7 biện pháp đảm bảo ăn uống an toàn phòng bệnh sau mưa lũ

27-10-2021 07:15 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Mưa lũ kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm, người dân cần thực hiện tốt các nguyên tắc phòng ngừa để tránh các bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ.

1. Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sau mưa lũ

Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch: Trước khi tiếp xúc với thực phẩm; trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; sau mỗi lần đi vệ sinh.

Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.

Giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp, trang bị các dụng cụ như chạn bát, giá kệ, lồng bàn để phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.

Vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở đảm bảo luôn sạch sẽ, cách xa các nguồn ô nhiễm (cống, rãnh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm…). Hệ thống cống rãnh xung quanh nhà luôn được khơi thông không bị ứ đọng nước.

7 biện pháp đảm bảo ăn uống an toàn sau mưa lũ - Ảnh 2.

Giữ vệ sinh cá nhân để đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Lựa chọn nguyên liệu thực phẩm an toàn

Chọn mua rau, củ, quả tươi, mới. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch dưới vòi nước chảy, quả nên gọt vỏ trước khi ăn.

Chọn thịt mới mổ, màu sắc tươi, đỏ, không nhợt nhạt, không thâm đen, độ đàn hồi của thịt tốt, không có mùi hôi, không bị nhớt… Thực phẩm đông lạnh để tan đá thì nên sử dụng hết. Nếu đã rã đông rồi cho lại vào đông đá lại thường kém an toàn, do vậy nên hạn chế sử dụng.

Đối với thực phẩm là đồ hộp: Khi mua cần kiểm tra nắp có bị lỏng, bị hở, bị thủng hay phồng không. Đồ hộp bị gỉ sẽ dễ ngấm chất độc hại vào thức ăn gây độc hại cho cơ thể. Cần chú ý đến các thông tin về sản phẩm đồ hộp và hạn sử dụng để tránh mua phải thực phẩm không an toàn

3. Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín

Không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, hải sản và các thực phẩm tươi sống khác với các thực phẩm đã qua chế biến.

Sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống va thực phẩm chín.

Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa những thực phẩm sống và giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín.

4. Đun nấu kỹ thức ăn

Trong quá trình chế biến, cần nấu chín kỹ thức ăn. Các vi sinh vật và kí sinh trùng gây hại cho sức khỏe thường sống được ở nhiệt độ cao, do đó, khi nấu, cần đun chín kỹ hoàn toàn thức ăn. Sau khi chế biến xong, nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng, vì khi đó vi sinh vật và các nguồn gây độc hại chưa kịp xâm nhập vào thức ăn, hơn nữa, thức ăn còn nóng luôn mang lại hương vị và cảm giác rất ngon miệng cho người sử dụng.

5. Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn

Không nên để các thực phẩm đã được nấu chín ở bên ngoài quá 2 giờ. Nếu để ngoài quá lâu thì không nên nữa vì các vi khuẩn có thể phát triển trên thực phẩm và gây bệnh.

Nếu các thực phẩm cần được ăn nóng thì ăn càng sớm càng tốt sau khi nấu, nếu phải nấu lại thì cần nấu kỹ. Các thực phẩm lạnh cần được bảo quản lạnh (trong tủ lạnh hoặc trong nước đá) cho tới khi ăn.

Các thực phẩm còn thừa sau ăn cần được bảo quản ngay trong tủ lạnh và chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày.

7 biện pháp đảm bảo ăn uống an toàn sau mưa lũ - Ảnh 4.

Rửa rau bằng nước sạch dưới vòi nước chảy.

6. Ăn đủ dinh dưỡng và không bỏ bữa

Trong điều kiện mưa lũ, có thể sử dụng các loại lương thực như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô.... Cố gắng bổ sung chất đạm như: Thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước.

Cần bổ sung ăn rau xanh, quả chín, tận dụng các loại rau, củ quả có sẵn ở địa phương là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn. Đậu đỗ làm giá đỗ, mít xanh luộc chín, các bộ phận của cây chuối (thân, củ, quả) chính là nguồn bổ sung thay thế rau xanh.

Ngoài rau trồng, còn có thể sử dụng nhiều loại rau mọc hoang. Rau quả nên dùng tươi, tránh sử dụng rau quả dập nát, nấu xong rồi ăn ngay để tránh hao hụt vitamin. Có thể bổ sung vitamin bằng các loại thực phẩm chức năng, dùng liên tục từ 7-10 ngày. Những chất này cần thiết đặc biệt là cho người cao tuổi và trẻ em.

7. Xử lý nguồn nước sau mưa lũ

Bước 1: Làm trong nước

Bằng phèn chua:

  • Chuẩn bị phèn chua: Cứ 20 lít nước sử dụng 1g phèn chua.
  • Hòa tan 1g phèn chua vào một gáo nước (khoảng 500ml).
  • Đổ gáo nước đã hòa tan phèn chua vào xô đựng 20 lít nước cần xử lý, khuấy đều.
  • Chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng xuống đáy xô, gạn lấy nước trong đổ vào một xô sạch khác để khử trùng.

Bằng vải (nếu không có phèn chua):

  • Dùng vải sạch để lọc, giữ lại cặn bẩn. 
  • Loại bỏ cặn bẩn trên vải sau mỗi lần lọc. Lọc đi lọc lại vài lần đến khi nước trong.

Bước 2: Khử trùng nước

Nước đã làm trong có thể được khử trùng bằng một trong hai cách sau:

Bằng hóa chất:

Chuẩn bị hóa chất: Viên Cloramin B 0,25g: Khử trùng cho 25 lít nước đã được làm trong.

Hoặc viên Aquatabs (67 mg): Khử trùng cho 20 lít nước đã được làm trong.

‎Khử trùng:

  • Cloramin B 0,25g: Cho 01 viên vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.
  • ‎Aquatabs 67mg: Cho 1 viên vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

Bằng cách đun sôi

Nước phải được đun sôi ít nhất 1 phút kể từ lúc nước bắt đầu sôi.

Bằng thiết bị lọc

Sử dụng thiết bị lọc nước đảm bảo chất lượng để lọc nước đã được làm trong. Nước đã được làm trong và khử trùng có thể sử dụng cho các mục đích nấu ăn, sinh hoạt. Nếu uống trực tiếp vẫn phải đun sôi trước khi uống.

6 bệnh thường gặp sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị6 bệnh thường gặp sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị

SKĐS - Sau mưa lũ sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, chính vì vậy người dân cần nhận biết các dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số bệnh thường gặp sau mưa lũ.


Thanh Bình
(Tổng hợp)
Ý kiến của bạn