Theo đó, Bộ Y tế phân công Bệnh viện hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh.
Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế của Quận 1, Quận 3, Quận 5 và Quận 11.
Bệnh viện Việt Đức (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13) phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh điều trị COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16) phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.
Bệnh viện Trung ương Huế (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14) phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của Quận 10, Quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.
Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phụ trách phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của Quận 4, Quận 6 và quận Gò Vấp.
Bệnh viện Thống Nhất phụ trách phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế của quận Phú Nhuận và quận Tân Bình.
Tại quyết định này, Bộ Y tế yêu cầu các Bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khảo sát đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về cơ sở giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các bệnh viện quận/huyện/thành phố để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.
Đồng thời, cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 cho các quận/huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Thầy thuốc bệnh viện tuyến trên đồng hành, nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng đã thoát khỏi "cửa tử"
Theo Bộ Y tế, tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 13.145 cán bộ y tế tham gia chống dịch.
Trong số này, Bộ Y tế đã điều động 11.411 cán bộ y tế tham gia chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam gồm có 1054 bác sỹ, 2145 điều dưỡng và 6008 giảng viên, sinh viên từ các trường y.
Các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 1734 nhân viên y tế, với 438 bác sỹ và 1248 cán bộ y tế, tình nguyện viên đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp...
Số còn lại là các nhân viên trợ giúp công tác hành chính, hậu cần, truy vết.... hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu xét nghiệm.
Thực hiện chỉ đạo, phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 5 đồng chí Giám đốc các Bệnh viện: Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hiện đang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh quy mô 1.000 giường và 4 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường/Trung tâm để đồng hành cùng Thành phố trong điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh và 4 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với sự có mặt của các chuyên gia đầu ngành, các y bác sĩ chuyên môn sâu cùng trang thiết bị đồng bộ đi vào hoạt động đã giúp nhiều bệnh nhân nặng thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Nhiều người bệnh nặng đã được ra viện.
Mời các bạn xem video được quan tâm:
Trung tâm hồi sức Cấp cứu COVID-19: “Nối yêu thương” nơi cận kề cửa tử.