Tiến sĩ Menis Yousry đến từ nước Anh, là nhà tâm lý học Gia đình và Xã hội nổi tiếng với nhiều nghiên cứu về chuyên ngành Phát triển bản thân. 20 năm qua ông đã hướng dẫn hàng trăm khóa học nâng cao giá trị con người ở khắp châu lục, giúp hàng nghìn người tìm lại chính mình cũng như niềm hạnh phúc và bình an thực sự.
Menis Yousry cho rằng: "Để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững, bạn có thể bày tỏ mong muốn, đòi hỏi và biết ơn, nhưng đừng quá kỳ vọng vào những gì người khác làm cho mình". Không có bất kỳ công thức nào cho một mối quan hệ hạnh phúc bởi nó là tổng hòa của nhiều yếu tố. Hạnh phúc không phải là quá trình mà là khoảnh khắc, nhiều khoảnh khắc vui vẻ sẽ làm nên hành trình hạnh phúc.
Điều kiện đầu tiên để có được một mối quan hệ viên mãn, đòi hỏi mỗi người phải biết giữ gìn giá trị cá nhân cũng như phát triển ưu điểm, khắc phục nhược điểm của chính mình thay vì tìm cách thay đổi người khác. "Sự thay đổi bản thân mình theo chiều hướng tích cực không chỉ có ích trong việc giữ gìn các mối quan hệ mà còn góp phần thăng tiến đời sống cá nhân của chính bạn", tiến sĩ Menis Yousry chia sẻ.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu về tâm lý học và giảng dạy chương trình "Tìm lại chính mình" tại 16 thành phố trên khắp thế giới, tiến sĩ Menis Yousry đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát và đúc kết 7 bí quyết của những người hạnh phúc trong việc giữ gìn các mối quan hệ như sau:
1. Không quá kỳ vọng
Đừng trông đợi những điều tốt đẹp "nửa kia" mang đến cho bạn mà hãy học cách chấp nhận con người của họ với đầy đủ ưu và khuyết điểm. Khi bạn nhận ra sự kỳ vọng mình đặt lên vai người khác không thể thay đổi được họ thì tốt nhất đừng làm điều đó nữa, bởi sự kỳ vọng thiếu thực tế dễ dẫn đến thất vọng.
Những người hạnh phúc thường không đặt nhiều kỳ vọng vào ai mà chỉ đơn giản là quan tâm đến người kia với một tâm trí cởi mở, vô tư. Tâm lý này giúp họ không bị áp lực, không "sượng" khi thể hiện những cử chỉ trìu mến. Theo đó, người đối diện sẽ cảm nhận được nơi họ tình cảm chân thành tự nhiên như câu nói "Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim".
2. Tự "sửa chữa" những điểm yếu
Hãy tập thói quen nhìn lại mình trước khi bới móc lỗi lầm của kẻ khác. Con người có xu hướng nhìn thấy khuyết điểm của người khác trước khi tự soi xét bản thân. Thực tế nếu quá tập trung vào khuyết điểm của người đối diện, bạn sẽ trở nên xét nét và thích chỉ trích, làm cho mối quan hệ ngày càng xấu đi.
"Lần sau nếu gặp phải bất đồng, hãy tự suy xét là mình cần cải thiện điều gì. Có thể vì mình chưa thực sự lắng nghe quan điểm của đối phương hoặc do tính cứng đầu, bướng bỉnh. Hãy tìm phương án ngay trong bản thân bạn thay vì chỉ chăm chăm soi xét người đối diện", tiến sĩ Menis Yousry khuyên.
3. Đặt ra giới hạn
Chìa khóa của một mối quan hệ tốt đẹp là đặt ra những giới hạn để tự bảo vệ bản thân cũng như mối quan hệ của mình. Khi yêu, hai người phải tự xác định những giới hạn dựa trên nền tảng là niềm tin và giá trị của mỗi cá nhân. Bạn cần tự hỏi mình trân trọng điều gì, tin vào điều gì? Câu trả lời sẽ giúp bạn xác định được những giới hạn trong mối quan hệ. Hãy nói chuyện rõ ràng với người ấy, giải thích cụ thể vì sao những giới hạn này lại quan trọng và cả hậu quả khi vượt qua ranh giới đó.
4. Tự định hướng bản thân
Kể cả khi bạn đang yêu hay đã kết hôn, hãy tiếp tục phát triển bản thân như một cá nhân độc lập, đừng để bị phụ thuộc vào nửa kia. Thông người khi yêu, người ta có xu hướng quên đi những nhu cầu cá nhân để đồng hành cùng người yêu. Như thế bạn sẽ dần đánh mất mình và sớm trở nên bế tắc.
Một bí quyết của mối quan hệ viên mãn là tìm ra điểm chung giữa ước mơ của 2 người để từ đó giúp nhau hiện thực hóa nó. Cả hai hãy chia sẻ với nhau về những gì mình muốn đạt được đồng thời ủng hộ, động viên nửa kia hiện thực hóa nó.
5. Đừng lẫn vào đám đông
Chúng ta sống trong một xã hội đa quan điểm. Những quan điểm bên ngoài có thể ảnh hưởng tới cách ta xử lý những mối quan hệ cá nhân dù nó đến từ báo chí hay các show truyền hình thực tế. Thay vì nỗ lực làm "hài lòng đám đông", hai bạn hãy tự quyết định đặc điểm mối quan hệ của mình bằng cách trò chuyện với nhau và thống nhất mong muốn. Hãy dung hòa nhu cầu riêng của cả hai để cùng xây dựng một mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh.
6. Đừng suy nghĩ nhiều
Suy nghĩ quá nhiều sẽ làm mối quan hệ thêm phức tạp. Sẽ là sai lầm khi cho rằng suy nghĩ nhiều về một vấn đề nào đó sẽ thu được kết quả tốt hơn. Thực tế "nghĩ dài, nghĩ dai thành ra nghĩ dại", càng nghĩ nhiều càng dễ quẩn, căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực, việc bé xé ra to. Những quyết định hợp lý có khi bị che mờ khi nó bị "ngâm" quá lâu.
7. Đừng sống trong quá khứ, hãy sống ở thì hiện tại
Quá khứ là quá khứ bởi lý do đơn giản "nó đã xảy ra". Không có lý do gì để bạn nán lại ở đó bởi thực tế không thể thay đổi được quá khứ. Người hạnh phúc có xu hướng sống hòa bình với quá khứ và tập trung vào tương lai. Họ tích cực tìm kiếm những cơ hội khác nhau để làm được nhiều điều có lợi nhất cho cuộc sống hiện tại và lương lai của mình.