi tóc còn ướt
Khi mới gội đầu xong là lúc tóc và chân tóc còn yếu, nếu chải tóc lúc này – tức là có tác động mạnh trực tiếp lên tóc, khiến tóc dễ gãy rụng hơn. Khi gội đầu, bạn có thể dùng lược gội đầu chuyên dụng để gỡ rối cho tóc và làm sạch tóc tốt hơn.
Sau khi gội đầu xong, nên tránh chải tóc quá nhiều. Tốt nhất nên dùng khăn bông quấn quanh tóc để thấm bớt nước, đợi tóc khô một chút rồi mới tạo kiểu.
5. Không nhuộm và tạo kiểu quá nhiều
Những hóa chất trong các thuốc tẩy, thuốc nhuộm và chất tạo kiểu sẽ gây tác hại, khiến tóc khô xơ và gãy rụng. Tóc cần thời gian để hồi phục, vì vậy không nên tẩy tóc và tạo kiểu quá nhiều lần trong thời gian ngắn.
Trong trường hợp thường xuyên nhuộm tóc thì nên chăm sóc tóc với kem ủ, mặt nạ tóc nhiều hơn để tóc phục hồi sau khi tiếp xúc với thuốc nhuộm và hóa chất.
6. Sử dụng các loại dưỡng phục hồi, mặt nạ cho tóc
Bên cạnh việc lựa chọn dầu gội và dầu xả đúng loại tóc, phù hợp với kiểu tóc, thì vẫn nên bổ sung dưỡng chất cho tóc bằng các loại dưỡng ủ, mặt nạ để giúp tóc chắc khỏe hơn. Có thể dùng các loại serum dưỡng tóc, mặt nạ phục hồi có sẵn hoặc tự chế tại nhà với các sản phẩm tự nhiên có sẵn (mặt nạ quả bơ, mặt nạ trứng, mặt nạ sữa chua…), dầu dưỡng để tóc mềm mượt và hạn chế gãy rụng.
7. Chế độ sinh hoạt hợp lý
Chế độ sinh hoạt hằng ngày cũng đóng vai trò quan trọng đối với mái tóc. Để khắc phục tình trạng rụng tóc, nên có chế độ ăn uống dinh dưỡng, giàu đạm, khoáng chất và vitamin...
Cần ngủ đầy đủ mỗi ngày 8 tiếng, đúng giờ (không thức quá khuya), hạn chế chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, café…
Mời độc giả xem thêm video:
Dấu hiệu nhận biết ung thư xương - SKĐS